Rất nhiều người không hiểu nhiều về Phong trào Du Ca Việt Nam trước năm 1975, thường hay thắc mắc tại sao một phong trào sinh hoạt lại phải xin giấy phép hoạt động của Bộ Giáo Dục và Thanh Niên VNCH.
Đây cũng là một trong những điểm mà sau năm 1975, phía tuyên truyền của chế độ mới luôn chụp mũ phong trào du ca, gọi đó là âm mưu dài lâu của của CIA, của tình báo VNCH… Trong thời gian tuyên truyền để hủy diệt các danh tính văn hóa của miền Nam, chiến dịch bắt giữ và kết tội các văn nghệ sĩ miền Nam, phát động từ ngày 3-4-1976, Nguyễn Đức Quang cũng bị lực lượng quân quản tìm tới, cùng số phận với Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang… Sau đó ông đi tù 3 năm.
Theo thông tin từ ông Hoàng Ngọc Tuệ, cựu chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên của PTDCVN và ông Nguyễn Thiện Cơ, một trong những người khởi xướng phong trào cho biết, ngày 24-1-1969 là ngày có giấy phép hoạt động của phong trào. Ông Hoàng Ngọc Tuệ là chủ tịch 2 nhiệm kỳ đến năm 1972, sau đó là ông Đỗ Ngọc Yến phụ trách vị trí đó cho đến tháng 4-1975. Sau đó, di tản sang Mỹ, ông Đỗ Ngọc Yến với tư cách là người sáng lập báo Người Việt ở Little Saigon có tập hợp và tổ chức cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nhiều chương trình ở quận Cam, thủ phủ của người Việt tỵ nạn.
Phải có giấy phép, vì tính trách nhiệm của những người tổ chức PTDCVN đưa người đi biểu diễn khắp nơi, tổ chức xây dựng phân ban ở các tỉnh… nếu không rõ được nhóm hành động này thuộc về ai, trong bối cảnh chiến tranh leo thang, và khủng bố trong miền Nam xuất hiện nhiều, một căn cước chung để an toàn và hợp pháp các hoạt động tập hợp con người ở các tỉnh, qua các chương trình văn nghệ, là cần thiết. Hơn nữa, khác hơn các sinh hoạt văn hóa ngẫu hứng, PTDCVN có kết nạp thành viên theo tôn chỉ xây dựng quê hương, tình đồng bào và chán ghét mọi âm mưu đang đặt trên đất mẹ.
Khác với các nhóm nhạc, ca sĩ… bình thường, PTDCVN không có nhiều băng ghi âm để lại theo kiểu phòng thu, phần lớn là thu ngay tại chỗ qua băng cassette và chuyền tay nhau. Hầu hết chứng phẩm của PTDCVN là các nhạc tập. Có cả thảy 10 nhạc tập đã ra đời như vậy:
1. Chuyện Chúng Mình (1960-1964),
2. Trầm Ca (cũng là tên của phong trào lúc khởi đầu, nhiều bài để đời của Du Ca xuất từ đây với Việt Nam quê hương ngạo nghễ, Chiều qua Tuy Hòa, Tiếng hát tự do…),
3. Những Bài Ca Khai Phá,
4. Cần Nhau (đây là tập được khán giả hâm mộ với nhiều bài được ghi âm với ca sĩ thịnh hành, như Vì tôi là linh mục, Bên kia sông, Cần nhau…),
5. Thỏ Thẻ Loan Phòng (hay Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc),
6. Khúc Nhạc Thanh Xuân,
7. Hương Đồng Quê,
8. Khúc Ca Mùa Lễ,
9. Ruồi và Kên Kên,
10. Dưới Ánh Mặt Trời.
Ba nguyên tắc của Du Ca lúc đó, là (1) Ăn mặc giản dị , nhạc cụ đơn giản. (2) Bất cứ một buổi trình diễn nào của ban Du Ca , bao giờ cũng có những màn hát cộng đồng . Người trình diễn hát với người nghe , người trình diễn dạy cho người nghe ngay tại nơi trình diễn và tất cả cùng hát . (3) Phải tạo ra các sinh hoạt cộng đồng , mới tác động được tinh thần dân tộc và khai phá . PTDCVN chính là hình thái cách tân của các Troubadours (người hát rong) ở Châu Âu thời trung cổ.
Nhưng quan trọng nhất, ý niệm của Du Ca là hát với đời, với hiện thực.
Một trong những bài của dòng Du Ca, tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, rất thú vị là bài Ruồi và Kên Kên. Đây là một nhạc tập được hoàn tất năm 1970, gồm 11 bài, là những ca khúc bi phẫn về những vấn đề lớn nhất trong một khung cảnh chính trị và xã hội đen tối nhất của cả 2 miền đất nước : Im Lặng Là Ðồng Lõa, Ruồi Và Kên Kên, Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Phòng Thí Nghiệm Công Cộng, Vụ Án Cuối Cùng… Cho đến nay, lời và suy nghĩ của các ca khúc này vẫn còn đầy giá trị chứng hiện.
Đất nước và nhân dân thì vẫn vậy, dù hôm qua đi chân đất, ngày nay đã ngồi trên xe hơi, những khổ nạn không lời vẫn diễn ra, vẫn giày xéo tâm can của bất kỳ ai có trái tim thao thức như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Kẻ hèn, bọn nịnh bợ, lũ âm mưu quyền lực vẫn dẫy đầy, dù tên gọi khác hay hình dạng khác.
Thử nghe lại Ruồi và Kên Kên của đầu thập niên 70, để thấy.