“Đoàn học sinh Mai Khôi trên đường tương lai reo vui”…

Như chỉ mới hôm qua – Ký ức Sài Gòn
Trường Mai Khôi trước 1975 – Ảnh tư liệu

Hồi 1969, bảy tuổi, đang học lớp Tư (nay là lớp Hai) trường bà soeur bên hông nhà thờ Vinh Sơn 3, tôi bị bịnh nám phổi. Bác sĩ bảo: “Thằng bé này thức khuya chơi đùa la hét quá nên phổi nám (!)”. Có lúc thấy tôi nằm ngồi lom khom người trên giường thở hắt, mẹ tôi ứa nước mắt vuốt lưng cho tôi, bảo ba tôi: “Chắc con không qua khỏi đâu ông ạ”.

Chạy chữa khắp nơi, trong đó nửa năm ở nhà thương Đại Hàn – gần ngã tư Bảy Hiền, góc trường Nguyễn Thượng Hiền hiện nay (giờ là bệnh viện Tân Bình). Tuần chích ba lần, mũi kim to như kim chích heo. Chị Huynh tôi đưa đi. Tám, chín giờ là chích xong, hai chị em đi xe lam từ ngã tư Bảy Hiền đến trường vẽ Gia Định. Đi xe lam tiếp đến Ngã Năm Bình Hòa (nay thuộc Bình Thạnh); xuống xe, đi bộ theo đường Phan Văn Trị chừng 100 m là tới nhà chị ruột tôi. Nhà chị đối diện một nghĩa địa lớn, cuối nghĩa địa có một ngôi chùa cổ Tập Phước. Nghĩa địa hiện đã giải tỏa, còn ngôi chùa. Nhà chị (đã bán sau 1975) hiện đối diện chợ Phan Văn Trị, mặt tiền.

Tiền thân của trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) – Ảnh tư liệu

Chùa Tập Phước gần cuối một nghĩa địa lúc ấy khá hoang tàn, tường rào xi măng đúc hình quả trám xiêu đổ. Từ nhà chị đi tiếp nữa chừng 100 m nữa mới tới. Chùa rất xưa, cũ kỹ; không ở mặt tiền mà lùi vào trong. Tôi không dám vô chùa lần nào vì phải qua nghĩa địa mà lúc ấy buổi trưa đường Phan Văn Trị rất vắng người qua lại. Nghe chị nói chùa mấy trăm tuổi rồi. Khu nhà này toàn nhà giống nhau: trệt, mái tôn. Có một con hẻm bên hông rộng 4-5 m. Trong nhà chị có một cái giếng ở sân sau. Trước nhà cũng có sân. Chị tôi đưa tôi sang đó cho thoáng, dễ thở, trưa về.

Lúc ấy, tôi phải nghỉ học mấy tháng. Bớt bịnh, tôi sang học tiếp lớp Tư (nay là lớp Hai) trường Tân Chí Linh, chỉ vài tháng tôi đã bắt kịp bạn bè, lên lớp Ba (nay là lớp Ba). Mẹ tôi bảo ba tôi: “Trẻ con xóm này toàn nghịch ngợm, đánh nhau. Cho nó học ở đây không được. Phải cho nó sang trường Mai Khôi học để đằm tính lại”. Trường Tân Chí Linh chỉ cách nhà tôi hơn 100 m, ra chơi dễ… trốn học. Trường Mai Khôi thì xa gần cây số, cửa nẻo kín mít.

Nhà tôi gần rạp Đại Lợi, đi bộ đến trường gần một cây số. Có lúc tôi đi thẳng lên Ngã Ba Ông Tạ, từ đó đi đủ hẻm để ra đường Thánh Mẫu: hẻm Bác Sĩ Bảy, hẻm Kim Yến, hẻm Sao Mai, hẻm An Tôn… Có lúc không hiểu sao lại đi vòng chợ Ông Tạ, ngõ Cổng Bom…, theo hẻm Tám Thơm ra đầu trường Thánh Tâm (nay là trường Tân Bình) rồi đi tiếp. Có lúc chẳng hiểu sao lại đi vòng từ hông nhà thờ Vinh Sơn 3 theo đường hông hồ tắm Cộng Hòa, đến trường bằng hẻm phở Hồng Châu… Lại có khi đi hẻm ấp Hàng Dầu ra ngõ Con Mắt, qua cà phê Ngự Uyển, Mây Chiểu rồi đi tiếp, xa thêm gấp rưỡi đường. Có lẽ trẻ con tò mò, đi lung tung. Nhờ vậy, tới giờ tôi còn thuộc hết đường ngang ngõ tắt, hẻm hóc khu vực này.

Đây là một ngôi trường vốn dành cho… nữ sinh. Giáo viên hầu hết là cô giáo, trong đó có các sơ (soeur) mà chúng tôi lúc đó gọi là dì. Trường thuộc Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, gốc Bùi Chu, theo dòng di cư vào Nam. Đến 1956, nhà dòng mua khu đất 552 đường Thánh Mẫu (nay là 123 Bành Văn Trân), dựng tạm một ngôi nhà bằng gỗ mở Trường tiểu học Vũ Ngọc Hoàn (tên linh mục bề trên nhà dòng thời kỳ 1952-1953). Năm 1958, hai năm sau, trường được xây kiên cố và đổi tên thành Trường trung tiểu học Mai Khôi (ngôi trường này tồn tại mãi đến 2020 mới phá bỏ và 2021 xây mới).

Trường có khu ký túc xá phía sau dành cho các đệ tử (chị em dự tu) tá túc, sau cho cả học trò ở xa hoặc gần đó nhưng cha mẹ muốn gửi con nội trú. Học trò đứa nào không ngoan, bị phạt “cấm túc”, cuối tuần không được về nhà. Có lần tôi thấy một đứa bạn bị phạt như vậy, thấy bạn bè ôm tập vở, quần áo về, mắt nó đỏ hoe… Nghe nói đêm đó, thứ bảy chủ nhật cuối tuần, nó khóc cả đêm vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em…

Bố mẹ cô giáo tôi, giáo sư Bùi Ngọc Liên – Nguồn ảnh: PHẠM THỊ KIM MAI

Cổng trường theo kiểu cổng tam quan, giữa là cửa chính rộng cho học sinh ra vào, hai bên là cửa nhỏ có lẽ cho các thầy cô, dì sơ, phụ huynh đi khi giờ học đã bắt đầu. Tất cả đều dùng cửa sắt kéo, lúc ấy là hiện đại lắm. Trên cổng có tên trường đặt trên bệ hình chữ V bẹt – chắc là Vân Côi; na ná cổng trại Trần Hưng Đạo – Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) xéo đầu đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai).

Trường Mai Khôi dạy trung tiểu học, từ mẫu giáo đến Đệ Tứ (lớp Chín hiện nay). Thoạt đầu trường chỉ nhận dạy nữ sinh, sau nhận cả nam, nhưng chỉ đến lớp Nhất (lớp Năm hiện nay). Tiểu học thì nam quần short xanh, sơ mi trắng; nữ váy xanh, áo trắng. Từ lớp Đệ Thất (nay là lớp Sáu) chỉ còn các nữ sinh, áo dài trắng-quần đen và ngoài bảng tên trường, ngực áo các chị cài thêm một cánh hoa hồng màu đỏ (logo nhà trường và nhà dòng) bằng nhôm. Khi nhận thêm nam sinh, trường vẫn dạy môn nữ công, cụ thể là khâu vá. Tôi còn nhớ tới giờ mấy mũi khâu vá ấy như mũi mắt xích, mũi liên hoàn… Được đâu một, hai năm thì bỏ, thay bằng vẽ, thủ công. Lý do: đám học trò nam toàn lấy kim… đâm nhau (!).

Vào qua cổng trường là một khu vực trống để xe. Hai bên là văn phòng và phòng giám thị. Hồi tôi học, hiệu trưởng là dì Lại Thị Hương, sau là dì Hoàng Thị Sự; giám học (phụ trách học vụ, chuyên môn) là dì Bùi Thị Nhị; giám thị là dì Vũ Thị Thúy, ít khi cười – học trò đứa nào cũng sợ cây roi mây “ác liệt” của dì Thúy. Phòng giám thị tôi chưa từng bị điệu cổ vô, chỉ thỉnh thoảng lấm lét nhìn vào trong giờ ra chơi khi dì Thúy “làm việc” với một học trò nào đó đang ngồi trên ghế dài, khoanh tay, mặt mũi tái mét. Có lúc tôi thấy mấy chị áo dài bị quỳ quay mặt vào tường trong đó nên sợ lắm.

Văn phòng thì vui hơn. Đó là nơi đóng học phí 400 đồng/tháng (một gói xôi cụ Ngoạn ở ngã ba Ông Tạ lúc ấy là 10 đồng) và nhận sữa, bánh mì miễn phí vào giờ ra chơi. Sữa mỗi lớp có một sô ướp lạnh sẵn, uống rất thơm và béo ngậy; rót từ một chiếc xe bồn màu xanh lá, có dòng chữ Foremost đậu trong sân trước. Bánh mì từng ổ lớn, thơm phức, đặc ruột, dài năm sáu tấc (50-60 cm), cắt khúc bỏ vào từng sọt (cần xế) mang về lớp. Mỗi trò phải uống một ly sữa và ăn hết khúc bánh mì đó. Ban đầu thì ngon, một thời gian sau ngán quá, có đứa lén đổ sữa, vứt bánh vào sọt rác; tệ hơn là tạt sữa nhau… Nhiều đứa vo cục bánh mì ném nhau lung tung. Thế là ăn roi, quất nổi lươn, nhẹ thì quỳ gối.

Bà cố Tuyển, mẹ Đức cha Bùi Tuần, bà nội cô giáo tôi – Nguồn ảnh: PHẠM THỊ KIM MAI

Hầu hết gia đình quanh khu vực này đều đưa con vào đây học. Trường cơ bản là nữ sinh nhiều nên phong trào văn nghệ sôi đông lắm: lúc thì chiếu phim “Vua hề Sạclô” (Charlot, Charlie Chaplin), lúc thì coi diễn xiếc, ảo thuật… Có năm lại đốt lửa trại giữa sân trường và sinh hoạt băng reo, trò chơi tập thể… rất vui. Dịp lễ tết, Noel hay Lễ bổn mạng nhà trường, các chị nữ sinh tập suốt ngày những tiết mục văn nghệ ca múa đủ cả, từ đồng dao “Ông Ninh ông Nang”, “Ươm tơ tằm, ta kéo tơ dệt áo…” đến ca múa hoạt cảnh “Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà, diệt thành trì toan xéo giày lăng miếu…”.

Trong trường không hiểu sao trồng toàn cây bã đậu, gai đầy thân, không biết có phải để… phòng chống học trò leo cây không. Góc trường có một cầu tuột, giờ ra chơi chỉ toàn học trò lớp dưới chơi. Tôi học lớp Bốn, rồi lên lớp Năm, là đàn anh đám trẻ rồi, không chơi trò ấy.

Sáng thứ Hai, trước giờ học là lễ chào cờ. Chào cờ xong, cả trường đồng ca “Mai Khôi hành khúc”:

“Hương bay khắp trời tựa như đóa hồng rung rinh trong gió.

Hòa ngàn câu ca vang trong mây tràn lan khắp nơi.

Tương lai sáng ngời tựa như đóa hồng khoe tươi trong nắng,

Đang như mong chờ ta đi lên hướng dẫn cho đời.

Mai Khôi ơi ta là hương thơm tới muôn người.

Mai Khôi ơi ta là hương gieo rắc cho đời, con đường ngày mai đẹp tươi đang đón chờ ta.

Mai Khôi ơi đem tình yêu thương đến muôn nhà.

Mai Khôi ơi mang tình yêu tô thắm sơn hà, để người Việt Nam mọi nơi biết sống an hòa”.

Một bài hành khúc nữa gọn hơn, nhiều học trò thuộc hơn: “Đoàn học sinh Mai Khôi trên đường tương lai reo vui. Non nước tưng bừng đón chào. Chúng ta đi lên một lòng cùng. Ánh vinh quang đợi ta về tô thắm sơn hà. Cùng thi đua chuyên chăm trên đường tương thân cố gắng. Mai mốt trên con đường xa. Bước hiên ngang xông pha đời ta vui tươi. Ta thành công, ngàn năm lừng tiếng non sông...”.

Dứt bài, dì phụ trách cầm micro hô lớn: Mai Khôi! Cả đám học trò đáp: Quyết tiến. Ba lần. Nói như bây giờ thì “khí thế” lắm.

Tôi học ngôi trường này hai năm lớp Bốn, lớp Năm. Bạn bè có đứa tới giờ vẫn chơi với nhau: Vũ Phạm Nghĩa (hiện là hiệu phó trường Nguyễn Hiền), Hoàng Hải Triều (con nhà văn Hoàng Hải Thủy), Đặng Duy Đạo… Có cả con gái đại tá VNCH Lý Trọng Mỹ – nhà đối diện xéo cổng trường.

Tôi học lớp Bốn. Ba lớp Ba, Bốn, Năm cạnh nhau. Cô giáo lớp Ba là cô Mến, dạy học trò nghiêm mà vui vui, học trò thích cô lắm. Cô Mến là bạn cô Mai Phương dạy tôi. Cô giáo lớp Năm (niên khóa 1972-1973) là cô Trần Thị Ca, nhà ở đường Bùi Thị Xuân hiện nay. Cô Ca nghiêm tính, tóc uốn phi dê, tướng to khỏe, giọng vang. Học trò sai phạm, cô nọc ra quất roi ngay. Có lần đánh một hơi cả chục đứa, phát hiện có đứa sợ đau, lót vở trong quần, cô lấy vở ra: “À, cái thằng này…”, quất thêm vài roi. Có lần, cô điệu cổ “năm ông tướng” lên bục giảng, tát. Cô khỏe, tát đau quá, tôi ứa nước mắt.

Cô Ca bảo: “Thằng Công này còn khóc là còn dạy được, mấy đứa kia, vất!”. Nhờ cô nghiêm tính vậy, nhiều đứa học trò của cô học hết tiểu học, đậu thẳng vô trường công Tân Bình (nay là Nguyễn Thượng Hiền) lúc ấy vốn rất khó vào. Bố mẹ tôi nài nỉ cô đến nhà ăn một bữa cảm ơn. Tối hôm trước, cả nhà tôi không ngủ được vì cô nhận lời. Từ sáng sớm, cả nhà đã dậy tất bật làm bữa cảm ơn cô. Năm ấy, thi vào trường Tân Bình hơn 3.000 thí sinh, lấy 300. Tôi top 10 hay hạng mười mấy gì đó không nhớ… Thủ khoa năm đó là bạn tôi, Nguyễn Duy Năng.

Khác cô Ca, cô giáo lớp Bốn của chúng tôi là cô Bùi Thị Mai Phương, dáng nhỏ nhắn trong tà áo dài tha thướt, da trắng, gò má hơi cao, đỏ hồng. Trong mắt học trò chúng tôi, cô Mai Phương đẹp lắm, đẹp như thiên thần. Nhiều lần tôi lẳng lặng đi theo cô vào ngõ An Tôn để biết nhà cô ở đâu. Cô năm đó mới 19 tuổi, chưa hề qua trường lớp sư phạm nào, học xong tú tài là đi dạy luôn. Thế nhưng, chắc chắn kỹ năng sư phạm lớn nhất của cô với chúng tôi là cô thương học trò lắm. Lớp trên dưới 70 học trò mà cô phê học bạ từng đứa rất cụ thể. Tôi từ hạng 13 rớt xuống hạng 16, cô phê: “Lùi rồi, cố lên Công”; lên hạng, cô phê: “Chăm ngoan”… Học trò đông, cô vẫn nhớ tên, tính tình, học lực từng đứa. 50 năm sau, cô vẫn nhớ tôi: “Công học giỏi. Nhưng lúc đó Công giỏi toán hơn giỏi văn”. Hồi cấp ba, tôi học ban Toán trường Nguyễn Thượng Hiền chứ không phải ban Văn.

Cô giáo Mai Phương của tôi hiện ở Mỹ và tập Ông Tạ 1.

Khi học trò nghịch, ồn ào, cô giận, má ửng đỏ, nhưng hầu như chả bao giờ đánh đứa nào. Nhà cô vốn toàn những bậc tu trì, ai cũng lành tính. Bà nội cô là bà cố Tuyển, nhà số 55 đường Thánh Mẫu. Bà cố có con cả là linh mục Giacôbê Bùi Châu Thi, giáo sư Đại chủng viện Huế và Đại chủng viện Thánh Giuse-Sài Gòn, Đại học Minh Đức. Ba cô là con kế, giáo sư Bùi Ngọc Liên, dạy Sử-Địa trường Mai Khôi, Đắc Lộ (nay là trường Ngô Quyền). Con thứ ba của bà cố năm nay 94 tuổi, nguyên Giám mục Long Xuyên Bùi Tuần mà nhà thơ, nhà giáo Lê Đình Bảng, nhà gần đó, bảo ngài là “người không ngủ”vì lúc nào cũng thao thức (ngài là tác giả bộ sách “Thao Thức” 2.500 trang, đã xuất bản ở Việt Nam), hiện vẫn viết “Lời Chúa” hằng tuần trên báo Công giáo và Dân tộc. Con út của bà là thầy Bùi Anh Thái, gương mặt đẹp như công tử, sắp chịu chức linh mục thì bị chết đuối ở Lạc An, Biên Hòa.

Cô có mấy em là cô Phi, cũng dạy trường Mai Khôi, cô Vân… Nhà cô khi tôi học đã chuyển từ đường Thánh Mẫu vào ngõ An Tôn. Từ đường Thánh Mẫu ra Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám). Nhà cô bên tay trái, cạnh một con hẻm nhỏ: một ngôi nhà có sân khá rộng, trong có một cây khế. Khi tôi học cô, 1971, cây khế đã lớn lắm rồi. Vậy mà cô định cư bên Mỹ từ năm 1993, chủ nhà sau là bố mẹ bạn Chi – cùng lớp với tôi, học trò cô – vẫn giữ cây khế ấy. Thật lạ, tới giờ, vào mùa cây khế cổ thụ khéo đến 60 tuổi ấy vẫn ra trái trĩu cành.

Cô Mai Phương là cô giáo luôn trong tâm tưởng của tôi. Năm 1989, khi đã ra trường 17 năm, là phóng viên, là “anh Cỏ Cú” báo Mực Tím, tôi viết một bài thơ về cô đăng báo Khăn Quàng Đỏ:

VẦNG TRĂNG TUỔI NHỎ

(Kính tặng cô giáo B.T.M.P, trường M.K mười bảy năm xưa)

Một vầng trăng

Một vầng trăng trong veo!

Đã soi em

Suốt một thời tuổi nhỏ

Vầng trăng… Vầng trăng đó!

Có khi nào em quên

Như ca dao của mẹ

Những ngày ấy êm đềm

Em mở trang vở học

Vầng trăng treo thênh thang

Em vào qua cửa lớp

Như đi trong mùa vàng

Cho em màu sáng mới

Và khoảng trời bình yên

Đất cựa mình rộng thêm!

Lớn bao giờ chẳng rõ

Suốt một thời tuổi nhỏ

Có khi nào quên đâu

Cô là vầng trăng đó

Mát rượi, trôi trên đầu

*****

Lời mời gọi cùng viết về “Ký ức 30 tháng 4”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: