Nhóm chính sách đối ngoại của chính quyền Biden bắt đầu hướng tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc sẽ là ưu tiên hàng đầu về chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ.
Theo thông tin từ Tòa Bạch ốc, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc họp trực tuyến với các thủ tướng Nhật Bản, Úc và Ấn Độ vào thứ Sáu tuần này, sau đó Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức của họ.
Trên đường trở về, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp hai nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh – cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với những người đồng cấp Trung Quốc – tại Alaska nhưng ông Blinken đã nói rõ với các nhà lập pháp hôm nay thứ Tư rằng đây sẽ không phải là một “cuộc đối thoại chiến lược” hoặc một cuộc họp chính thức cấp bộ trưởng.
Hai bộ trưởng Blinken và Austin sẽ dự các cuộc họp cấp bộ trưởng “2 + 2” với các đối tác Nhật Bản là Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại Tokyo, sau đó là với Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook, tại Seoul.
Sau đó vào ngày 18-3, tại Anchorage, Alaska, điểm dừng chân trên chuyến bay trở về Washington, ông Blinken cùng với Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp gỡ người phụ trách chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị.
Thư ký Báo chí Tòa Bạch ốc Jen Psaki hôm nay thứ Tư cho biết: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là cuộc gặp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc được tổ chức trên đất Mỹ và diễn ra sau khi chúng tôi đã gặp và tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đối tác và đồng minh ở cả châu Á và châu Âu”.
Trong thời gian đó, Bộ trưởng Austin sẽ đến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ở Hawaii, rồi tới Ấn Độ, nơi ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh và các quan chức cấp cao khác của Ấn Độ để thảo luận về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác quốc phòng lớn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.
***
Một loạt các cuộc gặp trực tiếp, diễn ra ngay buổi đầu nhiệm kỳ của các quan chức cấp cao, báo hiệu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là gia tăng ưu tiên đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau khi Washington xác định Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất.
Ra trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm nay thứ Tư để thảo luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Blinken nói Nhật Bản và Hàn Quốc là “hai trong số các đồng minh quan trọng nhất của chúng ta” và nhắc lại cam kết của Washington đối với các liên minh cốt lõi, bao gồm cả NATO.
Về cuộc họp ở Alaska với các quan chức Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nói với Quốc hội hôm nay rằng “đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược. Không có ý định vào thời điểm này cho các cam kết tiếp theo.” Thay vào đó, cuộc gặp là “cơ hội quan trọng để chúng tôi trình bày thẳng thắn về nhiều mối lo ngại mà chúng tôi có đối với các hành động và hành vi của Bắc Kinh đang thách thức an ninh, thịnh vượng và các giá trị của Hoa Kỳ cũng như các đối tác và đồng minh của chúng ta”, ông Blinken nói.
Phía Mỹ vẫn có kế hoạch tìm kiếm các con đường hợp tác nhưng sẽ không né tránh việc nói về sự cạnh tranh của Washington với Trung Quốc và lên tiếng vì lợi ích của các công ty và công nhân Mỹ, theo ông Blinken, người đã hứa với ủy ban Hạ viện tại cuộc họp ở Hạ viện rằng ông sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh.
Chuyến đi châu Á của các bộ trưởng Blinken và Austin sẽ tiếp nối hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Biden với các nhà lãnh đạo Nhóm Quad – tức là diễn đàn đối thoại an ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, được coi là công cụ trong kế hoạch chống Trung Quốc của Washington. Dự kiến các nhà lãnh đạo bốn nước Quad sẽ bàn về nhiều vấn đề, từ chống dịch Covid-19, thương mại tới biến đổi khí hậu nhưng trọng tâm là sự phối hợp về chính trị và quân sự để bảo vệ an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương trước tham vọng và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong bản hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời công bố vào tuần trước, ông Biden cho biết “lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Washington nằm ở mối liên hệ sâu sắc nhất với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Bán cầu.”
Chương trình nghị sự được nêu trong hướng dẫn tạm thời sẽ cho phép Mỹ cùng với các đồng minh chống lại một Trung Quốc “ngày càng quyết đoán”, mà Washington coi là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra một thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”
Chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad của ông Biden hồi tháng trước, Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với các ngoại trưởng của các thành viên Quad khác, bàn về các thách thức toàn cầu như COVID-19, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng Myanmar. Bốn nước tái khẳng định sự ủng hộ “vai trò trung tâm của ASEAN” và nhắc lại cam kết “thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, theo tài liệu của Bộ Ngoại giao.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đang chủ trì một cuộc đánh giá về vị thế toàn cầu của quân đội Hoa Kỳ để bảo đảm việc bố trí quân đội là phù hợp với chính sách đối ngoại và các ưu tiên an ninh quốc gia của Washington, có thể sẽ dẫn đến việc tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.