Hiếu Chân
Các lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 12 người trong các cuộc biểu tình, theo các nhân chứng và truyền thông địa phương, hãng tin Reuters cho biết. Trong bài phát biểu đầu tiên với dân chúng hôm thứ Bảy 13-03, người lãnh đạo tạm thời của một chính quyền dân sự song song với nhà cầm quyền quân sự Myanmar kêu gọi người dân theo đuổi “một cuộc cách mạng” để lật đổ cuộc đảo chính quân sự ngày 01-02 vừa qua.
Vũ khí của chiến tranh, vũ khí của hòa bình
Theo tin của Reuters có năm người bị giết, nhiều người khác bị thương khi cảnh sát nổ súng vào một đám đông biểu tình ngồi ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Một người bị giết ở thành phố Pyay ở miền Trung; hai người bị giết ở Yangon, nơi đã có ba người bị giết trong đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bảy.
Myat Thu, một nhà hoạt động ở Mandalay nói với Reuters: “Họ [cảnh sát] hành động cứ như trong vùng chiến sự, với những người dân không có vũ khí”. Ông cho biết thêm trong số người chết có một cậu bé mới 13 tuổi.
Đã có hơn 70 người Myanmar bị giết trong những cuộc biểu tình lan rộng chống lại cuộc đảo chính của quân đội, theo Hội hỗ trợ Tù nhân chính trị Myanmar.
Quân đội Myanmar ra tuyên bố nói các lực lượng an ninh của họ đã “kiềm chế tối đa” trong việc đối phó với phong trào biểu tình mà đài truyền hình MRTV của quân đội gọi là “những kẻ tội phạm”. Nhưng Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về Myanmar, ông Thomas Andrews phản bác các tuyên bố của quân đội. Phát biểu với hội nghị Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, ông Andrews nói “Có vẻ như tập đoàn quân phiệt Myanmar yêu cầu hội đồng và thế giới đừng tin vào chính con mắt của mình. Rõ ràng là tập đoàn quân phiệt đã hoàn toàn không sẵn sàng cho phản ứng hòa bình và đông đảo của người dân đối với các hành động phi pháp của họ,” ông Andrews nói. Quân đội Myanmar quen với vũ khí của chiến tranh, nhưng không quen với “vũ khí của hòa bình”, ông Andrews nói thêm và kêu gọi LHQ có biện pháp “tước bỏ quan niệm muốn làm gì thì làm của tập đoàn quân phiệt”.
Biểu tình tiếp tục diễn ra khắp Myanmar hôm thứ Bảy 13-03 sau khi có những lời kêu gọi trên mạng xã hội, thúc giục người dân xuống đường kỷ niệm vụ quân đội bắn chết anh sinh viên Phone Maw năm 1988 trong khuôn viên trường Đại học Công nghệ Rangoon – sự kiện làm dấy lên một phong trào đấu tranh chống độc tài quân phiệt rộng lớn mà đỉnh cao là cuộc nổi dậy 8888 (ngày 8-8-1988). Khoảng 3.000 người Myanmar, phần lớn là sinh viên, đã bị giết khi quân đội tàn sát phong trào biểu tình này.
Từ cuộc nổi dậy 8888, bà Aung San Suu Kyi đã nổi lên như một biểu tượng đấu tranh dân chủ cho Myanmar, thành lập đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ Myanmar (National League for Democracy, NLD) và sau đó bà bị cấm cố tại gia suốt hai thập niên. Năm 2010 bà Suu Kyi được trả tự do khi quân đội Myanmar bắt đầu cải tổ chính trị, thành lập chính quyền dân sự do ông Thein Sein làm tổng thống, thực hiện các cải cách dân chủ. Năm 2015, đảng NLD của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử; và lập lại thành tích này một lần nữa trong cuộc bầu cử ngày 08-11-2020 vừa qua.
Nhưng lần này, phe quân đội đã làm cuộc đảo chính rạng sáng ngày 01-02-2021, ngay trước khi quốc hội khóa mới khai mạc, bắt giam bà Suu Kyi và tất cả các quan chức cao cấp nhất của chính phủ, viện lý do cuộc bầu cử bị gian lận.
Thời khắc tăm tối nhất
Sau đảo chính, dù các nhà lãnh đạo chủ chốt đều bị bắt, đảng NLD vẫn tổ chức một guồng máy điều hành tạm thời, song song với chính quyền do quân đội thiết lập.
Nhà lãnh đạo tạm thời của chính quyền dân sự bị đảo chính lật đổ của Myanmar, ông Mahn Win Khaing Than – đang trú ẩn trong vòng bí mật cùng với các quan chức cao cấp nhất của đảng NLD đã có bài phát biểu đầu tiên với dân chúng trên mạng Facebook. “Đây là thời khắc tăm tối nhất của đất nước và là thời khắc mà bình minh đang đến gần,” ông nói.
Ông Khaing Than được Hội đồng Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) đại diện cho các nghị sĩ dân cử bị cuộc đảo chính phế truất bầu lên làm phó tổng thống lâm thời; hội đồng này đang thúc đẩy việc công nhận là chính phủ hợp pháp và đúng đắn của Myanmar.
Chính phủ lâm thời đã công bố ý định thành lập một nền dân chủ liên bang, và các nhà lãnh đạo của Hội đồng đã gặp gỡ đại diện các tổ chức vũ trang của các sắc tộc thiểu số lớn nhất Myanmar, hiện đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn khắp nước.
“Để thành lập một nền dân chủ liên bang, với tất cả các sắc tộc anh em, những người đang đau khổ vì nhiều hình thức áp bức của chế độ độc tài kéo dài nhiều thập niên, và thật sự mong muốn nền dân chủ, cuộc cách mạng này là cơ hội để chúng ta kết hợp cùng nhau những nỗ lực của chúng ta”, ông Mahn Win Khaing Than nói.
Ông cho biết Hội đồng CRPH sẽ “cố gắng soạn thảo và ban hành những luật lệ cần thiết để người dân có quyền tự bảo vệ chính mình” và công việc hành chính công sẽ được xử lý bởi “một đội hành chính tạm thời của nhân dân”.
Một phong trào bất tuân dân sự, khởi phát từ những người làm việc trong ngành y tế và giáo dục, đã lan rộng thành cuộc tổng đình công, làm tê liệt nhiều hoạt động của nền kinh tế và kéo nhiều mảng công việc chính quyền ra khỏi sự quản lý của quân đội.
Phải phục hồi dân chủ
Cuộc đảo chính ở Myanmar, do quân đội có quan hệ mật thiết với Trung Quốc thực hiện, là một phép thử quan trọng cho các chính phủ dân chủ phương Tây, đặc biệt cho Tổng thống Hoa Kỳ mới cầm quyền, ông Joe Biden.
Tại hội nghị thượng đỉnh (trực tuyến) khối Đối thoại An ninh Tứ Cường(QUAD) hôm qua thứ Sáu 12-03, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cam kết làm việc cùng nhau để phục hồi nền dân chủ của Myanmar.
“Là những người ủng hộ lâu đời của Myanmar và người dân nước này, chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu khẩn cấp phải phục hồi nền dân chủ và ưu tiên củng cố nền dân chủ”, bốn nhà lãnh đạo khối QUAD nói trong thông cáo chung do Tòa Bạch ốc công bố hôm qua.
Trước đó, Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia dân chủ đã lên án vụ đảo chính và ban hành lệnh cấm vận các tướng lãnh Myanmar tiến hành đảo chính. Tòa Bạch ốc cũng đã ngăn cản, không cho tập đoàn quân phiệt Myanmar rút khoản tài sản một tỷ USD của Myanmar gửi tại các ngân hàng Mỹ.
Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an LHQ đầu tuần này đã không thể lên án vụ đảo chính của quân đội Myanmar do có sự phản đối của Nga, Trung Quốc – hai thành viên có quyền phủ quyết – cùng với Ấn Độ và Việt Nam.
Chính phủ Nga – vốn có quan hệ mật thiết với quân đội Myanmar – nói rằng họ rất quan ngại với tình hình bạo lực leo thang ở Myanmar và đang phân tích xem có nên ngừng sự hợp tác về kỹ thuật quân sự với nước này hay không.
Anh Quốc – nước từng đô hộ Myanmar trước đây – hôm thứ Sáu yêu cầu công dân Anh rời khỏi Myanmar vì lo ngại trước tình hình bạo lực leo thang.
Nam Hàn cho biết Seoul sẽ ngừng các cuộc trao đổi về quân sự và xem xét lại viện trợ phát triển cho Myanmar.
Công ty thời trang Benetton Group của Ý thông báo ngừng việc đặt hàng sản xuất áo quần tại sáu nhà cung cấp ở Myanmar.
Hôm qua thứ Sáu, chính phủ Hoa Kỳ quyết định cung cấp quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) cho các công dân Myanmar đang có mặt tại Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết có khoảng 1.600 công dân Myanmar tại Mỹ sẽ được hưởng quy chế TPS, nghĩa là họ sẽ không bị trục xuất và được cấp giấy phép làm việc trong vòng 18 tháng.