Công nghiệp giải trí Hàn Quốc: sống với hào quang, chết trong nghiệt ngã

Lại thêm một vụ tự tử của diễn viên trẻ Hàn Quốc. Lần này là Song Yoo-jung, mới 26 tuổi, được loan báo chết ngày 23-1-2021. Cái chết của Song Yoo-jung được xác nhận trong một tuyên bố của công ty đại diện Sublime Artist Agency. Sublime không tiết lộ nguyên nhân, nhưng cái chết đột ngột của Song khiến dư luận một lần nữa liên tưởng đến loạt vụ tự tử gây nhức nhối làng giải trí Hàn Quốc những năm gần đây.

Song Yoo-jung bắt đầu sự nghiệp diễn xuất năm 20 tuổi và xuất hiện trong các quảng cáo cho các sản phẩm chăm sóc da của Estée Lauder và cho chuỗi cửa hàng kem Baskin-Robbins. Trong vai diễn đột phá năm 2019, Song đóng vai một sinh viên kiến trúc có khuôn mặt tươi tắn với mái tóc tém pixie. Song Yoo-jung cũng tham gia diễn xuất trong các video âm nhạc. Cô là một người vận động quyền cho người khuyết tật. Công ty quản lý của Song gọi cô là “một nữ diễn viên tuyệt vời, người luôn biểu diễn với niềm đam mê”.

Báo động từ lâu đã được đưa ra về áp lực mà các công ty quản lý Hàn Quốc đặt lên các nghệ sĩ trẻ, nhiều người trong số họ bắt đầu trở thành thần tượng nhạc pop từ tuổi teen. Ngoại hình của họ được chăm chút kỹ và cuộc sống được quản lý chặt chẽ của họ thường được phát trên các nền tảng mạng xã hội. Với nhiều người, thời gian của họ trong ánh đèn sân khấu là rất hạn chế, nếu họ từng đạt đến vị trí ngôi sao. Vào cuối những năm 20 tuổi, một số được coi là có thể thay thế được. Một số ngôi sao K-pop tự kết liễu cuộc đời, trước đó, đã nói về cuộc vật lộn với sức khỏe tâm thần và đặc biệt văn hóa bắt nạt trên mạng.

Vấn đề tự tử ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn trong ngành giải trí. Quốc gia này có tỷ lệ tự sát cao nhất trong số 37 quốc gia trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Nhưng những vụ tự tử của người nổi tiếng, liên quan công nghiệp giải trí, đã trở thành vấn đề nổi bật trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc trong hơn một thập niên qua.

Năm 2017, ca sĩ Kim Jong-hyun tự sát ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn rằng mình đã vượt qua được chứng trầm cảm. Năm 2019, Sulli, ngôi sao K-pop 25 tuổi, tự kết liễu cuộc đời sau khi cô lên tiếng về hành vi bắt nạt trực tuyến không ngừng mà cô phải đối mặt khi tham gia một chiến dịch nữ quyền ủng hộ việc không mặc áo ngực.

Khoảng sáu tuần sau, bạn của cô, Goo Hara, 28 tuổi, cũng tự sát, để lại bức thư viết tay về tình trạng tuyệt vọng. “Những người làm giải trí như tôi sống không dễ dàng gì – cuộc sống riêng tư của chúng tôi bị soi mói hơn bất kỳ ai khác và chúng tôi phải chịu đựng nỗi đau mà chúng tôi thậm chí không thể chia sẻ với gia đình và bạn bè” – Goo viết.

Chưa đầy hai tuần sau, nam diễn viên kiêm ca sĩ Cha In-ha của nhóm nhạc Surprise U được phát hiện chết tại nhà riêng ở tuổi 27. Và hai năm trước, Jonghyun – giọng ca chính của nhóm SHINee – qua đời vì tự tử ở tuổi 27 khi để lại dòng chữ: “Tôi suy sụp từ bên trong. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm tôi từ từ cuối cùng đã nhấn chìm tôi hoàn toàn”…

Những gương mặt triển vọng trẻ được đào tạo trong nhiều năm, từ tuổi thiếu niên. Họ được đào tạo bài bản, trau dồi kỹ năng ca hát và nhảy. Con đường trở thành ngôi sao là vô cùng khó khăn và nghiệt ngã. Tuy nhiên, ngay cả sau khi họ trở thành thần tượng K-pop, vị trí ngôi sao của họ hiếm khi tồn tại lâu.

Những ngôi sao trẻ hơn với ngoại hình dễ thương hơn và những bước nhảy điêu luyện hơn sẽ thay thế họ. Các ngôi sao K-pop ở độ tuổi cuối 20 đã được coi là già và những thần tượng đang lụi tàn này thường cố xoay sở bằng cách nhảy sang điện ảnh, làm ca sĩ solo hoặc người điều khiển chương trình – quá trình chuyển đổi khó khăn thường không thành công.

Phải nói là sức ép lên giới diễn viên và ca sĩ Hàn Quốc là cực kỳ khủng khiếp. Các công ty quản lý xem họ chẳng khác “tù nhân”. Họ thậm chí không được yêu nếu chưa được phép! Năm 2018, hai trong số ngôi sao pop lừng danh, HyunA và E’Dawn, đã nếm cái giá đau đớn khi công khai mối quan hệ của họ: ngay lập tức, họ bị công ty quản lý Cube Entertainment sa thải.

Theo các chuyên gia trong ngành, điều khoản “không được hẹn hò” rất phổ biến trong hợp đồng của các ngôi sao K-pop trẻ. Giới quản lý cho rằng việc công khai chuyện tình cảm sẽ làm giảm sức hút và sự nghiệp của thần tượng. Việc né tránh các mối quan hệ lãng mạn, hoặc ít nhất giữ bí mật, luôn là một quy tắc bất thành văn.

Lee Hark-joon, nhà báo Hàn Quốc, đồng tác giả quyển “Những thần tượng K-pop – văn hóa pop và sự trỗi dậy của công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc”, kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã sống một cuộc sống máy móc, trải qua chế độ tập luyện khắc nghiệt. Các em hiếm khi có cơ hội phát triển cuộc sống học đường bình thường hoặc các mối quan hệ xã hội bình thường như các bạn trang lứa”. Lee nói thêm: “Sự sa ngã của họ có thể đột ngột và kịch tính như việc họ vươn lên đỉnh cao danh vọng. Nghề của họ là một nghề đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý – họ bị soi mói trên mạng xã hội suốt ngày đêm và tin tức giả về đời tư của họ được lan truyền ngay lập tức”.

Trên The Guardian, nhà báo Kim Dae-o viết:

“Tôi đã viết về hiện tượng này trong 30 năm qua và tôi cũng tường thuật 30 vụ tự tử, và tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng đây là một vấn đề đối với tất cả mọi người trong xã hội Hàn Quốc… Tôi không thể giải thích tại sao nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc lại tự kết liễu cuộc đời. Chúng ta không thể giả vờ biết từng động cơ, cho dù đó là vấn đề tiền bạc, mối quan hệ, vấn đề gia đình, sự giảm sút mức độ nổi tiếng, tình trạng bắt nạt trực tuyến hay bất kỳ yếu tố nào khác. Cố gắng giải thích về từng cái chết sẽ chỉ khuyến khích những kẻ chọc ngoáy. Hướng dẫn của Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc khuyên phóng viên không nên tiết lộ phương pháp được sử dụng trong các vụ tự tử hoặc đề cập đến địa điểm và động cơ”…

Nhà báo Kim Dae-o nói thêm: Xã hội Hàn Quốc ám ảnh các vụ ly hôn của người nổi tiếng, với suy đoán “bên có tội” là ai. Có một nỗi ám ảnh tương tự về lý do tại sao những người nổi tiếng tự sát. Một phần trách nhiệm thuộc về các phóng viên, những người chỉ nghĩ đến việc bài báo của họ thu hút được bao nhiêu cái nhấp chuột, ngay cả khi nội dung bài báo chỉ toàn những đồn đoán. Hầu hết phóng viên giải trí có công việc không ổn định và lương thấp…

Năm 2017, Sulli, cựu thành viên nhóm nhạc nữ f (x), dự lễ tưởng niệm một ngôi sao K-pop khác, Kim Jong-hyun, 27 tuổi, tự sát sau khi để lại lời nhắn rằng mình bị trầm cảm nghiêm trọng. Hai năm sau, đến lượt Sulli, 25 tuổi, tự kết liễu cuộc đời. Với nạn nhân Goo, cựu thành viên nhóm nhạc nữ K-pop cực kỳ nổi tiếng Kara, cô từng vật lộn với cơn lốc chỉ trích trên mạng. Người ta tung tin đồn cô phẫu thuật thẩm mỹ. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau khi cô chia tay bạn trai Choi Jong-beom. Sau đó lại xuất hiện video quay cảnh hai người đang quan hệ tình dục.

“Tôi sẽ không khoan nhượng với những bình luận ác ý này nữa” – Goo viết trên Instagram. Đôi khi, Goo tuyệt vọng và cầu xin những người chỉ trích hãy “nương tay”. “Không ai ngoài kia có tâm hồn cao đẹp có thể ôm người cùng khổ sao?” – Goo viết. Trong tin nhắn Instagram cuối cùng, Goo đăng bức ảnh mình nằm trên giường, với chữ “Jalja” (“chúc ngủ ngon”)…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: