Nhiều người Trung Quốc đã lên mạng kêu gọi tẩy chay ban nhạc BTS của Nam Hàn sau khi một ca sĩ của ban nhạc phát biểu tri ân binh lính Hoa Kỳ và Nam Hàn đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Như vậy sau các đội bóng rổ nhà nghề NBA của Mỹ năm ngoái, các công ty Ấn Độ tuần trước, làn sóng tẩy chay của Trung Quốc đã nhắm tới ban nhạc nam BTS rất được hâm mộ của Nam Hàn.
Phát biểu khi nhận giải thưởng của Korea Society, một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận của Mỹ, nam ca sĩ Kim Nam Joon – nổi tiếng với biệt danh RM hoặc Rap Monster, đề cập tới Mỹ và Nam Hàn: “Chúng ta cần luôn nhớ tới lịch sử đau khổ mà hai nước chúng ta chia sẻ, cùng những hy sinh của nhiều người đàn ông, đàn bà”.
Phát biểu của ca sĩ Kim đã chạm dây thần kinh của một số người Trung Quốc vào lúc nước này tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Hoa quân nhập Triều (quân Trung Hoa vào Triều Tiên). Từ 1950 đến 1953, quân đội Trung Quốc cùng với quân Bắc Hàn chiến đấu chống lại quân Nam Hàn kết hợp với quân đội Mỹ và đồng minh trong một lực lượng Liên hiệp quốc.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu khi lãnh tụ Bắc Hàn khi đó là Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), cho rằng thời cơ đã tới sau khi cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn bộ Hoa Lục, đã xua toàn quân mở cuộc tấn công bất ngờ chiếm Nam Hàn vào tháng Sáu 1950. Quân đội Nam Hàn đại bại, bị đẩy về phía cực nam của bán đảo Triều Tiên, thôi thúc Liên hiệp quốc ra tay hỗ trợ với một lực lượng đa quốc gia do Mỹ chỉ huy.
Quân Mỹ và Liên hiệp quốc đổ bộ vào cảng Busan ở miền nam, tổ chức phản công, nhanh chóng chặn đứng và đẩy lùi cuộc tấn công của Bắc Hàn, đẩy quân Bắc Hàn về gần sát sông Áp Lục là biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Cuối năm 1950, quân đội cộng sản Trung Quốc do nguyên soái Bành Đức Hoài chỉ huy, vượt sông sang Triều Tiên đánh nhau với quân đội Liên hiệp quốc. Hai bên giằng co suốt ba năm, cuối cùng thỏa thuận đình chiến, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới và mở hòa đàm để tiến tới một hiệp định hòa bình. Hiệp định hòa bình không thành, và từ đó đến nay hai miền Triều Tiên trở thành hai quốc gia thù địch chưa thể hòa giải được.
Người dân Trung Quốc được nhồi sọ rằng đây là cuộc chiến “chống Mỹ viện Triều”, trong đó Mao An Anh (Mao Anying), con trai của lãnh tụ Mao Trạch Đông, đã bị phi cơ Mỹ ném bom giết chết khi mới 28 tuổi.
Một số bài trên mạng ở Trung Quốc phê phán những người trẻ nước này theo đuổi vẻ hào nhoáng của nghệ sĩ nước ngoài mà lãng quên lịch sử của đất nước. “Thần tượng 28 tuổi của các bạn đang kiếm tiền từ người Trung Quốc mà các bạn không biết Anying 28 tuổi sẽ mãi mãi nằm lại trên chiến trường”, một bình luận được nhiều người chia sẻ trên mạng viết. (Thực tế ca sĩ RM của nhóm BTS chỉ mới 26 tuổi). Một người khác viết: “Gần 200.000 binh sĩ Trung Quốc chết trong chiến tranh. Mọi người Trung Quốc đều phải nhớ con số này”. “Người hâm mộ Trung Quốc cho các bạn rất nhiều tiền mỗi năm thế rồi các bạn quay lưng và trao nó lại cho người Mỹ. Thế thì người hâm mộ Trung Quốc là cái gì?” một người khác nữa viết., theo tường thuật của Washington Post.
Lời kêu gọi tẩy chay ban nhạc BTS là ví dụ mới nhất về áp lực mà các công ty, thương hiệu toàn cầu phải chịu để làm ăn tại Trung Quốc.
Hãng điện tử Samsung đã rút các máy điện thoại và tai nghe màu hồng dán nhãn BTS ra khỏi các cửa hàng và trang thương mại điện tử Trung Quốc. Hãng xe hơi Hyundai gỡ bỏ các quảng cáo có hình ảnh ban nhạc BTS khỏi các mạng xã hội nước này. Và BTS đã gia nhập một danh sách dài các thương hiệu quốc tế bao gồm cả Versace, Gap và Marriott bị người tiêu dùng Trung Quốc phản đối vì xúc phạm tình cảm của họ, theo miệng lưỡi của các cơ quan truyền thông Trung Quốc.
Vụ ồn ào chung quanh ban nhạc BTS cũng gây chú ý trên truyền thông Nam Hàn và nhắc người Nam Hàn nhớ lại vụ tẩy chay ồn ào năm 2017 gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho nước này.
Khi đó, chính phủ Nam Hàn quyết định cho phép lắp đặt một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao THAAD của Mỹ ở ngoại ô thủ đô Seoul, trên đất sân golf mua lại từ tập đoàn Lotte. Để phản đối, Bắc Kinh ra lệnh tẩy chay sản phẩm của Nam Hàn, cấm người dân đi du lịch Nam Hàn và loại bỏ các chương trình âm nhạc K-pop khỏi sóng truyền hình nước này.
Trung Quốc vẫn thường sử dụng thủ đoạn tẩy chay kinh tế để gây sức ép lên các nước khác mỗi khi xảy ra vụ việc mà họ gọi là “làm thương tổn tình cảm người dân Trung Quốc”, chẳng hạn như Bắc Kinh cấm nhập cảng cá hồi Na Uy sau khi Ủy ban Nobel nước này quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), không mua chuối của Phi Luật Tân khi Phi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Biển Đông, hạn chế du lịch, du học Úc và cấm thịt bò, rượu vang Úc khi nước này yêu cầu điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch coronavirus Vũ Hán…