OECD: Kinh tế Mỹ sẽ tăng nhanh gấp đôi trong năm nay

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho biết kế hoạch cứu nguy kinh tế trị giá 1,9 ngàn tỷ USD có thể được thông qua vào cuối tuần này. Hình: Wikipedia.
H.C.

Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi trong năm nay nhờ gói kích thích trị giá 1,9 ngàn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề nghị, kết hợp với công cuộc tiêm chủng đang tiến hành nhanh, giúp nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, một báo cáo công bố hôm nay thứ Ba 09-03-2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development, OECD) nhận định.

Tuy nhiên, các quốc gia không thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là các nước Âu châu, có nguy cơ bị tụt lại, không bắt kịp đà phục hồi kinh tế toàn cầu và điều đó sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Thất bại trong việc ngăn chặn đà lây lan của virus buộc chính phủ các nước này phải tiếp tục đóng cửa nhiều bộ phận của nền kinh tế, trì hoãn cơ hội của người dân được quay trở lại nhịp sống bình thường, ảnh hưởng xấu tới sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, OECD nhận định.

Trong báo cáo Triển Vọng Nửa Năm (Half-Year Outlook) vừa công bố, OECD dự tính kinh tế Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 6,5%, cao gấp đôi mức dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng 12-2020 – phần lớn nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được thực hiện nhanh hơn dự tính, giúp làm giảm số người bị nhiễm Covid-19 và tạo điều kiện cho một số tiểu bang mở cửa lại các hoạt động kinh tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tạo ra động lực để làm gia tăng tổng sản lượng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,6% sau khi bị suy giảm 3,4% trong năm 2020.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn đầu tiên kiểm soát được đại dịch trước các nước khác, vẫn là “kẻ thắng lợi lớn”, với mức tăng trưởng dự báo năm 2021 là 7,8%, theo OECD.

Mặc dù sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã hiện ra, nhưng các biện pháp gia tăng chi tiêu công của các chính phủ nhằm kích thích kinh tế sẽ chỉ có tác động rất hạn chế nếu như chính quyền không thúc đẩy được các chiến dịch tiêm chủng quốc gia và nới lỏng các biện pháp cách ly, phong tỏa, báo cáo của OECD nhận định. Nếu các chương trình tiêm chủng vaccine thực hiện không đủ nhanh để làm giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh hoặc nếu các biến chủng mới của virus lây lan rộng, đòi hỏi phải điều chỉnh các loại vaccine đang có thì sức chi tiêu của người tiêu dùng và niềm tin của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Kích thích kinh tế mà không chủng ngừa sẽ không có hiệu quả bởi vì người tiêu dùng sẽ không ra khỏi nhà để làm những công việc bình thường. Chính sự kết hợp giữa chính sách y tế và chính sách tài chính mới là điều quan trọng,” bà Laurence Boone, kinh tế gia trưởng của OECD nói trong một cuộc họp báo trực tuyến sáng nay. 

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở các nước châu Âu, nhất là Đức và Pháp, nơi những yếu kém trong hệ thống quản lý y tế, chương trình tiêm chủng chậm chạp đang đè nặng lên các kế hoạch phục hồi kinh tế dù các chính phủ đã tung ra nhiều tỷ euro hỗ trợ. Những khoản chi tiêu đó “sẽ không có hiệu quả đầy đủ chừng nào nền kinh tế chưa thể mở cửa trở lại”, bà Boone nói thêm.

Khu vực kinh tế đồng euro của châu Âu dự tính sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, cao hơn một chút so với dự báo hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ. Vương quốc Anh – nước đã bắt đầu chương trình tiêm chủng từ cuối năm ngoái, dự tính sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 5,1%, cao hơn mức 4,2% dự báo trước đây.

Ấn Độ là một điểm sáng nổi bật. Kinh tế Ấn Độ dự báo sẽ tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức 12,6% năm 2021 sau khi bị giảm tới 7,4% trong năm 2020, theo OECD.

(theo New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: