Trung bình có một người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi 6 phút rưỡi tại Ấn Ðộ; 15% tai nạn giao thông thế giới hiện xảy ra tại Trung Quốc; thống kê 6.000 cái chết mỗi năm tại châu Á đã chiếm khoảng ½ tỉ lệ tai nạn giao thông thế giới… Ðó là những con số lạnh lùng được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận mới đây…
Dù chỉ có 16% phương tiện giao thông thế giới, châu Á lại chiếm hơn ½ trong 1,2 triệu tai nạn giao thông mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá toàn cầu mỗi năm. Tại châu Á, mỗi năm, hơn 600.000 người bị tử vong và 9,4 triệu người khác bị thương bởi xe cộ. Các con số thống kê khốc liệt này cho thấy đường phố châu Á đang trở thành những con đường nhiều thảm họa nhất thế giới.
Tại Thái Lan, tai nạn giao thông hiện là thủ phạm gây tử vong đứng hàng thứ ba – theo Bộ y tế nước này. Còn ở Trung Quốc và Ấn Ðộ, nơi dân trung lưu đang thi nhau tậu xe mới, tai nạn giao thông đã lên đến mức ngoài tầm kiểm soát. Tỉ lệ sở hữu xe hơi tại Trung Quốc đã tăng 41% từ năm 2009-2020 và trong cùng thời gian, số tai nạn xe cũng tăng gấp đôi, lên đến hơn 83%. Theo thống kê mới nhất, năm 2018, Trung Quốc có 63.194 vụ tử vong và 258.532 người bị thương do tai nạn giao thông.
Trong khi đó, tại Ấn Ðộ, P. K. Sikdar – giám đốc Viện nghiên cứu đường phố trung tâm (nơi tư vấn về giao thông) – cho biết, thảm họa giao thông đã vọt lên bằng tỉ lệ tử vong do thiên nhiên. “Chính xác như đồng hồ, cứ mỗi năm, lại có hơn 80.000 người mỗi năm bị giết trên đường phố” – P. K. Sikdar nói. Ấn Độ đang đứng đầu thế giới. Dù chỉ chiếm 1% phương tiện giao thông thế giới nhưng tỉ lệ tử vong do xe cộ lên đến 11%. Cứ mỗi giờ trôi qua có 53 vụ và cứ mỗi một phút thì có một người tử vong.
Nhìn toàn cảnh, châu Á đối mặt hơn bất cứ đâu trên thế giới về nguyên nhân gây bi kịch giao thông: nạn say rượu, thời tiết xấu và đặc biệt đường phố quá tải. Ðó là chưa kể hành vi khi sử dụng phương tiện giao thông. Cư dân Thượng Hải, Huang Wei, kể rằng trong thời gian học lái xe, cô đã bị người hướng dẫn mắng một trận khi dùng đèn tín hiệu xin phép nhường đường. “Cô làm gì vậy? Ðừng bao giờ dùng đèn signal cả khi muốn rẽ sang tuyến khác. Nếu cô để chiếc xe đằng sau biết cô sắp làm gì, hắn sẽ không bao giờ nhường đường cho cô cả. Hắn sẽ vội vàng nhấn ga tranh đi trước, biết chưa!” – “ông thầy” dạy lái xe đã “mách nước” kinh nghiệm quí báu trên!
Tất nhiên Bangkok chẳng tử tế gì hơn – dù tại vài đoạn đường hoặc giao lộ lớn, người ta thường thấy tấm bảng to: “Xin lái xe cẩn thận. Bật đèn xe. Ðội mũ bảo hiểm. Sở cảnh sát Bang Mod kính chúc quí vị thượng lộ bình an”. Với trung bình 36 tai nạn tử vong giao thông mỗi ngày (!), Thái Lan hiện đứng hàng thứ sáu thế giới về thảm họa đường phố.
Ðầu năm nay, chính quyền thành phố Bangkok đã yêu cầu lắp hệ thống kiểm tra tại nhiều chốt chặn để tống khứ các tài xế say xỉn khỏi vôlăng; tung chiến dịch tuyên truyền kêu gọi lái xe an toàn; vây bắt bọn lõi con khoái làm yêng hùng xa lộ và đưa chúng vào nhà xác, phòng giải phẩu tử thi và cả trại giam để có thể làm chúng “sốc” trước “thực tế đường phố”. Tuy nhiên, đến nay, thành tựu đạt được còn khiêm tốn. “Chúng tôi đã tuyên chiến với thảm kịch giao thông nhưng chúng tôi đã đại bại đến bốn trận trong cuộc chiến này” – lời kể của Nikorn Jamnong, thứ trưởng giao thông-truyền thông, đặc biệt khi nhắc đến số tai nạn giao thông tăng vọt vào những ngày nghỉ lớn.
Bản thân Nikorn Jamnong là người từng thoát chết trong gang tấc từ một tai nạn giao thông. Trên mặt ông, có vết sẹo dài từ thái dương trái kéo xuống tận góc miệng. “34 vết khâu” – ông kể, khi nhắc lại tai nạn cách đây vài năm tại Bangkok, lúc chiếc xe ông bị xe của một thằng nhóc 18 tuổi say rượu va vào. Ðược bổ nhiệm làm chỉ huy chiến dịch ngăn chặn tai nạn giao thông, Nikorn Jamnong thú nhận ông không hy vọng mình chiến thắng và trước mắt cũng chẳng có giải pháp nào có thể đem lại kết quả chóng vánh. Yordphol Tanaboriboon – giáo sư kỹ thuật giao thông tại Viện kỹ thuật châu Á (Bangkok) – nói rằng điều cơ bản ở chỗ tỉ lệ xe gắn máy tại Thái Lan là quá nhiều và nó chính là thủ phạm gây tử vong cao.
Thái Lan có tỷ lệ tử vong do đường bộ tính trên đầu người cao thứ hai thế giới, chỉ sau Libya bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Khi nói đến tỷ lệ tử vong do xe máy bình quân đầu người, quốc gia này là số một! Chính phủ Thái tuyên bố tại một diễn đàn Liên Hiệp Quốc 2015 rằng họ sẽ giảm một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, đường xá Thái Lan vẫn được xếp hạng 10 trong số địa điểm nguy hiểm nhất thế giới, với hơn 20.000 trường hợp tử vong có thể phòng tránh được mỗi năm.
Phần Việt Nam, tai nạn giao thông luôn là bi kịch không có điểm dừng. Những thống kê tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn là con số kinh khủng. Cách đây không lâu, Bệnh viện Chợ Rẫy còn cập nhật hình ảnh lẫn thống kê tai nạn giao thông để bà con sợ mà lái xe cho đàng hoàng. Tuy nhiên, chết vì tai nạn xe cộ vẫn rất khủng khiếp. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam, tính từ ngày 15-12-2019 đến ngày 14-12-2020), toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người…
“Nó (tai nạn giao thông) là mặt tối của phát triển kinh tế” – nhận xét của Hisashi Ogawa, cố vấn về y tế và môi trường khu vực của WHO. Hisashi Ogawa nhấn mạnh rằng tỉ lệ tai nạn giao thông chỉ giảm một khi sau khi các quốc gia nghèo châu Á bắt đầu đủ giàu để xây dựng đường sá tốt hơn và có ngân sách nhiều hơn để kiểm soát giao thông. Tuy nhiên, bi kịch ở chỗ, số người trung lưu châu Á đang bùng nổ cực nhanh và họ thi nhau sắm xe cực nhanh. Theo nghiên cứu Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tỉ lệ phát triển Ấn Ðộ như hiện tại không bị gián đoạn trong thời gian tới, tình trạng giao thông báo nháo tại nước này sẽ tiếp tục đến năm 2049! Hiện tại, mỗi 6½ phút, có một người tử vong vì xe cộ tại Ấn Ðộ.
Hẳn nhiên thủ đô New Delhi là nơi tập trung phương tiện giao thông nhiều nhất. Chen chúc khắp thành phố là 4 triệu xe hơi-xe tải; 600.000 xe gắn máy hai-ba bánh; vô số xe đạp và các loại phương tiện không gắn máy (từ xe bò, xích lô đến xe kéo…). Ðó là chưa kể sự “tham gia giao thông” của động vật, từ bò thiêng, mèo, chó đến khỉ. Cuối cùng, tất nhiên phải kể đến khách bộ hành. Báo chí New Delhi gần đây đã mệnh danh thành phố họ là “nghĩa địa của khách bộ hành”.
Theo Sở giao thông New Delhi, gần ½ trong 1.700 nạn nhân tử vong vì xe cộ vào năm 2019 là người đi bộ! Nhiều loại xe sản xuất trong nước lại không hề được kiểm tra an toàn và cho đến cách đây vài năm, xe hơi Ấn Ðộ còn chưa có thắt lưng an toàn. Ngoài ra, đội cứu thương chuyên trách tai nạn giao thông do chính quyền New Delhi tài trợ chỉ có 35 xe, cho một thành phố 15 triệu dân. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ½ nạn nhân bị tai nạn xe đã chết trên đường đến bệnh viện.
Tai nạn giao thông ảnh hưởng đáng kể đến tổn thất ngân sách. Theo WB, thiệt hại hàng năm do tai nạn giao thông thế giới đã chiếm 1-2% GDP toàn cầu. Tại châu Á, tỉ lệ trên có thể cao hơn, phần do ¾ nạn nhân tai nạn giao thông là người dưới 45 tuổi, gây ảnh hưởng không ít đến lực lượng lao động. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các nước thành viên Hiệp hội các nước Ðông Nam Á (ASEAN) đã mất khoảng 11 tỉ USD vào năm 2020 do tai nạn giao thông.