Cả nhà chúng ta cùng… “sống ảo”

Minh họa: Unsplash

Trẻ em chừng lớp 5 bây giờ đã chẳng còn lạ gì chuyện chat trực tuyến, nhắn tin nhoay nhoáy điện thoại di động. Bây giờ thì chẳng còn lạ cảnh bố mẹ mỗi người “ôm” một máy điện thoại hay cái máy tính bảng, trong khi các con trong nhà cũng thế…

Một trường hợp điển hình

9g30 tối, vợ chồng Stephen và Georgina Cox biết chính xác bọn trẻ đang làm gì. Piers 14 tuổi đang “trốn” trong phòng ngủ, mắt dán chặt vào màn hình khi chat túi bụi trên Facebook Messenger. Cô em sinh đôi Bronte đang ở phòng khách, sử dụng cái Macbook Pro của bố như thường lệ. Nó cũng đang bận chat trực tuyến trong khi mồm liến thoắng qua điện thoại di động. Theo tính toán thời gian-không gian chuẩn, bốn thành viên gia đình Cox đều ở chung trong căn nhà ba phòng ngủ tại Van Nuys (California) nhưng mỗi người đều tồn tại riêng trong vũ trụ cá nhân. Mọi người trong nhà Cox dường như rất bận với cuộc sống riêng…

Gia đình Cox là một trong 32 gia đình tại Los Angeles tham gia cuộc nghiên cứu bốn năm về đời sống hiện đại được thực hiện trong khuôn khổ chương trình khảo sát của Elinor Ochs, giám đốc Trung tâm đời sống thường nhật gia đình thuộc Đại học California-Los Angeles (UCLA). Sự thay đổi đem lại từ những thiết bị-công cụ đa năng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hiện đại đáng kể, so với cuộc nghiên cứu tương tự từng được Ochs thực hiện cách đây 20 năm, đặc biệt những ảnh hưởng liên quan “cấu trúc gia đình”. Khi ngày càng quá bận tương tác với những thiết bị điện tử đa năng, người ta càng có khuynh hướng ít “tương tác” hơn với thành viên gia đình.

Một trong những thời điểm tập trung khảo sát của nhóm Ochs là sinh hoạt buổi chiều, khi tất cả thành viên gia đình cùng tề tựu về nhà. Đã túi bụi suốt ngày ở ngoài xã hội vậy mà trông mọi người vẫn tiếp tục lu bu với chuyện riêng, chỉ kịp chào nhau vỏn vẹn từ “Hi” khi đụng mặt! Khoảng ½ thời gian, bọn trẻ dường như không nhận ra sự có mặt của bố mẹ hoặc không ngưng công việc đang làm để chào bố mẹ. Nhóm Ochs nhận thấy các bậc phụ huynh rất khó “thâm nhập” vào thế giới riêng của bọn trẻ. Các cuộn băng hình quay tại thực địa cho thấy rõ điều đó.

Toàn cảnh, có thể khẳng định rằng cuộc sống số hóa đang chi phối tính truyền thống của sinh hoạt cuộc sống gia đình. Cách đây hai thập niên, hầu hết máy tính tại Mỹ đều chưa kết nối internet. Năm 1990, đa số bọn trẻ tuổi teen trả lời cuộc thăm dò của giáo sư truyền thông Donald Roberts (Đại học Stanford) đều nói rằng chúng không thể sống nổi nếu thiếu radio hoặc máy CD. Hiện thời, 82% nhóc tì Mỹ đều online trước khi chúng học lớp 7 – theo thăm dò từ Pew Internet/American Life Project. Và tất nhiên chúng yêu máy tính hơn radio nhiều. Trong máy tính, không chỉ có radio, CD mà còn game, phim, e-mail và đủ thứ hầm bà lằng khác.

Phát hiện lớn trong cuộc thăm dò 2015 ở đối tượng 8-18 tuổi do Kaiser Family Foundation thực hiện không phải là vấn đề thời gian (trung bình 6,5 tiếng/ngày!) được thế hệ trẻ dùng cho kỹ thuật điện tử mà là sự “đóng gói” của vô số hoạt động liên quan kỹ thuật điện tử trong khoảng thời gian đó – từ nghe nhạc, xem YouTube, trả lời tin, đến chát chít… Từ ¼ đến 1/3 đối tượng trong số đó đều kể rằng chúng làm nhiều việc cùng lúc, chẳng hạn xem truyền hình trong khi nghe nhạc; hoặc vừa dùng máy tính vừa đọc sách.

Đừng đối xử với tôi như cái tivi, làm ơn!

Các bậc phụ huynh chứng kiến hiện tượng trên với cảm giác lo âu lẫn… khoái trá! Gia đình Cox chẳng hạn, họ rất tự hào về “sức mạnh” trong hiểu biết kỹ thuật của bọn trẻ. Piers có thể sửa máy tính khi bị trục trặc và Bronte cũng dùng kỹ thuật số để tự tạo ra tập ảnh gia đình cũng như dựng một “phim tài liệu” về ca chữa trị ung thư của bố. Dù vậy, ông bà Cox cũng lo “thời gian màn hình” ảnh hưởng đến việc học cũng như đời sống gia đình. “Chúng tôi bây giờ hiếm khi ăn tối cùng nhau” – Stephen nói – “Mọi người đều có thế giới nhỏ riêng và chúng tôi không còn cuộc sống mang tính cộng đồng gia đình”. Mỗi thế hệ người trưởng thành đều xem kỹ thuật mới (khi nó khuấy động xã hội) là mối đe dọa. Plato từng cảnh báo (đúng) rằng việc đọc sách sẽ làm tiêu tùng văn hóa kể chuyện truyền khẩu.

Phần mình, mỗi thế hệ trẻ đều khoái thể hiện tự do và thích những khả năng mang lại từ kỹ thuật theo cách có thể làm sốc các bậc cao niên. Đối với kỹ thuật đa năng, giới xã hội học cũng như giáo dục học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng nhưng một số nhà nghiên cứu hiện bắt đầu có ý kiến mạnh mẽ. Thói quen chia sự tập trung thành nhiều “lát” nhỏ hơn đã ảnh hưởng đến cách người ta học, suy luận, sống cộng đồng, sáng tạo và thậm chí nhận thức thế giới. Dù thói quen trên có thể giúp bọn trẻ hòa nhập nhanh trong cộng đồng của chúng nhưng giới thần kinh học bắt đầu đưa ra cảnh báo về lâu dài – như loạt báo động của Jordan Grafman, giám đốc khoa thần kinh nhận thức học thuộc Viện rối loạn thần kinh và đột quị quốc gia Hoa Kỳ.

Nhiều thập niên nghiên cứu cho thấy năng suất hoạt động cũng như chiều sâu tư tưởng sẽ bị xói mòn khi người ta có khuynh hướng làm nhiều việc cùng lúc. Vài nhà khoa học đang lo ngại về sự biến mất của thói quen nghỉ ngơi và thư giãn. Hơn nữa, hàng ngàn năm tiến hóa đã tạo ra cho con người sự liên lạc bằng ngôn ngữ hình thể. Như vậy – theo cách đặt câu hỏi của Elinor Ochs – liệu chúng ta có thể thay sự liên kết xã hội bằng ngôn ngữ hình thể và biểu cảm bằng những liên lạc điện tử vô hồn chăng?

Ở góc độ thuần túy khoa học, thói quen cùng lúc thực hiện nhiều việc đã cho thấy có nhiều vấn đề. Việc chuyển sự tập trung từ công việc này sang công việc khác xảy ra ở khu vực ngay sau trán gọi là Khu vực 10 Brodmann (“Brodmann’s Area 10”) tại trước vỏ não – như nghiên cứu từ kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Brodmann’s Area 10 là một phần của thùy trán, nơi đóng vai trò quan trọng cho duy trì các mục tiêu lâu dài cũng như khả năng có thể đạt được chúng.

Do vỏ não trên trán là một trong những khu vực cuối cùng của não đạt độ trưởng thành nhưng lại là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng của lão hóa nên trẻ đáng lý không nên gây tổn hại nó bằng cách buộc nó xử lý cùng lúc nhiều yêu cầu. Đó cũng là lý do tại sao khả năng sai phạm luôn xảy ra đối với những người làm nhiều việc cùng lúc – như khẳng định chắc nịch của David E. Meyer, giám đốc Phòng thí nghiệm hành động-nhận thức-não tại Đại học Michigan. “Tôi từng nói với các em sinh viên rằng họ đừng đối xử với tôi như cái tivi” – tâm sự của giáo sư Aaron Brower (Đại học Wisconsin), người từng dạy xã hội học trong 20 năm – “Họ phải nghĩ về tôi như một con người bằng xương bằng thịt đang nói. Tôi muốn họ phải nghĩ về những điều chúng tôi đang bàn”.

Không thể phủ nhận rằng thế hệ M (như cách dùng của giới xã hội học Mỹ) rất giỏi tìm kiếm và xử lý thông tin hình ảnh lẫn sự kiện. Họ có thể làm thầy cô kinh ngạc khi trình bày bài tiểu luận được họ tự soạn với các tập tin âm thanh (audio file) lẫn hình động (video clip). Tuy nhiên, thói quen lướt net đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thói quen đọc và gây hậu quả cho kỹ năng viết! Ngoài ra, một số giáo sư cũng than rằng sinh viên Mỹ hiện ít động não hơn so với các thế hệ trước. Họ thích các vấn đề phải được trình bày dễ hiểu với những khái niệm tốt-xấu rõ ràng. Do vậy, giáo sư Claudia Koonz từng gặp khó khăn trong việc giảng nghĩa những đề tài phức tạp như lịch sử sắc tộc Hutu-Tutsi tại Rwanda…

Vấn đề bây giờ là nhiều phụ huynh chưa nhận thức rõ ảnh hưởng (hoặc thậm chí tác hại) của đời sống số hóa. Khảo sát Kaiser cho thấy chỉ 23% học sinh Mỹ từ lớp 7-12 bị gia đình kiểm soát sử dụng máy tính và chỉ 17% bị hạn chế chơi video-game. Lỗi sẽ không nằm ở bản thân kỹ thuật. Mà sự lạm dụng kỹ thuật cũng như sự không kiểm soát ứng dụng kỹ thuật đối với giới trẻ cũng như bản thân phụ huynh mới chính là vấn đề cần được ưu tiên đề cập.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: