Chiến hạm Mỹ vào gần đảo Hoàng Sa; mẫu hạm Nimitz trở lại Biển Đông

Khu trục hạm USS John S. McCain hành quân trên Biển Đông. Ảnh US Navy
HIẾU CHÂN

Hải quân Hoa Kỳ sáng nay thứ Sáu đã điều một chiến hạm đến gần quần đảo Hoàng Sa – phần lãnh thổ Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đoạt ở Biển Đông – như một phần của hoạt động bảo vệ tự do hàng hải –  chuyến hành quân đầu tiên được ra lệnh dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden.

Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, tên quốc tế là Paracel Islands, của Việt Nam tháng 01-1974 sau một trận hải chiến đẫm máu với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó đến nay Việt Nam và Đài Loan vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền quần đảo này và không công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Chiến hạm trang bị hỏa tiễn dẫn đường USS John S. McCain (DDG-56) đã đi vào quần đảo Hoàng Sa sau khi hoàn tất chuyến đi thường lệ ngang qua eo biển Đài Loan hồi đầu tuần làm Bắc Kinh hết sức tức giận. Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nói cuộc hành quân của khu trục hạm USS John S. McCain “là nhằm khẳng định quyền hải hành và tự do hàng hải trong vùng nước gần Quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, theo lời dẫn trên trang tin của Hải quân USNI News. 

Hãng Reuters đưa tin, Trung Quốc ngay lập tức tố cáo động tác này và cử các đơn vị không quân và hải quân theo dõi con tàu và cảnh báo nó phải rút lui. Bộ Tư lệnh quân khu Miền Nam của quân đội Trung Quốc nói chiến hạm Mỹ đã đi vào cái mà Trung Quốc gọi là lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa mà không được phép “vi phạm trầm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, Reuters cho biết. Hoa Kỳ “đang cố ý gây đổ vỡ bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp ở Biển Đông”, phía Trung Quốc nói thêm.

Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục Mỹ chấm dứt các cuộc hành quân ở Biển Đông và gọi các hành động này là “khiêu khích”. Nước này nói rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và cũng như khu vực xung quanh.

Các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) của Hải quân Hoa Kỳ thường diễn ra ở nhiều khu vực trên Biển Đông, tập trung chủ yếu vào vùng quần đảo Trường Sa (Spratlys) nơi Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo, ít khi đi vào vùng quần đảo Hoàng Sa. 

Cũng trong ngày hôm nay thứ Sáu 05-02-2021, biệt đội hàng không mẫu hạm Nimitz Carrier Strike Group đã đi vào Biển Đông qua eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia, chặng cuối của cuộc hải hành kéo dài tám tháng. Mẫu hạm USS Nimitz (CVN-68) và đội tàu hộ tống đã được bố trí từ tháng Sáu năm ngoái hoạt động trong vùng Trung Đông để canh chừng Iran, nay chuyển sang khu vực Biển Đông và tây Thái Bình Dương theo lệnh của chính quyền Biden, hãng tin quân đội USNI News dẫn lời một sĩ quan cao cấp ẩn danh cho biết.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo