Câu Chuyện Ông Mã Tuyên

CỐ SỰ QUÁN

Những ai từng theo dõi và trăn trở với lịch sử Việt Nam cận đại chắc đều ít nhiều biết đến ngày 2-11-1963, ngày mà anh em Tổng thống Đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm bị giết chết. Chi tiết hơn, ngày 1-11-1963, cuộc đảo chính quân sự nổ ra, Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em ruột là Cố vấn Ngô Đình Nhu của chính thể Việt Nam Cộng hòa đã phải tạm lánh đến ở một nhà người Việt gốc Hoa tên Mã Tuyên ở khu vực Chợ Lớn. Sáng hôm sau, tức ngày 2-11-1963, hai ông đã đến nhà thờ Cha Tam (Thánh Francisco) cầu nguyện trước khi tự nộp mình cho phe đảo chính, nhưng rồi cả hai ông đều bị một sĩ quan trong lực lượng đảo chính hạ sát ngay trên đường áp tải từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng Tham Mưu.

Phần trên có nhắc đến một người Hoa tên Mã Tuyên mà anh em ông Diệm đã tá túc tại nhà ông ta một đêm trước khi bị thảm sát. Sơ lược về cuộc đời ông Mã Tuyên như sau.

Ông có tên đầy đủ là Mã Quốc Tuyên (馬國宣), sinh năm 1909, tại Triều Dương, Quảng Đông. Ông là chủ công ty xuất nhập khẩu có tên giao dịch là Tụ Phát Hãng, địa chỉ tại 48, Đường Paris, Chợ Lớn (nay là đường Phùng Hưng gần chợ Kim Biên). Năm 1953 ông được cộng đồng Hoa Kiều bầu làm Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Hoa, Nam Việt Nam (Chinese Commercial Chamber, South Vietnam), tòa nhà sau này trở thành tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng bản tiếng Hoa, 203, Phùng Hưng, Quận 5. Vào năm 1958 ông làm Giám đốc bệnh viện Hoa Kiều Sùng Chính tại Sài Gòn (nay là Bệnh Viện Chấn thương Chỉnh hình).

Nhà ông thời điểm đó gồm 3 căn liền kề tại 32, 34, 36 – Đường Đốc Phủ Thoại, Chợ Lớn (hiện nay là 36a, Vũ Chí Hiếu, Q5, Sài Gòn). Ông Mã Tuyên là người đã kêu gọi cộng đồng Hoa kiều hỗ trợ ông Diệm khi ông vừa trở về Việt Nam nhậm chức Thủ tướng và thời gian sau này khi phế truất cựu hoàng Bảo Đại và trở thành Quốc trưởng rồi Tổng thống. Đây cũng chính là nơi huynh đệ ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đã tá túc một đêm trước ngày định mệnh, đêm 1-11-1963. Khi đó ông Mã Tuyên tuổi độ trên 50, là tổng bang trưởng của 10 bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn (thuộc quận 5 nội thành Sài Gòn).

Ông Mã Tuyên đã kể lại thời điểm anh em ông Diệm đến như sau (theo “Tản mạn về Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Mã Tuyên và cái đêm định mệnh 1-11-1963” của ông Phạm Thắng Vũ)

“Khi đó độ 5 giờ chiều, tôi và gia đình đang nghe tin tức radio tại nhà thì chuông điện thoại reo. Tôi bắt máy, đầu giây xưng là ông Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn ngỏ ý muốn gặp tôi gấp tại trụ sở Thanh niên Cộng hòa quận 5 (khu Đại Thế Giới cũ). Tôi bảo tài xế đánh xe chạy đến đó, chờ đến 6 giờ 30 thì ông Đô trưởng mới đến và ông ta nói với tôi là: Tổng thống muốn đến nhà “nị” lánh nạn. Tôi nhận lời và đi về nhà chuẩn bị. Khoảng 7 giờ 30, hai xe Citroen chạy đến nhà tôi (số 34 đường Đốc Phủ Thoại) với tổng cộng tám người gồm Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu cùng các ông Đỗ Thọ, ông Đô trưởng và bốn nhân viên bảo vệ.

Ông Mã Tuyên cho biết là nghỉ ngơi tại nhà ông cho đến sau nửa đêm thì Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa cho ông một số giấy tờ và nhờ ông đốt đi. Tổng thống nhờ ông canh chừng máy điện thoại dưới nhà và liên tục sử dụng điện thoại trên lầu để gọi đi nhiều nơi và cả các nơi khác gọi đến cho Tổng thống nữa (căn nhà này của ông Mã Tuyên nguyên là ba căn phố liền nhau gồm một tầng trệt và hai tầng lầu; ông gắn điện thoại trong các tầng lầu). Chuông điện thoại reo liên tiếp từ nửa đêm cho đến sáng. Sau đó Tổng thống xuống tầng trệt, trời đã sáng. Tiếng súng chỉ còn nổ thưa thớt trong đô thành. Sắc diện của ông Ngô cho thấy tình thế trở nên tuyệt vọng”.

Sáng ngày 2-11-1963, sau khi dùng điểm tâm tại nhà Mã Tuyên, anh em ông Ngô Đình Diệm đến nhà thờ Thánh Francisco (Cha Tam) tại Chợ Lớn làm lễ và bị giết.

Năm ngày sau, ông Mã Tuyên bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng kết án ba năm tù. Tài sản của ông bị nhà nước tịch thu và đưa ra bán đấu giá. Một số Hoa Kiều Chợ Lớn đã vận động quyên góp để dùng số tiền này mua lại toàn bộ số tài sản để trả lại cho gia đình ông. Đến năm 1975, Mã Quốc Tuyên một lần nữa bị chính quyền mới bắt và đi tù bốn năm. Cả hai chính quyền đều thắc mắc nguyên nhân tại sao ông Ngô Đình Diệm lại chọn nhà ông mà không phải nhà của ai khác? Ngay cả khi ông Đại sứ Mỹ Cabot Lodge lên tiếng mời anh em nhà họ Ngô đến Tòa Đại sứ và đảm bảo an ninh, nhưng ông Diệm vẫn khước từ và chọn nhà ông? Có bí mật gì?

Năm 1983 cả gia đình ông rời Việt Nam và đến định cư tại Đài Bắc, Đài Loan và sống ở đó cho đến năm 1992 ( theo lời con gái ông là Mã Huệ Phương, ông có ba người vợ và 13 người con). Năm 1992, ông xin trở lại Việt Nam và chết tại Sài Gòn vào tháng 9-1994. Ông được chôn tại nghĩa địa Triều Châu tại Biên Hòa.

Nhìn lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam qua lăng kính cuộc đời ông Mã Tuyên ta thấy có hai điều thật lạ. Anh em ông Ngô Đình Diệm trước khi chết lại đặt niềm tin vào tay một người Hoa thay vì những người đồng bào Việt Nam cùng tiếng nói. Trong khi đó, ông Mã Tuyên sau khi bị cả hai chế độ Việt Nam nhốt vào tù và lần lượt tịch biên tài sản, ông sống sót rồi đến Đài Loan, nhưng cuối cùng lại chọn trở về Việt Nam để chết trong tay những người không cùng dòng máu của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: