Nhà báo Neil Sheehan – mà hoạt động nghề nghiệp gắn liền với cuộc Chiến tranh Việt Nam 1954-1975, vừa qua đời hôm nay ở tuổi 84.
Neil Sheehan là nhà báo từng đoạt giải báo chí Pulitzer, là người tung ra loạt Hồ sơ Ngũ Giác Đài trên báo The New York Times, cũng người đã ghi lại chi tiết sự lừa dối ở trung tâm bộ máy điều hành cuộc Chiến tranh Việt Nam trong cuốn sách của ông “A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam” (Lời nói dối tỏa sáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam). Ông qua đời hôm thứ Năm 07-01-2021 do biến chứng của bệnh Parkinson, con gái ông, bà Catherine Sheehan Bruno cho biết.
Neil Sheehan sinh ngày 27-10-1936 tại Holyoke, Massachusetts và lớn lên trong một trang trại bò sữa. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard, và là một nhà báo quân đội trước khi gia nhập hãng thông tấn UPI (United Press International) và sau đó là báo The New York Times với vị trí phóng viên chiến trường những ngày đầu Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam những năm 1960. Chính ở Việt Nam, nhà báo trẻ Sheehan đã bắt đầu niềm đam mê cái mà ông gọi là “cuộc chiến vô ích đầu tiên của chúng ta”, nơi “mọi người chết vô ích.”
Chiến tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm sống của Sheehan. “Nó [chiến tranh] đã thay đổi suy nghĩ của tôi và suy nghĩ của cả thế hệ chúng tôi. Chúng tôi tin vào những nhân vật có thẩm quyền và những gì họ nói với chúng tôi. Và hóa ra họ đã nhầm hoặc đang nói dối chúng tôi ”, Sheehan nói với The Harvard Crimson trong một cuộc phỏng vấn năm 2008.
Lời nói dối tỏa sáng
Ông đã mất 15 năm để viết cuốn sách “Lời nói dối sáng chói: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam” hoàn thành sau chiến tranh. Cuốn sách đã giành được giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu năm 1989 và giành Giải thưởng Sách quốc gia (National Book Award) năm 1988. Cuốn sách cũng đã được dựng thành phim cùng tên của hãng HBO năm 1998, do hai tài tử Bill Paxton và Amy Madigan thủ vai chính.
John Paul Vann là một trung tá lục quân, từng làm cố vấn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông là một người phê phán mạnh mẽ cách thức đối phó với cuộc chiến tranh của cả Việt Nam Cộng hòa và quân đội Hoa Kỳ. Ông chỉ trích bộ chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ, đặc biệt là dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng William Westmoreland đã không có khả năng thích ứng với thực tế là họ phải đối mặt với một phong trào chiến tranh du kích rộng lớn. Ông lập luận rằng nhiều chiến thuật được sử dụng ví dụ như chương trình Ấp Chiến Lược đã càng khiến người dân xa lánh và phản tác dụng đối với các mục tiêu của Hoa Kỳ.
Cuốn sách của Sheehan xoay quanh câu chuyện John Paul Vann, nhưng không chỉ về số phận của một người mà rộng hơn là “sử thi” về một cuộc chiến. “Tôi cố gắng kể câu chuyện về những gì đã xảy ra ở Việt Nam và tại sao nó lại xảy ra,” Sheehan nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1988 được phát sóng trên C-SPAN. “Mong muốn của tôi là cuốn sách sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến này… Việt Nam sẽ chỉ là một cuộc chiến vô ích nếu chúng ta không rút ra được sự khôn ngoan từ đó.”
Sheehan nghĩ rằng kinh nghiệm và hiểu biết về chiến tranh của ông có thể được trình bày tốt nhất qua số phận một sĩ quan mà ông đã gặp ở Việt Nam. John Paul Vann là một trung tá có uy tín trong quân đội, người từng là cố vấn cấp cao cho quân đội miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 1960, từ giã quân đội trong sự thất vọng, sau đó trở lại Việt Nam và tham gia với tư cách là một thường dân hỗ trợ trực tiếp các hoạt động của quân đội trong nhiều vai trò.
Vann tin rằng Mỹ và miền Nam Việt Nam có thể thắng trong cuộc chiến nếu có những quyết định tốt hơn. Với Sheehan, Vann đã nhân cách hóa niềm tự hào của Hoa Kỳ, thái độ tự tin và ý chí quyết giành chiến thắng trong cuộc chiến – những phẩm chất làm mờ đi sự phê phán sự bất tài của những cấp điều hành cuộc chiến.
Cựu Ngoại trưởng John Kerry, một cựu chiến binh Việt Nam nổi tiếng, nói với khán giả tại buổi chiếu phim tài liệu Việt Nam năm 2017 rằng ông chưa bao giờ hiểu hết mức độ của sự tức giận của người dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho đến khi ông xem “Lời nói dối tỏa sáng”, bộ phim đã cho ông thấy tất cả.
Hồ sơ Ngũ Giác Đài
Trở lại Washington sau cái chết của Paul Vann do trực thăng bị bắn rơi, Sheehan làm việc cho The New York Times chuyên trách mảng quốc phòng. Ông là người đầu tiên có được Hồ sơ Tòa Bạch ốc, một bộ tài liệu đồ sộ của Bộ Quốc phòng về sự can dự của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Daniel Ellsberg, một cựu cố vấn của Bộ Quốc phòng, người đã nhiều lần tiết lộ các tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam cho Sheehan, đã sao chép các giấy tờ và sắp xếp để đưa chúng đến tay Sheehan.
Các bài báo của Sheehan, dựa trên các tài liệu này, đăng trên tờ The New York Times bắt đầu từ tháng 6-1971 dưới nhan đề “Tài liệu Lưu trữ Việt Nam: Bộ Quốc phòng nghiên cứu dấu vết ba thập niên tham dự ngày càng tăng của Mỹ”, gọi tắt là Hồ sơ Ngũ Giác Đài, đã phơi bày sự lừa dối liên tục của chính phủ Mỹ về triển vọng chiến thắng ở Việt Nam. Ngay sau đó, tờ The Washington Post cũng bắt đầu đăng các câu chuyện về Hồ sơ Ngũ Giác Đài.
Các báo cáo của Ngũ Giác Đài đã trình bày chi tiết các quyết định và chiến lược chiến tranh, được hoạch định từ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu, những người quá tự tin về triển vọng của Mỹ và liên tục dối trá về những thành tích và chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Bắc Việt Nam.
Ngay sau khi những bài báo ban đầu được đăng tải, chính quyền Nixon đã nhận định rằng an ninh quốc gia đang bị đe dọa, và việc đăng báo đã bị dừng lại, các tờ báo bị kiện. Một cuộc tranh luận sôi nổi về Tu chính án thứ Nhất nhanh chóng được chuyển lên Tòa án Tối cao. Vào ngày 30-6-1971, tòa án phán quyết với số phiếu 6-3 ủng hộ việc cho phép xuất bản, và tờ The New York Times và The Washington Post tiếp tục đăng tải các câu chuyện của họ.
Tờ The New York Times đã giành được giải thưởng Pulitzer về dịch vụ công năm 1972 nhờ loạt bài về Hồ sơ Ngũ Giác Đài và vai trò trung tâm của Neil Sheehan.
Vì tiết lộ Hồ sơ Ngũ Giác Đài, Ellsberg đã bị buộc tội trộm cắp, âm mưu và vi phạm đạo luật Gián điệp, nhưng vụ án của ông ta đã bị hủy bỏ khi xuất hiện bằng chứng về việc nghe lén và đột nhập theo lệnh của chính phủ, tức vụ Watergate.
Sau khi đăng tải loạt bài Hồ sơ Ngũ Giác Đài, Sheehan càng quan tâm đến việc cố gắng trình bày bản chất của cuộc chiến phức tạp và đầy mâu thuẫn, vì vậy ông đã xin thôi việc làm báo và bắt tay vào viết cuốn“Lời nói dối tỏa sáng”. Ông và vợ, Susan, cũng là một cây bút của tờ The New Yorker, đôi khi phải vật lộn để kiếm đủ tiền sinh sống trong khi viết sách.
Sheehan đã viết một số cuốn sách khác về Việt Nam nhưng không cuốn nào có ảnh hưởng bằng cuốn “Lời nói dối tỏa sáng” cả.
Vợ ông, bà Susan Sheehan cũng giành được giải thưởng Pulitzer vào năm 1983 cho tác phẩm phi hư cấu cho cuốn sách về tác động tàn tật của bệnh tâm thần.