H.C.
Chính phủ Hoa Kỳ hôm nay thứ Sáu 31-07 đã thông báo cấm vận một tổ chức đầy quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc và hai quan chức lãnh đạo tổ chức này vì tội vi phạm nhân quyền có hệ thống, đàn áp người thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Lệnh cấm vận, do Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân khố thực hiện, áp đặt cho Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (Xinjiang Production and Construction Corp., XPCC) – một tổ chức kinh tế, quân sự giữ vai trò trung tâm trong các kế hoạch phát triển vùng Tân Cương – cùng hai quan chức lãnh đạo của XPCC là Bành Gia Thụy (Peng Jiarui) và Tôn Kim Long (Sun Jinlong). Lệnh cấm vận sẽ cấm tổ chức và hai quan chức này tiếp cận các tài sản tại Mỹ, hệ thống tài chánh của Mỹ cũng như cấm mọi giao dịch kinh tế giữa nó với các công ty và công dân Mỹ.
“Hoa Kỳ cam kết sử dụng mọi quyền lực tài chánh để trừng phạt những kẻ đàn áp nhân quyền ở Tân Cương và ở khắp nơi trên thế giới,” Bộ trưởng Bộ Ngân khố Steven T. Mnuchin tuyên bố.
*
Báo chí phương Tây gọi XPCC là một tập đoàn (corporation), nhưng theo cơ cấu của các đảng cộng sản, các tổ chức loại này thường có tên là “binh đoàn” (bingtuan), một tổ chức của quân đội, gồm nhiều sư đoàn, được bố trí ở các vùng biên giới, vừa làm kinh tế (sản xuất, xây dựng…) vừa bảo vệ an ninh, trấn áp những vụ nổi loạn của cư dân bản địa và thực hiện một số nhiệm vụ chính trị của đảng cộng sản.
Binh đoàn XPCC thành lập năm 1954, từ các đơn vị của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, được bố trí ở Tân Cương, vùng đất vốn là nước East Turkestan cũ, nơi có các dân tộc thiểu số như người Uighur (người Duy Ngô Nhĩ) theo đạo Hồi có ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng hoàn toàn khác với người tộc Hán của Trung Quốc.
Nhiệm vụ ban đầu của XPCC là tổ chức đưa người Hán Trung Quốc di cư tới Tân Cương với số lượng lớn, nhiều người là cựu binh của quân đội, tổ chức xây dựng nông trại, nhà xưởng, thị trấn… tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc gia tăng kiểm soát một vùng biên giới quan trọng có nhiều dân tộc chưa hoàn toàn thần phục. XPCC báo cáo và chịu sự kiểm soát trực tiếp từ Bắc Kinh và có thể nói, có quyền hành hơn cả chính quyền tỉnh Tân Cương.
Tới năm 2009, binh đoàn XPCC có sản lượng hàng hóa và dịch vụ hàng năm lên tới 7 tỷ đô la Mỹ, kiểm soát năm thành phố, 180 nông trang và 1.000 công ty các lãnh vực. Binh đoàn XPCC có tòa án riêng, trường đại học riêng, có truyền thông báo chí riêng.
Những năm gần đây, lo sợ trước sự nổi dậy của các phong trào Hồi giáo, chính quyền Trung Quốc cho xây dựng hàng loạt các trại tập trung ở Tân Cương, giam giữ ở đó hàng triệu người thiểu số gồm người Uighur, người Kazakh và các sắc dân theo Hồi giáo khác, với mục đích kiểm soát và “tẩy não” họ, xóa bỏ căn cước dân tộc và tôn giáo và nhồi nhét cho họ sự trung thành với đảng Cộng sản. Sự tồn tại và hoạt động đàn áp của các trại tập trung ở Tân Cương được điều tra viên của Liên hiệp quốc xác nhận.
Binh đoàn XPCC có thể là lực lượng chủ yếu thực hiện kế hoạch trại tập trung này của Bắc Kinh.
*
Từ năm 2018, chính phủ Mỹ đã bàn tới việc trừng phạt Trung Quốc về việc đàn áp người thiểu số ở Tân Cương nhưng trong một thời gian dài chưa đi tới quyết định cụ thể vì không muốn gây cản trở cho cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước. Hiện nay, với xu thế “bài Trung” đang được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tán thành, chính phủ Mỹ đã liên tục có các biện pháp trừng phạt.
Ngày 17-06-2020 Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật “Luật Nhân quyền Uighur 2020” trên cơ sở dự luật đã được hai viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua từ cuối năm 2019. Luật quy định “Tổng thống phải áp đặt cấm vận và hạn chế xuất cảng liên quan tới việc Trung Quốc đối xử với người Uighur, một nhóm sắc tộc thiểu số gốc Turkic theo Hồi giáo”.
Ngay sau đó, ngày 01-07, chính phủ Mỹ cảnh báo các công ty doanh nghiệp có đối tác cung ứng tại Tân Cương phải xem xét lại các rủi ro về kinh tế và pháp lý. Trước đó, hồi tháng 10-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 37 công ty và cơ quan công an Trung Quốc có vai trò trong các vụ đàn áp ở Tân Cương vào “danh sách đen”, cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm, công nghệ cho các đối tác này nếu không có giấy phép đặc biệt của chính phủ.
Ngày 09-07, chính phủ Mỹ ra lệnh cấm vận bốn quan chức cao cấp của Trung Quốc hoạch định chính sách đối với người Uighur, trong đó có ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), ủy viên Bộ chính trị chóp bu của đảng Cộng sản, bí thư tỉnh ủy tỉnh Tân Cương. Những người này bị cấm vào Mỹ, tài sản của họ ở Mỹ bị phong tỏa. Đáp lại, Bắc Kinh cấm nhập cảnh bốn vị dân cử của Mỹ, nhắm vào các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ; đó là các Thượng nghị sĩ (TNS) Ted Cruz (Texas) và Marco Rubio (Florida), Dân biểu Chris Smith (New Jersey), cựu Thống đốc tiểu bang Kansas và hiện là Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback.
Ngày 20-07, chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” thêm 11 công ty Trung Quốc là những nhà cung cấp cho Apple, Ralph Lauren và Tommy Hilfiger – đưa tổng số doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm giao dịch với Hoa Kỳ lên 48 đơn vị, đều do các đơn vị này có liên hệ với việc đàn áp người thiểu số Uighur ở Tân Cương.
Tuy vậy, các công ty trong danh sách đen chỉ là những đơn vị sản xuất kinh doanh riêng lẻ, bị cấm giao dịch với người Mỹ nhưng không bị tịch biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ. Lần này, với lệnh cấm vận một binh đoàn quản lý cả ngàn công ty, trong đó có những công ty quốc doanh chuyên sản xuất và xuất cảng hàng hóa, sẽ có một tác động đáng kể tới quan hệ giữa hai nước, cũng như với hoạt động trao đổi thương mại trên thế giới.
“Biện pháp cấm vận công bố hôm nay là hành động mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ trong nỗ lực đang thực hiện nhằm ngăn cản việc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương,” Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm nay tuyên bố.
(theo NYT)