Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu 28-08 bất ngờ thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Việc từ chức của ông vào lúc Nhật Bản đang cố kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế đã bị suy giảm trầm trọng trong một môi trường quốc tế không thuận lợi do những chính sách hung hăng của Trung Quốc và Bắc Hàn, chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ tới tình hình Nhật Bản, khu vực Đông Á và xa hơn nữa.
Ông Abe là người thế nào và các nhiệm kỳ thủ tướng của ông đã để lại di sản gì cho nước Nhật, cho vùng Đông Á mà Nhật là một cường quốc nhiều ảnh hưởng?
Ông Shinzo Abe đã hai lần làm thủ tướng Nhật Bản. Nhiệm kỳ đầu của ông chỉ kéo dài một năm (2006-2007), lúc đó ông đã từ chức vì chứng bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis). Ông trở lại cương vị thủ tướng Nhật Bản năm 2012 trong thời ký chính trường Nhật trải qua nhiều rối loạn với sáu vị thủ tướng nối tiếp nhau chỉ trong vòng năm năm. Lúc đầu, nhiều người nghĩ rằng ông Abe cũng sẽ nhanh chóng rời chức vụ trước quá nhiều thử thách đặt ra cho nước Nhật, nhưng cuối cùng ông đã trụ được suốt tám năm, đã đưa được nước Nhật ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị và mở rộng được ảnh hưởng của Nhật trên trường quốc tế.
Gia thế và quan lộ
Ông Shinzo Abe sinh năm 1954 trong một gia đình nổi bật về chính trị ở Nhật Bản. Ông ngoại của ông, Nobusuke Kishi từng là thủ tướng Nhật Bản những năm 1957-1960. Là một nhà lãnh đạo Nhật Bản thời Thế Chiến thứ Hai, ông Kishi bị Hoa Kỳ bỏ tù ba năm rưỡi sau ngày Nhật Bản đầu hàng nhưng không bị kết án tội phạm chiến tranh. Thân phụ của ông Shinzo Abe, ông Shintaro Abe là bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản từ 1982 tới 1986.
Cũng như các bậc tiền bối trong gia tộc, ông Shinzo Abe tham gia chính trị ở đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) – một đảng có đường lối trung hữu (centre-right) luôn chiếm đa số trong các cuộc bầu cử của Nhật từ năm 1955 trở về sau.
Năm 1991, hai năm sau ngày thân phụ ông qua đời, ông Shinzo Abe có được địa vị chính trị đầu tiên khi được bầu làm dân biểu đại diện tỉnh Yamaguchi trong Hạ viện Nhật Bản. Ông thăng tiến nhanh trên đường sự nghiệp và trở thành Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng Junichiro Koizumi vào năm 2005. [Con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi hiện thời là bộ trưởng trong nội các chính phủ của ông Shinzo Abe và có khả năng sẽ kế vị ông Abe làm thủ tướng]. Chỉ một năm sau đó, năm 2006, ông Abe thay thế ông Koizumi làm người lãnh đạo đảng LDP và thủ tướng Nhật Bản. Ông làm được 366 ngày rồi từ chức vì căn bệnh viêm loét dạ dày nói trên. Nhưng có dư luận cho rằng ông Shinzo Abe phải từ chức năm 2007 vì nhiều vụ xì-căng-đan liên quan tới nội các chính phủ của ông, trong đó có bộ trưởng phụ trách nông nghiệp, ông Toshikatsu Matsuoka đã phải tự sát.
Năm năm sau, ông Abe có một cuộc trở lại chính trường ngoạn mục, đưa đảng LDP trở lại là đảng cầm quyền và lên làm thủ tướng, chấm dứt một thời kỳ hỗn loạn với 14 thủ tướng nối nhau trong hai mươi năm. Sự trở lại của ông Abe có tác động một phần từ tình trạng trì trệ của kinh tế Nhật, một phần từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra cho Nhật Bản những thử thách cả về kinh tế lẫn an ninh. Trong bối cảnh đó, một nhà lãnh đạo chủ trương bảo thủ hơn về chính trị, mạnh mẽ hơn về an ninh quốc gia như ông Abe được “chọn mặt gửi vàng”.
Abenomics hay chính sách kinh tế kiểu Abe
Nước Nhật đã có một thời kỳ bùng nổ kinh tế, từ đống tro tàn sau Thế Chiến thứ Hai vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ vào những năm 1970-1980. Sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật góp phần “kéo” theo các nền kinh tế láng giềng của Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Malaysia theo mô hình “đàn sếu bay” trong đó con sếu đầu đàn là Nhật Bản, nhưng nó cũng gây hiệu ứng ngược ở Washington và các nước phương Tây. Nhiều chính sách tài chánh và công nghệ được Hoa Kỳ và châu Âu thực thi để làm chậm đà tiến của Nhật Bản. Dân số bị lão hóa, cộng với tập quán tiết kiệm cao, ít tiêu dùng của người dân làm cho kinh tế Nhật rơi vào trạng thái trì trệ thời gian dài kể từ năm 1990. Thảm họa động đất, sóng thần và tai nạn nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima năm 2011 càng làm cho nước Nhật thêm khốn đốn.
Lên làm thủ tướng năm 2012, ông Abe chủ trương làm sống lại nền kinh tế Nhật bằng nhiều biện pháp kích thích, được giới kinh tế học gọi chung là Abenomics, gồm ba chính sách lớn, gọi là ba “mũi tên”: nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công của chính phủ và cải tổ cung cách quản trị. Abenomics cũng khuyến khích doanh nhân Nhật tăng đầu tư ra nước ngoài để khai thác nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ, đồng thời mở cửa để người nước ngoài bán hàng hóa vào Nhật dù bị sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm lợi ích trong nước, nhất là của giới nông dân có thế lực làm cho việc nhập cảng nông sản (gạo, thịt bò) vào Nhật bị hạn chế.
Về an ninh, một ý đồ lớn của ông Abe – tuy chưa thực hiện hoàn tất – là sửa đổi bản hiến pháp hòa bình của Nhật. Bản hiến pháp này do Hoa Kỳ soạn thảo năm 1947 được cho là nền tảng pháp lý để xây dựng chế độ dân chủ tự do của Nhật thời hậu chiến, nhưng để ngăn chặn sự sống lại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Điều 9 của hiến pháp quy định Nhật Bản không thành lập quân đội mà chỉ có Lực lượng Phòng vệ (Japan Self-Defense Forces, JSDF), không được tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Khi Hoa Kỳ phát động chiến tranh ở Iraq và Afghanistan chẳng hạn, Nhật Bản chỉ tham gia đóng góp về hậu cần và tiếp liệu chứ không có binh sĩ tác chiến như các nước đồng minh khác. Trước sự trỗi dậy và ngày càng hung hăng của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Hàn, chính phủ Nhật muốn gia tăng tiềm lực quân sự, xây dựng quân đội chính quy và hiện đại để đối phó với những tình huống bất trắc. Năm 2014 và 2015, ông Abe đã đi được một bước trong ý định này, thông qua được những đạo luật cho phép JSDF tham chiến cùng với quân đội đồng minh ở nước ngoài, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Nam Hàn.
Sau thắng lợi áp đảo để làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba năm 2017, ông Abe lại muốn sửa đổi điều 9 hiến pháp. Tình huống có vẻ thuận lợi do đảng LDP cầm quyền nắm đa số ở cả hai viện quốc hội Nhật (Diet) nhưng làn sóng phản đối của dân chúng khiến cho ý định này không thực hiện được, kế hoạch trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp đã phải đình hoãn chưa biết tới bao giờ.
Thủ tướng Shinzo Abe và Đông Á
Trong tám năm cầm quyền của ông Abe, vị trí của Nhật được nâng cao trên trường quốc tế, đặc biệt tại Đông Á dù ở khu vực này Nhật Bản có những mâu thuẫn lịch sử khó giải quyết, nhất là với Nam Hàn và Trung Quốc liên quan tới những hành động xâm lược và tàn ác của quân đội Nhật thời Thế Chiến thứ Hai.
Nhật từ lâu đã đóng góp nhiều nguồn vốn phát triển (ODA) cho các nước Đông Á và Đông Nam Á, thời ông Abe chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp Nhật đổ xô tới các nước Đông Nam Á để đầu tư, một phần là để khai thác nguồn nhân công rẻ, một phần để đề phòng rủi ro gián đoạn tại Trung Quốc, theo phương thức gọi là Trung Quốc cộng một – vừa duy trì cơ sở làm ăn ở Trung Quốc, vừa đầu tư vào một nước khác ngoài Trung Quốc.
Nhật là nước tích cực nhất sau Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Trans-Pacific Partnership) gồm 12 nước, hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng lượng thương mại toàn cầu. Hiệp định này không có Trung Quốc và được ngầm hiểu là một cơ chế thương mại hình thành để gây sức ép với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc phải làm ăn theo luật lệ và minh bạch. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút ra khỏi TPP ngay trong tuần lễ đầu tiên sau ngày nhậm chức, ông Shinzo Abe đã nỗ lực rất lớn để cùng với 10 nước thành viên còn lại duy trì tinh thần của hiệp định TPP, bây giờ có tên mới là CTTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership); nhưng thiếu vai trò nhạc trưởng của Hoa Kỳ, CTTPP chưa có hoạt động gì nổi bật.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng là người đề xướng ý tưởng về Đối Thoại An Ninh Tứ Cường (Quadrilateral Security Dialogue, QSD hay Quad) ngay trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông năm 2007. Như tên gọi, Quad là diễn đàn đối thoại về an ninh của bốn nước lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Các nước này sẽ tổ chức các cuộc họp cấp cao bán chính thức, chia sẻ thông tin an ninh và phối hợp diễn tập quân sự. Tuy không công khai nhưng các bên đều ngầm hiểu Quad là một phản ứng chống lại sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cho nên Bắc Kinh lập tức ra tuyên bố phản đối Quad. Quad ngừng hoạt động năm 2008, tức chỉ một năm sau, một phần do phản đối của Trung Quốc, một phần do sự thay đổi lãnh đạo ở cả bốn nước mà những nhà lãnh đạo mới có lập trường mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Ở Úc, ông Kevin Rudd lên thay Thủ tướng John Howard quyết định rút Úc ra khỏi diễn đàn Quad, các thủ tướng Yasuo Fukuda của Nhật (thay ông Abe) và Manmohan Singh ở Ấn Độ thay đổi lập trường, ưu tiên cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tới năm 2017, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, bốn nhà lãnh đạo mới là Tổng thống Donald Trump của Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật, Malcolm Turnbull của Úc và Narenda Modi của Ấn Độ thống nhất ý kiến rằng chính sách quân sự hung hăng của Bắc Kinh và cuộc xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam đòi hỏi các nền dân chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải có biện pháp đối phó; cơ chế hợp tác an ninh Quad lại được phục hồi và củng cố. Trong các năm 2017-2019, lãnh đạo bốn nước Quad đã họp nhau năm lần với nội dung “thúc đẩy một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong lúc Trung Quốc gia tăng gây hấn trong khu vực”. Tháng 3-2020, nhóm Quad họp để bàn đối phó với đại dịch Covid-19 và lần đầu tiên có sự tham dự của New Zealand, Nam Hàn và Việt Nam, phù hợp với chiến lược “Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính phủ Hoa Kỳ.
Với hiệp định CTTPP về kinh tế và Quad về an ninh, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã nổi lên thành “nhà lãnh đạo” khu vực Đông Á và Đông Nam Á cả về kinh tế và an ninh, đối lập với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Trump
Thủ tướng Abe có mối quan hệ tốt với hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt với nhà lãnh đạo tính khí thất thường của Mỹ. Ông Abe là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến với ông Trump ngay trước khi ông Trump chính thức đăng quang tổng thống Hoa Kỳ và đã trải thảm đỏ đón ông Trump đến thăm Nhật Bản lần đầu vào tháng 11-2017. Trong chuyến thăm Nhật lần thứ hai tháng 05-2019, Tổng thống Trump được ông Abe sắp xếp để tiếp kiến tân Nhật Hoàng Naruhito và xem thi đấu Sumo như một quốc khách. Mỗi khi có dịp, hai ông Trump và Abe vẫn thường cùng chơi golf dù theo những người thân cận, ông Abe không giỏi môn thể thao này mà chỉ chiều ý ông Trump.
Nhờ khéo quan hệ như vậy, ông Abe đã ký kết được một hiệp định thương mại song phương có quy mô hẹp với Hoa Kỳ vào tháng 10-2019, tránh cho Nhật Bản khỏi chịu những biện pháp trừng phạt về thuế của Hoa Kỳ đối với những mặt hàng xuất cảng quan trọng của Nhật như xe hơi, sắt thép. Nhật Bản cũng không bị ông Trump dọa rút bớt quân đội đồn trú ở Nhật hoặc đòi tăng phần đóng góp vào phí tổn của lực lượng quân đội này như ông Trump đã làm với Nam Hàn.
Tuy nhiên, là chính trị gia lão luyện, ông Abe luôn cố giữ cân bằng mối quan hệ của Nhật với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với Bắc Kinh, Thủ tướng Abe giữ thái độ “kính nhi viễn chi” (tôn trọng nhưng không gần gũi), một mặt ông phản đối những chính sách hung hăng của Trung Quốc nhưng mặt khác không gây đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước. Ông Abe chủ trương chi tiền ngân sách để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhưng không lên án mạnh mẽ giới lãnh đạo Bắc Kinh trong việc đàn áp tự do của người dân Hong Kong.
Thủ tướng Abe và đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 chi phối toàn bộ năm cuối cùng của ông Abe trên cương vị thủ tướng Nhật. Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm coronavirus đầu tiên ngày 16-01-2020 và đến ngày 28-08 đã có 66.500 trường hợp nhiễm bệnh, 1.251 trường hợp tử vong. Thăm dò dư luận cho thấy đa số người Nhật tin rằng chính phủ đã làm tốt công việc phòng ngừa và chống dịch.
Nhưng dịch Covid-19 đã làm gián đoạn trầm trọng các hoạt động kinh tế. Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy trong tam cá nguyệt từ tháng Tư đến tháng Sáu, tổng sản lượng GDP của Nhật đã co lại 27.8%/năm, mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Sự từ chức của ông Abe chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn cho kinh tế Nhật, ít nhất trong thời gian trước mắt. Giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Tokyo giảm mạnh vào hôm nay thứ Sáu, khi tin ông Abe từ chức được loan báo trên truyền thông.
Đại dịch cũng làm cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 phải bị hoãn lại ít nhất một năm. Thủ tướng Abe đã nỗ lực rất lớn để đưa Thế vận hội trở lại Tokyo và làm rất nhiều việc để chuẩn bị cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này, nhưng người tính không bằng trời tính, đại dịch Covid-19 đã làm hỏng kế hoạch của ông.
Trong thông báo từ chức, ông Abe nói đến ba điều mà ông chưa làm được trong những năm cầm quyền: một là, sửa đổi hiến pháp Nhật Bản; hai là thu hồi các đảo phía bắc Nhật Bản bị Liên xô chiếm đóng sau khi nước Nhật đầu hàng năm 1945 đến nay chưa trao trả lại, tiến tới hiệp định hòa bình với Nga và ba là chưa hồi hương được những công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc. “Với một trái tim thật sự nặng nề, tôi từ chức mà chưa làm được ba việc này,” ông Abe nói; ông xin “tha thứ” vì đã từ nhiệm mà không đạt được ba mục đích ông hằng ôm ấp và bày tỏ hy vọng những người kế nhiệm ông sẽ thúc đẩy các việc đó.
“Không nên để sức khỏe yếu kém của tôi dẫn tới những quyết định chính trị sai lầm. Vì tôi đã không còn có thể đáp ứng kỳ vọng và sự ủy thác của nhân dân Nhật Bản, tôi quyết định tôi không nên tiếp tục giữ chức thủ tướng nữa. Tôi quyết định bước xuống,” đó là tâm sự của ông Shinzo Abe khi tuyên bố từ chức. Dù trong nhiệm kỳ của mình, ông đã làm được một số việc, còn những việc ông chưa làm được, nhưng cách ứng xử của ông cho thấy ông là một chính khách tầm cỡ, một nhân cách cao quý đáng kính trọng.