H.C.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và những người khác bị quân đội giam giữ và nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì nền dân chủ, nhưng không lên án cuộc đảo chính hồi đầu tuần, hãng Reuters đưa tin theo một tuyên bố phát hành hôm nay thứ Năm 04-02-2021.
- Lãnh tụ Aung San Suu Kyi bị bắt, quân đội Miến Điện đảo chính?
- Tổng Thống Biden đe dọa trừng phạt Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự
Tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ lâu dài và đầy khó khăn của Myanmar đã bị trật đường ray hôm thứ Hai khi chỉ huy quân đội là tướng Min Aung Hlaing giành quyền và bắt giam các nhà lãnh đạo dân sự, gồm cả bà Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD). Phía quân đội nói có những điều bất thường trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trong khi Ủy ban bầu cử xác nhận cuộc bỏ phiếu diễn ra công bằng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên cho biết trong một tuyên bố được đồng thuận hôm nay rằng Hội đồng “nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền.”
Ngôn ngữ trong bản tuyên bố nhẹ nhàng hơn so với dự thảo ban đầu của Anh và không đề cập đến một cuộc đảo chính – dường như để giành được sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga, vốn có truyền thống bảo vệ Myanmar khỏi sự phê phán của quốc tế. Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế lớn ở Myanmar và quan hệ mật thiết với quân đội nước này.
Phái bộ của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc nói Bắc Kinh hy vọng các thông điệp chính trong tuyên bố “có thể được tất cả các bên chú ý và dẫn đến một kết quả tích cực” ở Myanmar.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người đoạt giải Nobel Hòa bình, đã bị bắt vào sáng sớm thứ Hai 01-02-2021. Cảnh sát cáo buộc bà đã nhập khẩu và sử dụng trái phép sáu máy bộ đàm (walkie-talkie) được tìm thấy tại nhà bà.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden nói quân đội Myanmar nên từ chức. Ông Biden cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để giải quyết việc các tướng lĩnh đảo chính. “Không thể hoài nghi rằng trong một nền dân chủ, sức mạnh không bao giờ nên tìm cách đè bẹp ý chí của người dân hoặc cố gắng xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy”, ông Biden nói.
Hai thượng nghị sĩ, một Dân chủ, một Cộng hòa, cho biết họ sẽ đưa ra một nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi quân đội Myanmar lùi bước sau cuộc đảo chính hoặc đối mặt với hậu quả, đặc biệt là các lệnh trừng phạt.
Tòa Bạch ốc thông báo, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói chuyện điện thoại với các đại sứ thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Myanmar là một nước thành viên. Trong một cuộc họp báo, ông Sullivan cho biết, chính quyền Biden đang xem xét các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các cá nhân và tổ chức do quân đội Myanmar kiểm soát.
Nhưng không rõ một động tác cấm vận sẽ có hiệu quả như thế nào vì các tướng lĩnh nắm quyền tại Myanmar có rất ít lợi ích ở nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tài chính. Tuy nhiên quân đội lại có nhiều quyền lợi trong nền kinh tế Myanmar và có thể phải trả giá nếu như các công ty nước ngoài đã đầu tư vào đất nước này trong thập niên qua bắt đầu rút đi.
Tập đoàn Kirin Holdings – nhà sản xuất rượu bia lớn của Nhật Bản – vừa cho biết họ đang chấm dứt việc liên doanh với một tập đoàn hàng đầu của Myanmar mà giới chủ tập đoàn – theo tài liệu của Liên hiệp quốc – bao gồm các thành viên của quân đội. Cuộc đảo chính “đã làm lung lay nền tảng của quan hệ đối tác,” hãng Kirin nói. Tập đoàn Amata của Thái Lan thông báo đình chỉ việc xây dựng một khu công nghiệp lớn ở nước này.
Các định chế tài chính quốc tế cũng đang xem xét lại vị thế của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã chuyển 350 triệu USD cho Myanmar chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính để giúp chống lại đại dịch coronavirus, cho biết sẽ “vì lợi ích của chính phủ và người dân Myanmar rằng những khoản tiền đó thực sự được sử dụng phù hợp”.
*
Hơn 140 người đã bị bắt giam kể từ khi xảy ra vụ đảo chính vào sáng thứ Hai, bao gồm các nhà hoạt động xã hội, các nhà lập pháp và quan chức chính phủ, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP) cho biết.
Ít nhất bốn người bị bắt hôm nay thứ Năm, bao gồm ba người biểu tình trên đường phố và một thiếu niên đang đập nồi – một động tác gây tiếng động đã trở thành phương thức biểu tình hàng đêm của người dân phản đối đảo chính.
Các bác sĩ Myanmar đã khởi động một chiến dịch bất tuân dân sự và được một số nhân viên chính phủ, sinh viên và các nhóm thanh niên tham gia.
Chính quyền quân quản mới lập của Myanmar đã chặn mạng xã hội Facebook, vốn là một kênh truyền thông quan trọng của phe đối lập. Nhu cầu sử dụng mạng riêng ảo (Virtual Private Network, VPN) đã tăng hơn bốn mươi lần khi người dân tìm cách vượt qua lệnh cấm để tiếp cận Internet.
Bộ Truyền thông và Thông tin Myanmar nói Facebook sẽ bị chặn cho đến ngày 7-2, vì người dùng “phát tán tin tức giả mạo và thông tin sai lệch và gây ra sự hiểu lầm”.
Tướng Hlaing đã nhanh chóng củng cố quyền lực, bổ nhiệm một nội cách gồm phần lớn là sĩ quan quân đội. Ông nói với một nhóm kinh doanh vào hôm qua rằng ông có thể tiếp tục nắm quyền trong sáu tháng sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm chấm dứt để tổ chức các cuộc bầu cử công bằng.
Nhưng để tỏ thái độ thách thức các tướng lĩnh, khoảng một chục nhà lập pháp từ đảng của bà Suu Kyi đã triệu tập một phiên họp quốc hội mang tính biểu tượng vào thứ Năm.