Anh trục xuất điệp viên Trung Quốc đội lốt nhà báo

H.C.

Trong 12 tháng qua chính phủ Vương quốc Anh đã lặng lẽ trục xuất ba gián điệp Trung Quốc bị tình nghi đóng giả là nhà báo, một quan chức cao cấp của Anh tiết lộ, theo báo The Wall Street Journal.

Báo Telegraph của Anh là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin về vụ trục xuất vốn không được chính phủ London công bố chính thức. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa hai nước Anh – Trung đang xấu đi nhanh chóng dù chỉ vài năm trước đây, nhiều người đã dự báo một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ giữa hai nước.

Ba cán bộ của Bộ Công An Trung Quốc đã đến Anh làm việc với tư cách nhân viên của ba tổ chức truyền thông Trung Quốc khác nhau, quan chức ẩn danh đã xác nhận thông tin của Telegraph. Nhưng vai trò thực sự của họ bị cơ quan phản gián Anh, gọi tắt là MI5, phanh phui, và họ đã bị trục xuất về nước, quan chức này xác nhận. Tên của các tổ chức truyền thông Trung Quốc không được công bố.

Các nước phương Tây ngày càng đề phòng ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ra ngoài lĩnh vực kinh tế như mất cân bằng thương mại và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Càng ngày các nhà hoạch định chính sách phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đều coi các mối liên kết của đảng Cộng sản Trung Quốc với truyền thông, viễn thông và giáo dục là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.

Các quan chức Anh cho biết trong những năm gần đây họ đã phải điều chỉnh chính sách đối với cái mà họ gọi là mối đe dọa gián điệp nghiêm trọng và ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, trước đây hầu như chỉ nhắm vào các bí mật thương mại nhưng ngày nay đã chuyển hướng tìm kiếm thông tin mật của chính phủ. Tuy vậy, Anh Quốc mô tả hoạt động gián điệp của Trung Quốc không hung hãn như của Nga, vốn là trọng tâm theo dõi của tình báo Anh nhiều thập niên qua.

Đầu tuần này, cơ quan quản lý truyền thông Vương quốc Anh đã tước giấy phép phát sóng của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network, CGTN), thu hẹp đáng kể hoạt động của kênh tin tức quốc tế chính của Trung Quốc ở châu Âu.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Anh (British Broadcasting Corporation, BBC) vì những thông tin mà họ cáo buộc là bôi nhọ cách xử lý của chính phủ Bắc Kinh đối với đại dịch Covid-19 và cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng phản đối quyết định của Vương quốc Anh mở một con đường trở thành công dân cho một số cư dân Hồng Kông khi hai bên tranh cãi về quyền tự do của người dân ở vùng lãnh thổ vốn là thuộc địa cũ của Anh.   

Tại Hoa Kỳ, cáo buộc về gián điệp và ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng mạnh dưới thời chính quyền Donald Trump, dẫn tới việc các trường đại học phải đóng cửa các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ vì lo ngại tổ chức này quảng bá thông tin tuyên truyền cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu các tổ chức truyền thông báo chí của Trung Quốc phải đăng ký hoạt động với tư cách là cơ quan đại diện chính phủ nước ngoài, coi đó là những tiền đồn của chính phủ Bắc Kinh. Khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gọi đó là “ổ gián điệp”.

Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đặt ra một thách thức cụ thể với các chính phủ phương Tây vì họ là các cơ quan nhà nước, không có ranh giới rõ ràng giữa việc thu thập thông tin cho mục đích báo chí và cho nhà nước.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã cực lực phản đối cái mà họ gọi là nỗ lực của Anh nhằm vây hãm chính phủ Trung Quốc và làm suy yếu lợi ích của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói họ đã khiếu nại với văn phòng Bắc Kinh của BBC về các bản tin tường thuật phản ứng của Trung Quốc với đại dịch Covid-19 và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, kêu gọi BBC “chấm dứt việc cố tình bôi nhọ và tấn công Trung Quốc.” Bộ này cũng đe dọa sẽ trả đũa việc Anh hủy bỏ giấy phép phát sóng của CGTN.

“Trung Quốc kêu gọi Anh chấm dứt ngay các hành vi thao túng chính trị và khắc phục những sai lầm của mình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu.

Ông Vương không phủ nhận quyết định của cơ quan quản lý Anh rằng mạng truyền hình CGTN là do đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát; ông ta nói rằng các nhà chức trách Vương quốc Anh từ lâu đã biết về cách Trung Quốc quản lý các tổ chức truyền thông của mình với tư cách là một quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng yếu ớt trước các cáo buộc nhà báo làm gián điệp. Ông Vương nói với các phóng viên rằng ông không biết chuyện đó mà chỉ nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng truyền thông Trung Quốc có trụ sở tại Anh đã hoạt động hợp pháp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: