Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ được mua với giá 3,1 triệu USD

Họa sĩ Mai Trung Thứ, ảnh chụp năm 1964.

Giới hội họa thế giới trong phòng đấu giá đã vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt sau khi giá chốt hạ cho bức tranh “Chân dung Madam Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906- 1980) chấm dứt ở sàn đấu giá Sotheby’s tại Hong Kong. Con số cuối cùng choáng ngộp là 3,1 triệu USD (khoảng 72 tỷ VNĐ).

Sự kiện diễn ra tại phiên đấu giá có tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của nhà Sotheby’s diễn ra từ lúc 18h30 ngày 18/4/2021.

Đó là giá bức họa “Chân dung Madam Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906- 1980), một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Đây cũng là trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương, do Victor Tardieu (người Pháp) làm Hiệu trưởng. Mai Trung Thứ cùng lứa với các họa sĩ kỳ tài Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ…

Portrait De Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương, sơn dầu, 135,5cm x 80cm, 1930)

Bức Chân dung cô Phương được Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, khi ông là giáo viên dạy vẽ tại Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Nó xuất hiện lần đầu tại triển lãm của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội năm 1930. Sau đó xuất hiện tại Exposition Coloniale Internationale (Triển lãm thuộc địa quốc tế) ở Paris năm 1931, được một nhà sưu tập người Pháp mua.

Bức họa này trước đó thuộc quyền sở hữu của một nhà sưu tập người Pháp gốc Việt, Madam Dothi Dumonteil. Tên tiếng Việt của bà là Đỗ Thị Lan, sinh ra vào đầu thập niên 50 trong một gia đình truyền thống ở Huế. Sau khi mất người thân trong cuộc chiến hỗn loạn tại quê nhà vào khoảng những năm 1960, Madam Dothi được đưa đến Pháp vào năm 12 tuổi. Madam Dothi từng là một người mẫu thời trang cao cấp, được trình diễn trên sàn catwalk của các nhà Couture danh tiếng lúc bấy giờ như Chanel, Pierre Cardin, Dior; và là một trong những “nàng thơ” của nhà thiết kế thời trang lừng danh người Pháp Yves Saint Laurent (1936-2008).

Bức họa “Chân dung Madam Phương” đã được triển lãm lần đầu tiên tại trường Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1930, trước khi sang Paris tham dự Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa năm 1931. Tác phẩm cũng xuất hiện trong các phân cảnh của phim “Mùi Đu Đủ Xanh” năm 1993 (đạo diễn Trần Anh Hùng), như một biểu tượng văn hóa Việt trong tác phẩm điện ảnh danh tiếng một thời này.

Nhà nghiên cứu Phạm Long từ Việt Nam có nhận định rằng: “Bức tranh được vẽ ngay khi Mai Trung Thứ mới tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng đã cho thấy một tài năng nổi bật và nhiều tiềm năng, nhất là với đề tài người nữ. Tác phẩm mô tả một thiếu nữ An Nam với gương mặt đoan trang, yêu kiều, một dáng ngồi đài các, thoải mái với trang phục tân thời, thanh lịch, toát lên vẻ thanh tao, sang trọng, cuốn hút những ai yêu cái đẹp nhẹ nhàng, trữ tình, nền nã và chuẩn mực. Hòa sắc mát dịu cũng góp phần ru hồn người xem vào miền thanh tân quý vãng. Bố cục hình tam giác cân càng củng cố thêm sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật”.

Ngay từ những năm 1930, họa sĩ Mai Trung Thứ đã tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như: Ý- Bỉ- Mỹ và ở Pháp, nơi ông định cư sau này (kể từ năm 1936). Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại Paris, thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài…

Bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ

Giá bán được của bức tranh Portrait De Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương, sơn dầu, 135,5cm x 80cm, 1930) không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia về tranh lão luyện. Tranh Việt Nam với các họa sĩ từ thời Đông Dương luôn có giá và được hâm mộ trên thị trường. Trước đó, quán quân về giá bán đang thuộc về bức Khỏa thân (sơn dầu, 90,5cm x 180,5cm, 1931) của Lê Phổ, từng bán gần 1,4 triệu USD tại Christie’s Hong Kong vào sáng 26/5/2019. Bức Portrait De Mademoiselle Phuong cũng có nhiều nét tương đồng về vật liệu, chủ đề và lịch đại với bức Khỏa thân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: