CÁT LINH
Nếu như ba tháng trước, Trương Hải không chở cha mình, ông Trương Lập Phương về Vũ Hán để chữa bệnh, thì cha của ông đã không chết vì cúm Vũ Hán, COVID-19. Cho nên, có thể suốt quãng đời còn lại, Trương Hải sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân…
***
Cất lại nỗi đau
Chỉ vài phút sau khi những hàng rào phong toả Vũ Hán được dỡ bỏ, Trương Hải ngay lập tức lái xe rời khỏi thành phố, trở về Thẩm Quyến. Nhà của ông ở đó. Nhưng không như ba tháng trước, đoạn đường trở về lần này, ông Trương Hải đi một mình, cha của ông đã vĩnh viễn nằm lại Vũ Hán vì coronavirus.
“Trái tim tôi tan vỡ. Tận trong lòng tôi tràn ngập sự đau buồn và nỗi oán hận.” Trương Hải đang nói về Vũ Hán, quê hương của ông, tâm chấn khởi đầu của đại dịch coronavirus.
Cách đây ba tháng, người đàn ông 50 tuổi Trương Hải lái xe một đoạn đường dài 700 miles từ bờ biển phía Nam Trung Quốc để đưa cha của ông về Vũ Hán chữa trị cái chân bị gãy. Ông Trương Lập Phương cả đời làm việc cho một trường đại học ở Vũ Hán, cho nên khi nghỉ hưu, ông thừa hưởng chế độ bảo hiểm sức khỏe miễn phí ở thành phố này.
Cuộc phẩu thuật đã diễn ra tốt đẹp. Thế nhưng, Trương Hải cũng như ông Phương hoàn toàn không thể ngờ được những ngày hồi phục sau ca mổ trong bệnh viện cũng chính là thời gian ông bị lây nhiễm Covid-19. Ông Phương, 76 tuổi, được xác định dương tính với virus ngày 30-1, và ông qua đời…hai ngày sau đó.
“Tôi đã không biết đại dịch bùng phát tồi tệ ở Vũ Hán, tôi đã mang cha tôi đến đây…điều đó đã gây ra cái chết cho ông. Mỗi lần nghĩ đến, tâm trí tôi lại bị bủa vây bởi sự hối hận và tức giận.”
Nhưng Trương Hải sẽ phải quay lại Vũ Hán, vì hài cốt cha của ông vẫn còn nằm trong nhà tang lễ thành phố.
Thứ Ba 8-4-2020, là ngày kết thúc 11 tuần phong toả Vũ Hán. Mọi người quay trở lại làm việc. Các cửa hiệu buôn bán, các doanh nghiệp mở cửa. Cuộc sống trở lại với nhịp sinh hoạt vốn có của nó. Người đi bộ, tiếng còi xe sẽ lại tấp nập, ồn ào trên đường phố. Nhưng với nhiều người như Trương Hải, Vũ Hán mãi mãi không bao giờ như xưa nữa.
Coronavirus đã cướp đi hơn 2.500 mạng sống trong thành phố, chiếm 77% tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc. Khi cuộc sống bắt đầu trở lại với vẻ bề ngoài thường nhật (dù là giả dối), thì cũng tại Vũ Hán, hàng ngàn gia đình mất mát ở đây bắt đầu đối diện với một nhiệm vụ vốn đã bị trì hoãn trong nhiều tháng qua: chôn cất người thân yêu của họ.
Ngày 25-1, chính quyền Vũ Hán đã cấm tất cả lễ tang trong thành phố, chấp nhận phương án khoá chặt cửa ngõ để ngăn chặn dịch bệnh. Không thể khác hơn, nghĩa trang cũng được lệnh đóng cửa.
Khi đó, truyền thông Bắc Kinh cho biết Trung Quốc có 1.287 người nhiễm coronavirus. Riêng Vũ Hán có 41 người tử vong. Trong một ngày, thêm ít nhất 15 ca tử vong ở Vũ Hán. Ngay lúc ấy, phong toả Vũ Hán là quyết định duy nhất của chính quyền địa phương. Người dân Vũ Hán không được rời khỏi nhà. Toàn bộ phương tiện giao thông công cộng ngưng hoạt động. Các nhà tang lễ khoá cửa. Hàng ngàn thi thể ở Vũ Hán, trong đó có những những người tử vong vì coronavirus, đã không được làm đám tang. Thi thể của họ được giữ lại trong nhà tang lễ. Gia đình của người quá cố được lệnh…chờ lệnh của chính phủ.
Trong số đó, rất nhiều người có thể không được nhìn người thân của họ lần cuối trước khi nạn nhân bị mang đi hoả táng. Để hạn chế sự lây lan của virus, chính quyền ra lệnh tất cả thi thể bệnh nhân được xác định nhiễm coronavirus hoặc chỉ nghi ngờ nhiễm cũng phải được đưa thẳng từ bệnh viện đến nhà tang lễ để hoả thiêu. Người thân không biết, hoặc có biết cũng không thể nhìn lần cuối.
Còn với những cái chết không vì coronavirus, giống như những hoạt động khác trong thành phố, tổ chức đám tang phải hoãn lại.
Cuối cùng, cho đến cuối tháng 2, khi số ca nhiễm mới trong địa phương giảm xuống còn 0, cư dân Vũ Hán mới được lấy tro cốt của người thân từ nhà tang lễ mang về chôn cất. Khi đó, những tấm ảnh về hàng người xếp hàng dài trước các nhà tang lễ lan truyền trên khắp truyền thông đại chúng. Tấn thảm kịch của cư dân Vũ Hán phải đối mặt được phơi bày. Trung Quốc nhanh chóng kiểm duyệt gắt gao tất cả thông tin này.
Trở lại câu chuyện của Trương Hải, vì cha của ông mất do nhiễm coronavirus nên như những bệnh nhân khác, thi thể của ông Phương bị mang đi hoả thiêu ngay sau đó. Trương Hải muốn tận tay mình nhận hài cốt và chôn cất nha, nhưng các đồng nghiệp trong trường đại học mà cha ông đã làm việc khi còn sống nói với ông rằng việc đó là không thể. Theo lệnh mới của chính quyền từ khi xảy ra đại dịch, ông Hải chỉ có thể nhận hài cốt cha nếu được hộ tống bởi một người trong trường đại học hoặc một nhân viên uỷ ban khu phố.
“Lo hậu sự cho cha tôi, nhận hài cốt của ông và mang đi chôn cất là điều tôi muốn chính mình làm. Đó là cuộc sống cá nhân, riêng tư. Những người kia đâu phải gia đình của chúng tôi.” Trương Hải không thể làm theo lệnh mới của chính quyền. Ông không chấp nhận sự hộ tống và từ chối nhận hài cốt của cha mình.
Nhưng, Trương Hải nói rồi đây, chắc chắn ông phải quay lại Vũ Hán đón cha của mình.
Những con số chờ tìm huyệt mộ
Với nhiều người khác, là câu chuyện về không khí kỳ lạ tại nhà tang lễ và nghĩa trang. Câu chuyện của Bành Á Đình, 34 tuổi, một nhà tư vấn giáo dục, nằm trong tình huống này.
Buổi sáng sớm ngày 28-3, Á Đình vội vã đến nghĩa trang Biandanshan ở Vũ Hán. Vào mỗi mùa xuân, dịp lễ Thanh Minh, Á Đình và mẹ của cô đều đến viếng mộ tổ tiên tại nghĩa trang này. Đây là truyền thống có từ hàng thế kỷ trước của người Trung Quốc. Họ bày tỏ lòng tưởng nhớ bằng cách dọn dẹp sạch sẽ các ngôi mộ.
Nhưng, mùa xuân năm nay, Á Đình đến nghĩa trang với mục đích khác. Cô đến để tìm chọn một khu huyệt mộ cho mẹ của mình. Bà qua đời trong bệnh viện vào cuối tháng Giêng, khi đại dịch coronavirus bùng phát ở Vũ Hán.
Á Đình đến nghĩa trang Biandanshan rất sớm, trước 6:30 sáng. Thế nhưng nhiều người còn sớm hơn cô. Họ đến và xếp hàng dài bên ngoài nghĩa trang. Tấm vé của Á Đình mang số 71.
“Có lẽ vì vẫn còn sớm, nghĩa trang hôm nay yên tĩnh đến lạ thường. Nhiều thành viên gia đình đã đến, nhưng họ không gây ồn ào, khóc lóc, hay bày tỏ sự bất mãn. Họ chỉ im lặng đứng xếp hàng, chờ đợi số của họ được gọi,” Á Đình viết trên tài khoản Weibo của cô như thế.
“Người chết không thể nói nữa, nhưng người sống cũng không muốn nói.”
Không đám tang nào không được phép tổ chức. Một người phụ nữ chuẩn bị chôn con gái của bà nơi đây nói rằng “không nghi lễ, không thể tổ chức. Chúng tôi chỉ có thể chôn con bé một cách lặng lẽ.”
***
Suốt đoạn đường hàng trăm dặm trở về Thâm Quyến, đi vào ngôi nhà của mình, Trương Hải không thể ngừng suy nghĩ về cha mình, tự trách mình đã đưa ông đến Vũ Hán ngày 17-1.
Vốn dĩ là, thời gian đó, các quan chức Vũ Hán và các chuyên gia y tế khẳng định “không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người” và coronavirus là “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”.
“Họ (chính quyền Trung Quốc) không công khai minh bạch thông tin kịp thời phải bị trừng phạt”. Trương Hải nói và ông vẫn đang chờ chính phủ Vũ Hán đưa ra lời xin lỗi chính thức.
(CNN/Business Insider/The Hill)