Lào có nguy cơ vỡ nợ, cầu cứu Trung Quốc

Quang cảnh nước Lào. Ảnh US Department of State

H.C.

Lào – quốc gia láng giềng phía tây Việt Nam – đang đối mặt với áp lực trả nợ và nguy cơ vỡ nợ quốc gia (sovereign default), theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Báo Anh The Financial Times (FT) cho biết quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia của Lào hiện đã ít hơn mức trả nợ hằng năm của Lào, và các quan chức tài chánh nước ngày đã yêu cầu Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất – “cho lời khuyên về tái cơ cấu các khoản vay.

Lào phải trả nợ mỗi năm hơn 1 tỷ đô la, cho đến cuối năm 2024, nhưng quỹ dự trữ ngoại hối của nước này chỉ còn 864 triệu đô la vào cuối tháng 06-2020, thời điểm có dữ liệu mới nhất.

Theo dữ liệu của công ty Refinitiv, quốc gia châu Á mới nhất bị vỡ nợ là Miến Điện (Myanmar) vào năm 2002.

Tổ chức xếp hạng Moody’s Investors Service tháng trước đã hạ mức tín nhiệm quốc gia của Lào từ B3 xuống Caa2, trái phiếu chính phủ do Lào phát hành bị coi là “rác” (junk) và triển vọng rất tiêu cực (negative). Theo Moody’s, Lào đang đối mặt với “áp lực tài chánh trầm trọng do phải trả những khoản nợ lớn đáo hạn vào năm nay và kéo dài tới năm 2025”.

Fitch Ratings – một tổ chức xếp hạng quốc tế khác, hồi tháng Năm đã xếp trái phiếu của Lào vào nhóm B- với triển vọng tiêu cực. “Thật khó khăn cho Lào khi tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế trong hoàn cảnh này và triển vọng tái tài trợ các món nợ hiện hành là hết sức khó khăn. Chính phủ đang phải tìm tới các ngân hàng thương mại, và hỗ trợ tài chánh song phương để lấp khoảng trống,” Jeremy Zook, giám đốc khu vực châu Á mảng trái phiếu quốc gia của Fitch Ratings nhận xét.

Các nhà phân tích đặc biệt lo ngại về các khoản vay thương mại mà Lào vay qua việc phát hành trái phiếu trên thị trường vốn của nước Thái Lan láng giềng suốt mấy năm gần đây. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các tổ chức xếp hạng tín dụng và các nhà ngoại giao phương Tây cũng đã lên tiếng báo động về mức nợ công của Lào, gia tăng nhanh từng ngày khi Lào cố thực hiện các dự án thủy điện gây tranh cãi về môi trường trên sông Mekong và xây dựng tuyến đường sắt cao tốc do Trung Quốc tài trợ.

Ngoài nợ công do chính phủ Lào vay, mà Fitch ước đoán khoảng 12,6 tỷ đô la, tương đương 65% tổng sản lượng quốc gia GDP, tập đoàn điện lực quốc doanh của nhà nước Lào, Ėlectricité du Laos (EDL), còn vay riêng khoảng 8 tỷ đô la để làm các dự án thủy điện. Năm 2018, EDL đã ký thỏa thuận với Mạng Điện Phương Nam Trung Quốc – tập đoàn truyền tải điện năng quốc doanh của Trung Quốc để phát triển mạng truyền tải điện cho Lào, vốn không đủ sức tải nguồn điện do các nhà máy thủy điện trên sông Mekong cung cấp.

Tính chung lại, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, cung cấp cho Lào nhiều tiền vay nhất.

Hai quan chức cao cấp không muốn nêu tên nói với báo FT rằng các quan chức tài chánh của Lào đã nói chuyện với người đồng nhiệm Trung Quốc về khả năng xóa nợ hoặc giãn nợ.

Nhưng điều đó rất khó. Khối nước công nghiệp G-20, mà Trung Quốc là một thành viên, đã đưa ra Sáng Kiến Hoãn Trả Nợ cho các nước nghèo, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hậu thuẫn, nhưng Lào không tham gia.

Giống như trường hợp một số nước đang phát triển ở châu Á hợp tác với Trung Quốc để thực hiện các dự án hạ tầng đường sá và năng lượng, Lào đang có nguy cơ bị Trung Quốc khống chế nếu không trả được nợ của các dự án liên doanh, hoặc phải yêu cầu Bắc Kinh chuyển nợ thành cổ phần, hoặc gán tài sản quốc gia để trừ nợ.

Sri Lanka năm 2017 đã phải cho Trung Quốc sử dụng một cảng biển chiến lược trong thời hạn 99 năm do không trả được khoản nợ vay để phát triển chính cảng biển đó – một sự kiện làm nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh áp dụng “bẫy nợ” để mở rộng ảnh hưởng chính trị và chiến lược lên các nước nghèo ở châu Á.

Nếu Lào vì nợ nần mà bị Trung Quốc khống chế thì đó là mối lo lớn cho Việt Nam trong hoàn cảnh quan hệ Việt – Trung đang ngày càng xấu do những tranh chấp bất tận trên Biển Đông.

(theo FT)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: