Karaoke hay tra tấn đời nhau?

Karaoke bất kể giờ với âm thanh như tra tấn (Ảnh: Internet)

NHƯ HỒ

Đó là câu hỏi được nhiều người Việt Nam đặt ra, nhưng giờ đây, nó đã trở thành đề tài bàn tán của những người nước ngoài đến Việt Nam, chứng kiến với sự ngạc nhiên. Bài viết của tác giả Sen Nguyễn tường thuật lại trò giải trí này trên tờ South China Morning Post, từ cái nhìn nhiều phía là một trong những ví dụ.

Ở Việt Nam, ca hát ồn ào quá mức đang trở thành kẻ thù công khai số một của quần chúng.  Đất nước được coi là chặn sự lây lan của coronavirus rất tốt, nhưng việc ngăn chặn tai họa hát karaoke ồn ào là điều gần như không thể. Thậm chí, trong một số trường hợp, các bữa tiệc karaoke ồn ào đã dẫn đến phản ứng có tính bạo lực từ những người chịu đựng. Hiện đang có cả những lời kêu gọi nên ngăn chặn trò tiêu khiển này.

Nguyễn Minh Giang, một cư dân của Sài Gòn nói cô không phải là người thích ca hát nhưng lại rất thích xem người khác cầm micro trình diễn như một ca sĩ vậy – nhất là khi các cuộc khẩu chiến bùng phát từ những buổi tụ tập hát karaoke gần nhà mình. “Ban đêm người ta hát bên kia sông, người ở chung cư tôi bên này chửi bới vọng qua”, cô gái 33 tuổi nói, và cho biết thêm, chuyện hát karaoke trong xóm trọ của cô diễn ra thường xuyên. Chuyện ca hát diễn ra cả ban ngày và ban đêm, thường từ khoảng 2:30 chiều đến 6 giờ chiều các ngày trong tuần và lâu hơn nữa vào cuối tuần, cô Giang kể. Đó là toàn bộ khung cảnh đời sống mà cô đã phải chịu đựng trong hai năm nay, mặc dù rất cố gắng kiên nhẫn, cô nói “Nhiều khi họ chơi, nhạc quá to, tôi khó nói chuyện với mọi người trong nhà và nghỉ ngơi ”.

“Đấu karaoke” cũng là chuyện thường thấy ở Việt Nam hiện nay (Ảnh: Internet)

Mặc dù Việt Nam được ca ngợi là một trong những ví dụ điển hình về việc tổ chức ngăn chặn bệnh từ coronavirus, nhưng quốc gia này kể như đã thảm bại trong cuộc chiến chống lại một đại dịch khác đã hoành hành người dân trong nhiều năm: dịch hát karaoke ồn ào quá sức chịu đựng. Nếu tiếng còi xe máy là bài ca trong cuộc sống hàng ngày của Việt Nam, thì tiếng hát karaoke là điệp khúc – một cách lộn xộn và lặp đi lặp lại, người dân đô thị bị buộc phải nghe nó, đau hết cả đầu.

Tháng 11 năm ngoái, người dùng mạng xã hội bày tỏ sự thương cảm thay vì chế nhạo một người đàn ông ở thủ đô Hà Nội, khi anh này bị công an bắt vì tội đã ném bom xăng vào hàng xóm của mình, một người vẫn tiếp tục gào thét những giai điệu karaoke, bất chấp những lời phàn nàn van xin của anh ta.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2019, một người đàn ông ở trung tâm thành phố Huế đã dùng dao đâm hàng xóm của mình, thậm chí với sự giúp đỡ của hai người bạn, sau khi họ van nài nhà kế bên giảm âm lượng trong buổi hát karaoke của họ. Một vụ đâm chém nhau khác cùng vì ồn ào trong quán karaoke xảy ra tại tỉnh Bến Tre, thuộc đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 3 cùng năm.

Karaoke, bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1970 và có nghĩa như “không cần dàn nhạc” trong tiếng Nhật, hiện có thể được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, nhưng nó đặc biệt phổ biến ở châu Á. Giờ đây bùng phát ở Việt Nam.

Mặc dù hiện trạng của nạn karaoke đôi khi được kết hợp với những ca sĩ lạc nhịp, đôi khi say xỉn, nhưng các tác giả của cuốn sách Karaoke: The Global Phenomenon năm 2007 cho biết nó cũng hình thành những ý nghĩa văn hóa cụ thể ở bất cứ nơi nào nó xảy ra. Ví dụ, ở Trung Quốc, karaoke gắn kết toàn bộ gia đình với nhau, giúp họ thu hẹp khoảng cách thế hệ khi cuộc sống hiện đại đe dọa cấu trúc gia đình mở rộng truyền thống, họ nói.

Tại Nhật Bản, phụ nữ Nhật Bản lớn tuổi xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua việc theo đuổi chung sở thích hát karaoke, theo một nghiên cứu năm 2019 do Đại học Quốc gia Singapore công bố. Ở châu Âu và Mỹ, karaoke đã trở nên phổ biến trong các quán bar và quán rượu.

Ở Việt Nam, các quán karaoke cho thuê phòng riêng theo giờ hết sức phổ biến, và các xe karaoke di động kiếm sống nhờ những ai xuất thần muốn thể hiện nội tâm của mình như một ca sĩ, thường là ở các tụ điểm uống bia ngoài trời. Tại nhà, nhiều bữa tiệc gia đình biến thành các buổi hát karaoke.

Nhưng nhiều khi các bữa tiệc karaoke ở Việt Nam trở thành những cuộc đột kích âm thanh vào những người khác, kích động họ đến mức xảy ra những hành vi quá khích bạo lực trong một số trường hợp. Và giờ đây, các học giả và chính trị gia đã tham gia cùng các công dân thường xuyên kêu gọi hành động giảm bớt chuyện lạm dụng âm thanh karaoke – không chỉ ở Việt Nam, mà trên cả toàn Đông Nam Á.

Hát không cần có khán giả nghe, cũng là một trạng thái của karaoke (Ảnh: Internet)

Tháng trước, Kelvin Seah Kah Cheng, giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, đã viết một bài đăng trên trang web Channel News Asia kêu gọi mọi người giảm âm lượng hát karaoke ở nhà, đặc biệt là trong thời gian bị cách ly bởi coronavirus. Trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 9 năm ngoái, Jonvic Remulla, thống đốc tỉnh Cavite ở Philippines, còn kêu gọi công chúng nên gọi báo với cảnh sát địa phương những ai hát karaoke ồn ào quá thể.

Mặc dù tác động cụ thể của tiếng ồn karaoke đối với sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đủ, nhưng ô nhiễm tiếng ồn nói chung được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng trong nước. Một nghiên cứu năm 2017 của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường Quốc gia cho thấy từ 10 đến 15 triệu người ở Việt Nam, trong tổng số 96 triệu dân, thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn quá mức. Nghiên cứu cho biết mức độ tiếng ồn tại nhiều điểm ở cả Hà Nội và Sài Gòn, hai đô thị lớn nhất, đều vượt quá mức 70 decibel an toàn.

Nguyễn Minh Hằng, 28 tuổi, hiện làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Sài Gòn, cho biết mình vốn là một người di cư mới đến. Cô kể: “Tôi đã nghĩ đến việc gọi công an trình báo hàng xóm của mình, nhưng tôi không muốn gặp khó khăn với láng giềng về sau, và làm phiền chủ nhà mà tôi đang thuê. Còn bây giờ, tôi đành phải học cách sống chung với nó vậy, nó như tra tấn”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: