Lão và tháng Tư đen

Lão là một thủy thủ trước năm 1975. Cứ mỗi độ Xuân về, lão nhớ nhiều về những ngày cuối tháng Tư 75… Ngày 30-4-1975! Ngày đánh dấu thảm họa cộng sản đến trên quê hương của lão. Đó là Ngày Quốc Hận, ngày bất hạnh của miền Nam rơi vào tay giặc phương Bắc, cũng là ngày đại tang của dân tộc!

Sau cuộc tổng nổi dậy của giặc cộng dịp Tết Mậu Thân 1968, hàng hàng lớp lớp nam nữ, trai trẻ miền Nam trong đó có lão lên đường tòng quân chống giặc. Họ tòng quân vì nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân miền Nam. Người lính VNCH đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để thực hiện những ước mơ chính nghĩa đó. Nhưng vận nước không cho phép họ hoàn thành sứ mạng mà họ mong muốn. Ngược lại cộng sản chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là xâm lược miền Nam bằng mọi giá. Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, cộng sản miền Bắc là bên thắng cuộc! Miền Nam thất thủ, Quân lực Việt nam Cộng Hòa (QLVNCH) bị bức tử, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Nỗi đau đất nước điêu linh vì chiến tranh và quê hương tan nát dưới sự cai trị của cộng sản Việt Nam làm dấy lên trong lòng lão sự uất hận và căm thù cộng sản đến tận xương tủy. Lão rời bỏ quê hương ra đi với mối hờn vong quốc và không một lần trở về từ đó.

Ở đây, lão tự xưng là người “thủy thủ già” không phải lão già theo nghĩa có nhiều năm phục vụ trong quân chủng, mà lão già vì năm này lão đang ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Chặn đường chiến binh của lão ngắn ngủn chỉ có hơn năm năm làm lính thủy, tính từ ngày lão rời đại học tình nguyện tham gia quân chủng hải quân giữa năm 1969 vừa lúc lão đúng 20 tuổi. Đơn vị hải quân đầu tiên của lão ở tận một hải đảo xa tít ngoài khơi phía cực Nam nước Việt, có tên gọi là Hòn Khoai (Duyên đoàn 41 Poulo Obi) hay “Hải đảo Giáng Tiên”, chung quanh là biển cả không thấy bờ, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ…

Obi gió lạnh không tình sưởi,

Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm

(Thơ của Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa hải quân với lão)

Rời hải đảo Giáng Tiên, lão thuyên chuyển về Duyên đoàn 42, hậu cứ đồn trú tại An Thới (Phú Quốc) và sau đó lão thuyên chuyển đến Hải đội 5 Duyên Phòng rồi tăng phái Hải đội 4. Những đơn vị đi biển này đã tôi luyện lão thành gã lính biển chuyên nghiệp. Lão chưa có cơ hội phục vụ các đơn vị chiến đấu trong sông là những đơn vị hào hùng của hải quân VNCH với những chàng trai kiêu hùng ngày đêm cùng những “kình ngư” dậy sóng trực diện quân thù với những trận đánh oanh liệt làm cho địch quân khiếp sợ mà lão được đọc qua các bài viết của đồng đội, của các đặc san hải quân và tài liệu hải sử.

Cuối năm 1974, lão thuyên chuyển về hạm đội tiếp tục dệt mộng hải hồ trên một chiếc hạm tuần duyên. Nhưng không may, vận nước đến thời đen tối, lão xuống chiến hạm mang tên “Trường Sa” vào thời điểm miền Nam nhiễu nhương và đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược khốc liệt của cộng sản miền Bắc sau khi “Mỹ” gỡ bỏ vòng đai chống cộng vùng Đông Nam Á và bán đứng miền Nam qua Hiệp định Paris 1973. “Mỹ” rút quân về nước; “Mỹ” bỏ rơi VNCH, “Mỹ” bôi nhọ 58 ngàn lính Mỹ tử vong và trên 300 ngàn lính Mỹ bị thương trên chiến trường Việt Nam và “Mỹ” bôi bẩn các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam khi trở về nước. Ở đây chữ “Mỹ” lão muốn nói đến là Quốc hội Mỹ phe cánh tả, những chính khách quỳ gối trước cộng sản, chối bỏ trách nhiệm, phản chiến và không muốn Hoa Kỳ chiến thắng trên chiến trường Việt Nam?

QLVNCH, một quân đội còn non trẻ, đang cạn kiệt phương tiện chiến đấu, không quân viện, không đồng minh. Họ chiến đấu đơn độc đương đầu cả khối cộng sản phương Bắc đang mở đường tấn công xâm lược ồ ạt tiến xuống miền Nam. Nhưng họ chiến đấu rất anh dũng và can trường… Cho đến sáng 30-4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và họ bị bức tử buộc phải buông súng trước quân thù, nhiều tướng tá binh sĩ VNCH uất ức tuẫn tiết. Quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn bỏ ngõ…

* * *

Sáng sớm 30-4-1975, lão tần ngần đứng trơ trọi tại cầu A đối diện cổng Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, nơi chiến hạm của lão lúc chiều hôm qua còn đó mà giờ đây nó đã biến mất cùng với nhiều chiếc hạm lớn nhỏ khác dọc trên bờ sông Sài Gòn. Bến tàu vắng tanh. Lão như kẻ mất hồn, thẫn thờ. Lão không màng chung quanh cảnh vật tan hoang đổ nát. Lão cảm thấy như bị vứt vào vùng tối đầy cô đơn và mất mát. Lão cảm nhận được tâm trạng “lìa đàn”, mất mát đau tận đáy lòng: Mất chiến hạm, xa đồng đội, mất bạn hữu, tan nát mộng hải hồ và mất cả Tổ quốc. Lão không màng nghĩ đến, không sợ hãi những gì sẽ xảy ra cho kẻ “thua cuộc” như lão phải ở lại với kẻ thù và lão đang đứng nơi đây còn trong bộ quân phục, mặc kệ cho kẻ thù đang tiến vào Sài Gòn…

– Ê Nam! Có đi không? Lên tàu tao…

Tiếng gọi tên lão từ một chiến hạm tuần duyên đang từ từ cập vào cầu A, nơi lão đang đứng, cắt đứt dòng xót xa bơ vơ của con chim hải âu gãy cánh lìa đàn. Tiếng kêu thảm thiết của cánh chim lạc đàn đang dấy lên trong lòng lão, biến thành dòng nước mắt lẻ loi, bơ vơ và mất mát sắp tuôn ra, làm mắt lão cay xè.

Lão nhận ra giọng Bắc kỳ quen thuộc của người bạn cùng khóa gọi tên lão từ chiến hạm đang cặp cầu. Lão bắt dây cho con tàu và trèo lên chiến hạm.

– Cám ơn mày Báu. Tao không đi, tao không thể bỏ lại vợ con, mày à. Sao tàu mày đi trễ vậy?

– Tao từ Vũng Tàu vào đây đón hạm trưởng nhưng không thấy ổng – Hạm phó Báu nói.

Lão thúc giục thằng bạn:

– Thôi! Vậy mày đi lẹ đi. Tao trở về nhà ngay bây giờ.

Nói xong lão trèo xuống và tháo dây cho chiến hạm tách khỏi cầu. Chiến hạm ra giữa dòng sông và từ từ xa dần… Lá Quốc kỳ phía sau cột lái phất nhè nhẹ như nghẹn ngào chào giã biệt Sài Gòn làm cho lòng lão chùng xuống, se lại. Lão bùi ngùi chứng kiến chiến hạm cuối cùng của hải quân VNCH ra đi. Bên kia phía Thủ Thiêm, Mặt trời đã lên khỏi mái nhà. Lão rời cầu A…

***

Dựng chiếc xe gắn máy trước cổng nhà, lão chưng hửng khi thấy thủy thủ Tô Nhật Hà mở cổng. Hà là người lính thủy trẻ tuổi dưới tàu đã lái xe đưa lão về nhà chiều hôm qua. Lão ngạc nhiên hơn khi thấy lố nhố gần hai chục thủy thủ khác đứng ngồi trong phòng khách. Thấy lão bước vào, các anh thủy thủ đứng lên chào. Họ đang chờ lão đây mà.

Vào hẳn bên trong phòng khách lão mới biết là các thủy thủ tập hợp tại nhà lão để báo tin tối hôm qua (29-4) tàu bị nhiều quân nhân có vũ trang ùn ùn trèo lên chiến hạm và cưỡng ép tàu ra đi, mặc cho tàu không có hạm trưởng. Trên đường ra Vũng Tàu, chiến hạm bị vô nước và chìm. Họ lội vào bờ và đi bộ về đây. Lão chưa hỏi được tại sao tàu vô nước đến chìm, vừa lúc cái radio trên đầu tủ đưa tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lão và anh em thủy thủ nhìn nhau bàng hoàng, bất động. Vài thủy thủ rơi lệ…

– Thôi! anh em nhà ai nấy về, rồi tính sau. Lão ngậm ngùi nói.

Lão tiễn anh em thủy thủ ra cổng. Nhìn theo họ thất thểu đi khuất khỏi đầu ngõ, lão cảm thấy đau lòng. Nếu chiều tối hôm qua, đứa con gái của lão không lên cơn suyễn nặng, vợ chồng lão phải đưa con bé vào bệnh viện Nguyễn Văn Học và lão bồng con bé suốt đêm thì có lẽ cuộc đời anh em thủy thủ đoàn và lão đã đổi thay. Và lão cũng sẽ mang được vợ con, thân nhân xuống tàu theo hạm đội di tản trong đêm 29 tháng 4 năm 1975.

Cứ mỗi độ Xuân về, ký ức tháng Tư Đen trỗi dậy như một thước phim, là mỗi lần lão xót xa nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của chiến hạm mang tên “Trường Sa” phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng? Ai còn, ai mất? Thương lắm anh em thủy thủ đoàn HQ.611, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

* * *

Ở lại Việt Nam, lão đi tù “cải tạo” hơn bảy năm, qua nhiều trại giam trong miền Nam. Ra tù, lão bôn ba trong bóng tối vượt biên. Nhưng số lão không được may mắn, các chuyến đi đều thất bại vì “bến bãi” đổ bể. Cho đến tháng 6 năm 1983, một cựu thiếu tá hải quân, xếp cũ của lão, giới thiệu lão đến một tổ chức vượt biên. Qua lời giới thiệu, người chủ ghe hết sức vui mừng khi biết lão là cựu thuyền trưởng hải đội duyên phòng. Người chủ ghe quyết định cho vợ và hai con anh ta theo chuyến đi của lão.

Chuyến vượt biên thành công. Ghe nhổ neo từ vườn hoa Lạc Hồng (Mỹ Tho) đến địa điểm đón thuyền nhân và ghe ra đến cửa biển Bình Đại khi trời hừng sáng. Thủy trình trong sông đầy cam go, căng thẳng và nguy hiểm khi phải tránh né nhiều trạm gác dọc bờ sông và ba lần bị tàu tuần Việt Cộng đuổi bắt từ trong sông ra xa cửa biển. Đêm thứ ba, ghe ra đến hải phận quốc tế, lão cho ghe bỏ neo để làm nguội máy và lão cũng muốn nhắm mắt ngủ đi đôi lát sau hai ngày một mình lão cầm lái con tàu. Các thanh niên thay nhau tát nước biển tràn vào lườn ghe. Hừng sáng hôm sau, lão cho kéo neo và tiếp tục cuộc hải hành xuôi về Nam.

Biển thật im, trời trong xanh không như hai ngày trước từng lượn sóng dữ làm ghe chòng chành, nghiêng ngã, các thuyền nhân nằm ngồi rã rượi bất động vì say sóng. Sáng nay xuất hiện từng đàn cá heo tung tăng đùa giỡn lội theo nhảy múa trước đầu ghe, như chúng chào mừng người vượt biên và báo điềm lành ở phía trước. Đến trưa, ghe của lão được một chiếc tàu dầu khổng lồ của Mỹ có tên LNG Aquarius đi ngược chiều vớt, trên đường chiếc tàu này đi từ Singapore về Nhật Bản.

Sau khi thuyền nhân lên hết tàu Mỹ, lão ở lại ghe giúp một thủy thủ Mỹ phá một lỗ hổng lớn dưới lườn ghe cho nước biển tràn vào nhấn chìm chiếc ghe. Đứng trên boong tàu, lão nhìn chiếc ghe trôi dạt ra xa và dần dần chìm mất vào lòng đại dương. Lão cảm thấy bồi hồi lưu luyến chiếc ghe nhỏ bé đã cưu mang gia đình lão và 85 thuyền nhân qua hai ngày đêm trên biển. Cuối cùng sau bảy ngày đêm, chiếc tàu dầu cặp cảng Nagasaki, Nhật Bản. Hai chiếc xe bus đưa gia đình lão và thuyền nhân về trại tỵ nạn Omura.

* * *

Vốn là người lính thủy năm xưa, lão biết rằng vượt biên đường biển là một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, phó thác cho số mệnh hên xui. Dù cho ai đó cho là mình lão luyện trong nghề đi biển nhưng có ai dám chắc ra đi sẽ đến? Một khi ra đi là chấp nhận rủi ro có thể dâng mạng sống của vợ con hay bản thân trước họng súng kẻ thù truy đuổi, bị bắt cầm tù, bỏ xác trong sông, dưới biển; hoặc bị hải tặc cướp bóc, giết hại… Lão có những người bạn cùng đơn vị, cùng khóa đã bỏ mạng, mất tích hoặc bị bắt, khi vượt biên để rồi phải trở lại thân phận tù đày ác nghiệt trong lao tù cộng sản. Sau này mỗi lần nghĩ đến vượt biên lão cảm thấy rùng mình, thậm chí lão không dám nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra cho vợ con lão và hàng trăm thuyền nhân nếu chuyến đi thất bại.

Nhớ lại năm xưa khi còn mặc áo nhà binh, lão đần độn không quan tâm gì đến chính trị. Lão mù lòa trước thời cuộc. Thậm chí những ngày cuối tháng Tư 1975, lão dửng dưng trước những thương thuyền khổng lồ chở hàng nghìn người nhổ neo trên sông Sài Gòn ra đi. Trên đài chỉ huy của chiến hạm, lão chứng kiến nhiều bà bán hàng rong vứt bỏ gánh hàng lăn lóc trên sân cỏ công viên Bạch Đằng, vội vã chạy nhào xuống chiếc sà lan đông nghẹt hay cố bám vào các bánh xe trái độn để trèo lên sà lan đang tháo dây tách bến bên cạnh bến đò Thủ Thiêm.

Sáng sớm 29 tháng Tư trên chiến hạm tại bến, lão cũng chứng kiến hàng hàng lớp lớp đồng bào hốt hoảng chạy về hướng bến tàu tìm đường ra đi. Họ bỏ chạy vì họ sợ cộng sản! Còn lão là người lính nhưng chẳng biết gì về cộng sản và ngu ngốc đến đỗi không hay biết Sài Gòn đang hấp hối. Không biết bao nhiêu người muốn trốn chạy cộng sản nhưng không có phương tiện, còn lão thì ngược lại. Cái giá vô tri mà lão phải trả là lão đi tù cộng sản bảy năm và sau khi ra tù phải liều mạng tìm đường vượt biên. Bảy năm vợ xa chồng, bảy năm con xa cha là một tổn thương lớn đối với gia đình và con trẻ. Lão cảm nhận như vậy và tự trách mình. Sau gần ba năm tạm cư tại Nhật Bản, tháng 6 năm 1986, gia đình lão may mắn được đặt chân đến “vùng đất hứa” của nước Mỹ vĩ đại, thiên đường của Tự do và xứ sở của cơ hội…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: