Bà Janet Yellen trở thành Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ

Với số phiếu thuận 84/15 Thượng viện Hoa Kỳ chiều nay thứ Hai 25-01-2021 đã chuẩn thuận đề cử của Tổng thống Joe Biden, theo đó bà Janet L. Yellen, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed), trở thành Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới, gánh vác công cuộc vực dậy nền kinh tế bị suy giảm trầm trọng vì đại dịch Covid-91 đang gây khốn khó cho hàng triệu gia đình Mỹ.

Bà Yellen là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong lịch sử 232 năm của bộ.

Ngay sau khi nhậm chức, bà Yellen sẽ đối mặt với một thách thức lớn: giúp Tổng thống Biden chuẩn bị kế hoạch Cứu trợ Mỹ (American Rescue) có chi phí tới 1.900 tỷ USD, đưa kế hoạch thông qua Quốc hội và nếu được duyệt, sẽ giám sát việc phân bổ khoản tiền cứu trợ khổng lồ này. 

Nhiệm vụ của bà càng khó khăn sau khi một nhóm 16 thượng nghị sĩ lưỡng đảng trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức cao cấp bên Hành pháp vào hôm qua Chủ nhật đã bày tỏ hoài nghi, liệu một kế hoạch tốn kém như thế có cần thiết hay không. Nhiều nhà lập pháp đề nghị cắt giảm một số điều khoản của kế hoạch để giảm chi phí, chẳng hạn như ngừng việc nâng mức lương căn bản lên 15 USD/giờ, suy tính kỹ khoản trợ cấp trực tiếp 1.400 USD/người và phân phối tiền cứu trợ đến đúng mục tiêu là những thành phần dân chúng cần được cứu trợ. Họ cũng yêu cầu Tòa Bạch ốc cung cấp dữ kiện giải trình cho các khoản chi tiêu trong kế hoạch, chẳng hạn như khoản đề nghị 350 tỷ USD dành cho các tiểu bang và địa phương, 130 tỷ USD dành cho việc mở cửa lại các trường học trong cả nước.

“Luật cứu trợ năm ngoái mới chỉ là khoản ứng trước (down-payment) để chúng ta đứng được thêm vài tháng. Chúng ta còn phải đi một quãng đường dài trước khi nền kinh tế thực sự hồi phục,”

Janet Yellen, tân Bộ trưởng Tài chính

Nhiệm vụ của bà Janet Yellen là thuyết phục Quốc hội, đặc biệt là các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang lo ngại trước viễn cảnh ngân sách quốc gia bị thâm thủng nặng nề, rằng nền kinh tế đang cần những gói kích thích hàng ngàn tỷ đô la. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội để chuẩn bị cho việc phê chuẩn, bà Yellen nhắc lại nhận định của Tổng thống Biden rằng nước Mỹ đang trong “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, cần hành động khẩn cấp. Bà nói, Quốc hội cần “hành động lớn” (big act) để giữ cho nền kinh tế không bị tổn thương trong dài hạn; bà bảo vệ quan điểm sử dụng tiền vay để tài trợ cho một kế hoạch cứu trợ lớn và cho rằng nếu không làm như vậy sẽ khiến cho hàng triệu người lao động và gia đình họ khốn khó thêm nữa.

“Luật cứu trợ năm ngoái mới chỉ là khoản ứng trước (down-payment) để chúng ta đứng được thêm vài tháng. Chúng ta còn phải đi một quãng đường dài trước khi nền kinh tế thực sự hồi phục,” bà Yellen nói với các nghị sĩ và giải thích thêm rằng một nền kinh tế mạnh khỏe hơn sẽ tạo ra thêm nhiều doanh thu cho chính phủ.

Ngoài việc đàm phán với các nhà lập pháp Mỹ, bà Yellen sẽ có trách nhiệm sửa chữa mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và thế giới bên ngoài, cả với các nước đồng minh như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu vốn đã bị thương tổn trầm trọng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, bà Yellen – cũng như chính quyền của Tổng thống Biden nói chung – có kế hoạch đối phó với cái mà bà gọi là hành vi kinh tế “bất hợp pháp, không công bằng và lạm dụng” của Bắc Kinh bằng cách huy động các nước đồng minh cùng gây sức ép với Trung Quốc. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội, bà Yellen nói Trung Quốc “đã có lối hành xử nhằm giành lợi thế không công bằng về công nghệ”, và cho biết chính phủ Mỹ đang chuẩn bị sử dụng “toàn bộ các công cụ” để xử lý vấn đề đó. Một trong những công việc ưu tiên của bà là soát xét lại hiệp định thương mại mà ông Trump đã ký với Bắc Kinh, việc Trung Quốc không hoàn thành các cam kết của họ ghi trong hiệp định, và quyết định liệu Hoa Kỳ có tiếp tục áp đặt thuế suất cao lên 360 tỷ USD hàng hóa nhập cảnh từ Trung Quốc hay không.

Về lâu dài, bà Janet Yellen có kế hoạch thực hiện quan điểm của tổng thống Joe Biden về điều chỉnh luật thuế, giảm thuế cho những gia đình có thu nhập thấp, tăng thuế lợi tức công ty và thuế thu nhập cá nhân của tầng lớp giàu có trong xã hội.

Ngoài ra, bà Yellen có kế hoạch điều chỉnh sứ mệnh của Bộ Tài chính, sử dụng quyền lực rất lớn của Bộ này để đánh giá các rủi ro kinh tế của tình trạng biến đổi khí hậu, thúc đẩy các công nghệ năng lượng sạch và giảm thiểu sự bất bình đẳng về sắc tộc. “Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính là củng cố nền kinh tế Mỹ, nuôi dưỡng sự thịnh vượng kinh tế rộng khắp và khuyến khích một nghị trình kinh tế dẫn tới sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, bà nói trong văn bản trả lời các nghị sĩ Quốc hội hôm thứ Năm.

Trở ngại trước mắt của bà là bộ máy điều hành Bộ Tài chính gần như trống rỗng sau khi cựu Bộ trưởng Steven Mnuchin ra đi cùng với chính phủ cũ. Người được Tổng thống Biden đề cử làm Thứ trưởng Tài chính, ông Wally Adeyemo, vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn, còn các vị trí Phụ tá Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế, thuế khóa, cấm vận kinh tế và tài chính quốc nội đều chưa có người phụ trách.

Bà Janet Yellen, sinh năm 1946 trong một gia đình Mỹ gốc Do Thái Ba Lan, là một nhà khoa bảng về kinh tế học, hiện là giáo sư ưu tú (professor emerita) Học viện Kinh doanh Haas của Đại học California (UC), Berkeley. Bà nhận bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Yale năm 1971. Giáo sư Joseph Stiglitz, giải Nobel Kinh tế học, gọi bà Yellen là một trong những học trò sáng chói nhất, đáng nhớ nhất của ông. 

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, bà làm trợ giảng về kinh tế học tại Đại học Harvard từ 1971-1976. Sang năm 1977 bà được bổ nhiệm làm kinh tế gia của Hội đồng Giám đốc Fed, sau đó phụ trách Phân ban Tài chính Quốc tế của Ngân hàng trung ương. Tại Fed bà gặp và kết hôn với giáo sư George Akerlof (giải Nobel Kinh tế năm 2001) và cùng chồng chuyển sang giảng dạy Trường Kinh tế London (LSE) ở Anh quốc trong hai năm rồi trở về Mỹ giảng dạy và nghiên cứu ở UC Berkeley.

Bà Janet Yellen tham gia chính trường đầu năm 1997, làm Giám đốc Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Bill Clinton thay cho giáo sư Joseph Stiglitz và được ông Clinton bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ trung ương khu vực San Francisco (2004-2010) – một trong các thành viên có quyền bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Vài năm sau đó bà được bổ nhiệm Phó Thống đốc Fed (2010-2013) rồi Thống đốc Fed thay ông Ben Bernanke (2014-2018). Bà là người đề xướng kế hoạch cứu nguy kinh tế có chi phí 3.000 tỷ USD năm 2014 nhằm vực dậy nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng từ cuộc khủng hoảng 2008-2009. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ điều hành hệ thống Ngân hàng Dự trữ Liên bang lớn nhất thế giới của Mỹ.

Sau khi rời Fed bà Janet Yellen trở về với công việc giảng dạy, nghiên cứu, tham gia Viện Brookings – một think-tank có uy tín hàng đầu về chính sách kinh tế của Mỹ. Trong hai năm từ khi rời chính trường, bà đã có thu nhập hơn 7 triệu USD từ thù lao nói chuyện kinh tế tại các tập đoàn lớn của Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: