Kim Jong Un ra sách “tự sướng” 

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un (Wikipedia)

LÊ AN

Bất luận tình hình chính trị lẫn kinh tế Bắc Hàn không hề được cải thiện từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, chế độ Bình Nhưỡng mới đây vẫn ra quyển tiểu sử về lãnh tụ tối cao Kim Jong Un. Bắc Triều Tiên đã có không ít sách về Kim Jong Un nhưng quyển tiểu sử mới, dày 621 trang, với tựa “Con người vĩ đại và kỷ nguyên của một đất nước hùng cường”, là quyển đầu tiên tập trung vào “tài lãnh đạo sáng suốt” của Kim Jong Un với chính sách đối ngoại “khéo léo và mềm mỏng” đưa đất nước Bắc Hàn vọt lên “đỉnh cao chói lọi” mới…

Quyển tiểu sử về Kim Jong Un, được phát hành bởi Nhà xuất bản Bình Nhưỡng, đã phác họa lại vị trí Bắc Hàn trên sân khấu chính trường thế giới và chính sách quốc phòng sử dụng vũ khí hạt nhân làm cán cân thương lượng trong cuộc đối đầu dai dẳng với chính sách cấm vận của Mỹ. Quyển sách cũng đề cao vai trò của Kim Jong Un trên bàn cờ thế giới với các cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Riêng vụ này đã chiếm 15 trang, thuật diễn biến các cuộc gặp Kim-Trump tại Singapore, khu phi quân sự Triều Tiên, và Việt Nam.

Quyển tiểu sử – theo Wall Street Journal ngày 3-3-2021 – ấn hành ngày 30-12-2020 tại Bắc Triều Tiên nhưng bản online có thể tiếp cận được từ bên ngoài lãnh thổ Bắc Hàn thì mới được đưa lên mạng bởi Uriminzokkiri (website tuyên truyền của Bình Nhưỡng). Quyển sách không đề tên tác giả nhưng hẳn nhiên nó được viết với sự chỉ đạo biên soạn của Kim Jong Un, nhằm mục đích nói với người dân rằng “chúng ta có thể sống bất chấp nghịch cảnh bởi vì chúng ta vĩ đại” – nhận xét của Yang Moo-jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Bắc Hàn (Seoul). Quyển tiểu sử về nhân vật quái dị nhất nhì thế giới này có bảy chương, 17 phụ chương và không có ảnh. Quyển sách viết rằng vũ khí hạt nhân của đất nước là “những lưỡi kiếm bảo vệ hòa bình”, rằng cấm vận kinh tế là không công bằng, và các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc là gây hấn.

Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump (Wikipedia)
Với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Wikipedia)
Với Tổng thống Nga Vladimir Putin (Wikipedia)

Dĩ nhiên quyển sách “soi rọi” vào tài lãnh đạo của Kim Jong Un, về tình yêu của Kim đối với người dân là “mãi mãi bất diệt”. Sách thuật rằng một phụ nữ bị bệnh thập tử nhất sinh sắp từ giã cõi đời đã ao ước chỉ có thể nhắm mắt xuôi tay khi được tận mắt thấy lãnh tụ Kim Jong Un; và cuối cùng bà đã được Kim đến tận nơi chụp hình chung. Không như những phiên bản miêu tả về cha và ông nội của Kim Jong Un, quyển tiểu sử này bám sát các sự kiện đời thật. Hai nhà lãnh đạo quá cố của Triều Tiên thường được miêu tả với những sức mạnh siêu phàm và khả năng siêu nhiên chẳng hạn biến quả thông thành viên đạn. Học sinh tiểu học từ thế hệ này sang thế hệ sau đều được dạy như thế; và để được điểm cao, bọn trẻ không chỉ thuộc lòng những “điển tích” tào lao mà còn phải chứng tỏ khả năng tạo ra những hình ảnh tưởng tượng khác để miêu tả các bậc lãnh tụ tối cao.

Quyển tiểu sử kết thúc bằng phần mang tựa “Xoay quanh thế giới dưới trục chủ quyền và công lý”, miêu tả các cuộc gặp giữa Kim Jong Un và Donald Trump, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. “Chưa bao giờ mà tất cả thế giới đều chú mục vào sự vĩ đại và đức hạnh của dân tộc chúng ta trong lịch sử đất nước 5.000 năm” – sách viết. Theo cuốn sách, việc Kim Jong Un đưa ra quyết định dứt khoát khi gặp các nhà lãnh đạo thế giới đã nâng vị thế Triều Tiên lên một “vị trí cơ bản cao hơn” chưa từng có. Thực tế thì Bắc Hàn tiếp tục bi thảm chưa từng có. Một số nhà kinh tế bên ngoài ước tính kinh tế Triều Tiên đã giảm tới 10% vào năm ngoái. Thương mại Bắc Hàn với Trung Quốc giảm mạnh 80% vào năm 2020, theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) có trụ sở tại Seoul. Trung Quốc chiếm khoảng chín phần mười thương mại hàng năm của Triều Tiên.

Người dân Bắc Hàn xem Kim Jong Un nói chuyện trên truyền hình (Wikipedia)

Lo sợ lây truyền coronavirus, chế độ Kim đã phong tỏa biên giới, cấm du khách nước ngoài và đóng cửa các thành phố. Theo báo cáo KITA, các biện pháp đối phó Covid-19 của Bình Nhưỡng đã gây ra nhiều thiệt hại cho kinh tế nước này hơn cả các biện pháp trừng phạt và cấm vận của Mỹ. Cá nhân Kim Jong Un cũng không ít lần thừa nhận thất bại kinh tế của Triều Tiên. Tại cuộc họp giới chức cấp cao Đảng Công Nhân vào tháng trước, Kim Jong Un chỉ trích các cố vấn kinh tế hàng đầu vì đơn phương hạ thấp các mục tiêu sản xuất đặt ra hồi đầu năm đối với ngành điện lực, xây dựng và công nghiệp nhẹ. Kim Jong Un đã sa thải một quan chức kinh tế cấp cao vào tháng Hai, chỉ một tháng sau khi người này được bổ nhiệm.

Alexander Matsegora, đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được hãng thông tấn Nga Interfax đăng vào tháng trước, tình hình Bắc Hàn trở nên nghiêm trọng đến mức các mặt hàng chủ lực cơ bản hiện có giá gấp ba hoặc bốn lần so với trước đại dịch. Ông Matsegora nói: “Vấn đề thật sự nguy cấp khi rất khó khăn để mua những hàng hóa cơ bản như mì ống, bột mì, dầu thực vật và đường; trong khi quần áo hoặc giày dép thì hoàn toàn không thể mua”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: