Ngày mai Thượng viện xử ông Trump, tại sao và thế nào?

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Donald Trump sẽ bắt đầu vào ngày mai thứ Ba 09-02-2021, trong đó Thượng viện Hoa Kỳ phải quyết định xem có kết tội ông ta về tội xúi giục bạo loạn hay không sau khi một đám đông bạo lực những người ủng hộ ông Trump bao vây Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6-1. SGN giải thích những chi tiết cần biết về vụ đàn hặc mà cả nước Mỹ đang quan tâm để bạn đọc dễ theo dõi.

Tại sao phải đàn hặc ông Trump?

Sau cuộc bầu cử tổng thống mà ông kém đối thủ Joe Biden tới hơn bảy triệu phiếu, ông Trump vẫn không thừa nhận thất bại, khởi xướng hơn 60 vụ kiện gian lận bầu cử ở các cấp tòa án (đều thất bại) và vận động những người ủng hộ ông phản đối cái gọi là “chiến thắng bị đánh cắp” của ông. Đỉnh điểm của quá trình này là cuộc biểu tình tuần hành của hàng chục ngàn ủng hộ viên của ông Trump gần Tòa Bạch ốc sáng ngày 06-01-2021. Ông Trump đã có bài phát biểu trước đám đông biểu tình, kêu gọi họ tuần hành tới Điện Capitol để ngăn cản cuộc họp của Quốc hội chứng thực kết quả bầu cử. Đám đông đã bao vây, dùng bạo lực phá cửa, tấn công lực lượng cảnh sát bảo vệ và tràn vào Quốc hội, cuộc họp bị gián đoạn, các nghị sĩ phải tìm chỗ trú ẩn an toàn và năm người đã bị thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát bảo vệ Quốc hội.

Vụ bạo loạn gây chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới, lần đầu tiên có chuyện một tổng thống đương nhiệm kêu gọi ủng hộ viên của mình tấn công cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đe dọa sinh mạng và sự an toàn của các đại biểu dân cử.

Một tuần lễ sau, ngày 13-01, Hạ viện Hoa Kỳ với số phiếu 232/197 thông qua quyết định đàn hặc Tổng thống Trump với tội danh “kích động bạo loạn”. Toàn bộ các dân biểu Dân chủ cùng với 10 dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu thuận, 197 dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu chống. Chủ tịch Hạ viện cử chín dân biểu thuộc đảng Dân chủ làm “nhà quản lý đàn hặc” (impeachment managers), giữ vai trò công tố (prosecutor) trong phiên xử (trial) sẽ diễn ra ở Thượng viện, trong đó các thượng nghị sĩ giữ vai trò bồi thẩm (juror).

Một tuần lễ sau nữa, ngày 20-01, nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump kết thúc, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Ngày 25-01, bản “cáo trạng” luận tội ông Trump được Hạ viện chuyển lên Thượng viện. Hôm sau, Thượng viện tổ chức bỏ phiếu quyết định xem có nên khởi động tiến trình xét xử hay không. Kết quả có 55 thượng nghị sĩ đồng ý phải có phiên tòa xét xử, 45 nghị sĩ Cộng hòa không đồng ý. Ngay sau đó, các thượng nghị sĩ tuyên thệ đảm nhiệm vai trò thẩm phán, và quyết định phiên xử cựu Tổng thống Trump sẽ bắt đầu vào ngày thứ Ba 09-02-2021.

Tại phiên xử, các công tố viên – tức các dân biểu Hạ viện – phải chứng minh được ông Trump có tội “kích động bạo loạn”, trong khi các luật sư biện hộ cho ông Trump phải chứng minh ngược lại. Sau khi nghe lý lẽ của cả hai bên, Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu; ông Trump sẽ bị kết tội nếu có ít nhất hai phần ba số thượng nghị sĩ – tức từ 67 phiếu trở lên – đồng ý kết tội ông. Nếu bị kết tội, ông Trump sẽ không chỉ không tiếp tục làm tổng thống vì thực tế ông ta đã trở thành thường dân, mà còn không được đảm nhiệm chức tổng thống trong tương lai. Ngược lại, nếu được Thượng viện tha bổng (acquittal), ông ta sẽ vẫn là cựu tổng thống và có quyền ra tranh cử tổng thống trong các kỳ bầu cử tới.

Ông Trump sẽ được tha bổng?

Hầu hết các nhà quan sát cho rằng ông Trump có thể ​​sẽ trắng án. Nhưng đảng Dân chủ hy vọng, liên kết hành động của ông Trump với vụ bạo lực ở tòa nhà Quốc hội khiến các nhà lập pháp phải bỏ trốn, sẽ giúp  giành được một số phiếu của các nghị sĩ Cộng hòa, làm suy giảm ảnh hưởng của ông Trump đối với nền chính trị Mỹ.

Các luật sư của Trump nói rằng phiên tòa không nên được tổ chức bởi vì cựu tổng thống hiện là một công dân thường. Họ nói rằng ông ta không kích động bạo lực khi nói với những người ủng hộ hãy “chiến đấu hết mình” (“fight like hell”) để lật ngược tình thế thất bại trong cuộc bầu cử.

Chúng ta chưa biết cuối cùng các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu thế nào, ủng hộ hay chống lại việc buộc tội ông Trump. Do tỷ lệ phiếu ở Thượng viện đang cân bằng cho cả hai đảng 50-50, nên nếu chỉ có một vài thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng ý luận tội như kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 26-01 thì rất khó có khả năng đảng Dân chủ huy động được 67 phiếu thuận để buộc tội ông cựu tổng thống như dự định của họ. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ biến đổi tùy vào cuộc tranh luận giữa phe công tố (Hạ viện) và các luật sư biện hộ của ông Trump.

Thành phần công tố và biện hộ

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ, California) đã chỉ định chín dân biểu Dân chủ làm nhiệm vụ công tố, hầu hết là những cựu luật sư đã có nhiều kinh nghiệm tranh tụng trước tòa, dẫn đầu là Dân biểu Jamie Raskin (Maryland). Ông Raskin đã có hơn một phần tư thế kỷ giảng dạy môn luật hiến pháp tại Đại học American, là thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện, là người đã dự thảo một nghị quyết yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence dựa vào Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Trump sau vụ bạo loạn, và cũng là người đã tham gia vụ đàn hặc ông Trump lần thứ nhất cách đây một năm. Các dân biểu Dân chủ khác làm nhiệm vụ công tố là Diana DeGette (Colorado), Eric Swalwell (California), David N. Cicilline (Rhodes Island), Madeleine Dean (Pennsylvania), Joaquin Castro (Texas), Ted Lieu (California), Stacey Plaskett (U.S. Virgin Islands) và Joe Neguse (Colorado).

Các luật sư trong đội biện hộ của ông Trump tại vụ đàn hặc năm ngoái từ chối tham gia đại diện cho ông trong vụ xử lần này, còn các luật sư của Tòa Bạch ốc không còn thuộc quyền điều động của ông ta nữa.

Ông Trump đã thuê hai luật sư, ông Bruce Castor và ông David Schoen. Ông Castor là cựu công tố viên quận hạt Montgomery tiểu bang Pennsylvania, từng bị tai tiếng vì năm 2005 ông ta bí mật thỏa thuận không truy tố với bị đơn Bill Cosby khi ông diễn viên hài này bị một nhân viên Đại học Temple tố cáo tội quấy rối tình dục.

Ông David Schoen hành nghề ở Atlanta từng là luật sư biện hộ cho cựu cố vấn của ông Trump là ông Roger Stone và tỷ phú Jeffrey Epstein bị cáo buộc cầm đầu đường dây tình dục trẻ em có liên quan tới nhiều nhân vật nổi tiếng. Cả hai bị cáo này đều bị tòa kết án, ông Epstein được cho là đã tự tử trong tù còn ông Stone được Tổng thống Trump ân xá trong ngày cuối cùng của ông ta tại Tòa Bạch ốc.

Chủ trì phiên tòa xét xử tổng thống tại Thượng viện thường là Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhưng vì ông Trump đã rời nhiệm sở nên chủ tọa phiên tòa sẽ là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Dân chủ, Vermont), người lãnh đạo danh dự của Thượng viện vì là thượng nghị sĩ có thâm niên phục vụ lâu nhất tại Thượng viện.

Vụ xử sẽ diễn ra thế nào?

Theo một nghị quyết của Thượng viện, phiên xử sẽ bắt đầu bằng một cuộc tranh luận kéo dài bốn tiếng đồng hồ trong ngày mai thứ Ba, chia đều thời gian cho hai bên công tố và biện hộ, về tính chất hợp hiến (constitutionality) của vụ xử. Các luật sư biện hộ nói rằng, vụ đàn hặc ông Trump để truất ông khỏi cương vị tổng thống là không đúng với hiến pháp vì ông ta đã không còn là tổng thống nữa. Các công tố viên không đồng ý như vậy, vì hành vi “kích động bạo loạn” của ông Trump diễn ra khi ông ta vẫn đang là tổng thống, và Hạ viện đã luận tội ông ta trước khi nhiệm kỳ của ông ta kết thúc và trong lịch sử đã có tiền lệ một bộ trưởng trong chính phủ bị Thượng viện đàn hặc và cách chức khi ông ta đã không còn là bộ trưởng. Sau cuộc tranh luận, Thượng viện sẽ bỏ phiếu và chỉ cần đa số phiếu là quyết định có thể được thông qua.

Hôm 26-01 Thượng viện đã xem xét tính chất hợp hiến này theo đề nghị của Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng hòa), và đã thông qua với đa số phiếu thuận, 55/45; lần này giới quan sát cho rằng kết quả đó có thể lặp lại.

Sau cuộc bỏ phiếu về tính chất hợp hiến, nếu kết quả thuận, Thượng viện sẽ bắt đầu phiên xử chính thức vào thứ Tư. Mỗi bên công tố và biện hộ sẽ có 16 tiếng đồng hồ để trình bày luận chứng của mình và trả lời chất vấn của các thượng nghị sĩ.

Các luật sư biện hộ dự kiến sẽ nhắc lại các lập luận chứng minh ông Trump không phạm tội kích động bạo loạn; những kẻ quá khích tấn công vào Quốc hội là hành động theo tính toán riêng của họ và những phát biểu cuộc bầu cử đã bị gian lận của ông Trump phù hợp với quyền tự do ngôn luận được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.

Trong khi đó, các công tố viên của Hạ viện đã liên kết những hành động và phát biểu của ông Trump trước, trong và sau khi xảy ra vụ bạo loạn ngày 06-01 để chứng minh rằng ông Trump phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về sự cố chính trị này. Phiên xử có thể sẽ không mời nhân chứng mà các công tố viên sử dụng nhiều hình ảnh video về vụ bạo loạn, các phát ngôn của ông Trump, các đồng minh của ông cũng như của những người tham gia bạo loạn để chứng minh cho lời buộc tội của họ.

Những ký ức tươi mới về vụ bạo loạn cách đây hơn một tháng – trong đó chính các nhà lập pháp bị biến thành mục tiêu tấn công và đại sảnh nơi Thượng viện đang họp xét xử đã bị những kẻ cực đoan đột nhập và đập phá – có thể giúp các nhà quản lý luận tội Hạ viện dễ dàng đưa ra trường hợp của họ. 

Tiến trình tố tụng sẽ tạm dừng vào tối thứ Sáu cho ngày Sa-bát của người Do Thái theo yêu cầu của nhóm bảo vệ của Trump và sau đó tiếp tục vào chiều Chủ nhật. Điều đó gần như chắc chắn có nghĩa là một cuộc bỏ phiếu cuối cùng vụ xử ông Trump sẽ chỉ có trong tuần sau.

Phiên xử có thể kéo dài hơn một tuần. Sau khi các cuộc tranh tụng kết thúc, mỗi thượng nghị sĩ sẽ đứng lên và bỏ phiếu: có tội hay không có tội.

Hậu quả sau phiên xử là gì?

Phiên tòa luận tội đầu tiên của Trump năm ngoái kéo dài gần ba tuần. Nhưng năm nay ​​sẽ ngắn hơn, vì vụ án ít phức tạp hơn và các thượng nghị sĩ đã biết nhiều chi tiết, bản thân họ đã ở trong Điện Capitol trong thời gian xảy ra vụ bạo loạn. Đảng Dân chủ cũng muốn vụ xử kết thúc sớm để Thượng viện dành thời gian phê chuẩn các vị trí đề cử trong Nội các của Tổng thống Biden và tiếp tục với các ưu tiên lập pháp của họ, chẳng hạn như gói cứu trợ COVID-19.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân chủ, New York), lãnh đạo khối đa số Thượng viện cho biết nếu ông Trump bị kết tội, Thượng viện sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu lần thứ hai để cấm ông giữ chức vụ lần nữa. Đảng Dân chủ cảm thấy đó sẽ là một hình phạt thích đáng.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói tuần trước: “Chúng ta không thể đi tới cho đến khi ta có được công lý. Nếu chúng ta không theo đuổi vụ này, thì chúng ta nên loại bỏ khỏi Hiến pháp mọi hình phạt đàn hặc”

Còn nếu Thượng viện tuyên bố trắng án thì đó sẽ là một chiến thắng cho ông Trump, chứng tỏ ông ta vẫn giữ được sự ảnh hưởng lớn trong đảng của mình sau những nỗ lực của ông nhằm lật đổ nền dân chủ Hoa Kỳ và bị nhiều đồng nghiệp phê phán.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: