HOUSTON, Texas – Chiều Thứ Sáu, 30 Tháng Tư, tại tượng đài Vietnam Memorial War, cộng đồng người Việt ở Houston, Texas tổ chức buổi tưởng niệm “Tháng Tư Đen” với một thông điệp hoàn toàn mới. Đó là chuyển giao cuộc đấu tranh, đặt niềm tin, hy vọng, tương lai về một Việt Nam tự do, dân chủ vào thế hệ tiếp nối, những hậu duệ của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH.)
Chuyển giao ngọn lửa đấu tranh
Không khí buổi lễ trang nghiêm với lá cờ thiêng màu vàng ba sọc đỏ bay cao bên cạnh quốc kỳ Mỹ. Bàn thờ Tổ quốc trang trọng trước di ảnh các vị tướng VNCH đã tuẫn tiết hy sinh vì không muốn rơi vào tay giặc thù. Mặc dù, Houston mưa tầm tã từ sáng sớm, nhưng tất cả mọi người, gồm khách mời và những người trong ban tổ chức vẫn có mặt khá đầy đủ để chương trình diễn ra đúng như dự tính.
Sau các nghi thức chung và phần khai mạc buổi lễ của Luật sư Steven Dieu, Chủ tịch cộng đồng người Mỹ gốc Việt của Houston và các vùng phụ cận, ông Phạm Văn Hoà, cựu sinh viên, sĩ quan khoá 18, trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam có bài diễn văn ấn tượng, nhấn mạnh dấu ấn 46 năm của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Không nhắc lại nhiều về quá khứ cuộc chiến, nhưng thông điệp ông Phạm Văn Hoà đề cập trong diễn văn, là khẳng định điều mà ông cho rằng đó là “hiển nhiên,” vấn đề chỉ là thời gian. Ông nói:
“Chế độ Cộng Sản chỉ là một niềm tin bị đánh mất; một chủ thuyết thất bại, và một mẫu thời trang lỗi thời. Hãy nhìn khối Cộng Sản Đông Âu và toàn thế giới đang dần bị sụp đổ bởi chủ trương đi ngược lại nền văn minh của nhân loại. Con cờ “domino đỏ” trong ván cờ domino của thế giới sớm muộn sẽ bị đánh đổ hay tự huỷ diệt,” ông Phạm Văn Hoà nói.
Ông Hoà tin rằng, con người có tổ tiên, nòi giống, là nền tảng vững chắc không thể nào lay chuyển. Từ nguyên lý đó, ông mong muốn thế hệ cha ông giờ đây sẽ trở về vai trò hướng dẫn và cố vấn, nhường bước cho thế hệ hậu duệ tiếp bước con đường đấu tranh còn dang dở. Ông ngỏ lời: “Thế hệ cha ông từ nay trao ngọn đuốc, chuyển sinh mạng đấu tranh cho tự do, dân chủ cho thế hệ hậu duệ VNCH khắp năm châu tiếp tục cuộc hành trình.”
Buổi tưởng niệm Quốc hận 30 Tháng Tư trước tượng đài Vietnam Memorial War trở nên sống động, mang khí chất hào hùng khi ngọn đuốc đấu tranh được Đại tá Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch cộng đồng người Việt hải ngoại đầu tiên ở Houston, Texas, trao cho thế hệ trẻ – hậu duệ VNCH. Người đại diện tiếp nhận là anh Tony Âu Mậu – một người trẻ hoạt động trong cộng động, Luật Sư Steven Dieu và một nhóm các bạn trẻ khác.
Thư Nguyễn, 25 tuổi, Giám Đốc OCA – Asian Pacific American Advocates, đã làm những người có mặt trong buổi tưởng niệm vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi cô dẫn giải bằng tiếng Việt bài thơ Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca để nói lên lịch sử của lá cờ vàng ba sọc đỏ.
“Màu vàng biểu tượng người Việt da vàng, và mỗi sọc đỏ là cho mỗi miền của Việt Nam. Lá cờ có ý nghĩa là người Việt là một cộng đồng, là đồng bào với nhau,” Thư nói.
Cô khẳng định, biết lịch sử là biết bản thân mình. Quên lịch sử là mất gốc. Do đó, Thư nhắn gửi đến các bạn trẻ: “Người lớn đã chuyển giao ngọn đuốc cho tụi mình. Thư mong rằng tuổi trẻ mình có thể tiếp tục xây dựng một cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong tương lai mà không có chia rẽ và giữ gìn dân tộc của người Việt Nam.”
Hoà vào dòng chính
Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa “Chuyển giao ngọn lửa đấu tranh” – người điều hợp chương trình là ông Trần Trí Hoàng, kêu gọi các thế hệ trẻ, thế hệ tiếp nối, hậu duệ VNCH “hãy tiếp tục đấu tranh để lá cờ vàng ba sọc đỏ được bay cao ngạo nghễ từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.”
Luật Sư Steven Dieu bày tỏ suy nghĩ của ông đối với thông điệp này: “Người Việt Nam có mặt trên đất Mỹ vì không chấp nhận chế độ cộng sản. Nếu nước Việt Nam vẫn còn dưới chế độ cộng sản thì đương nhiên trách nhiệm của tất cả người Việt, con cháu người Việt phải tiếp tục tranh đấu đến một ngày nào đó, 90 triệu người dân Việt Nam trong nước thoát khỏi gọng kềm Cộng Sản, đất nước Việt Nam không chỉ độc lập mà còn phải dân chủ, tự do.”
Trả lời câu hỏi “Cụ thể, thế hệ trẻ có những hành động đấu tranh cụ gì? Luật sư Steven Dieu cho biết:
“Thế hệ trẻ phải tham gia và cố gắng bảo vệ, phát triển tập thể cộng đồng, tham gia vào vòng chính, tham gia vấn đề chính trị, ra tranh cử để trở thành những dân biểu, Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ, để có tiếng nói trong quốc hội nước Mỹ.”
Theo Luật Sư Steven, khi người Việt có tiếng nói trong quốc hội, ngành lập pháp, Bộ Ngoại giao, Quốc phòng thì chúng ta có thể tranh đấu cho dân chủ và tự do đạt được nhiều hiệu quả hơn.
Cảnh sát viên Đinh Quang Dũng, phục vụ ở sở cảnh sát Harris County Constable Precint 1, thuộc thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ, cho biết anh rất tự hào những gì thế hệ cha ông đã dựng lên cho chúng ta có được ngày hôm nay.
“Tôi sinh sau ngày mất nước hai tháng, nên tôi không có ký ức gì về cuộc chiến. Nhưng, cha tôi là một lính không quân VNCH. Sau ngày 30 Tháng Tư, tôi nhớ mẹ tôi rất vất vả buôn gánh bán bưng để nuôi sáu anh em chúng tôi.”
Một sự khởi đầu mới
Một trong những điểm đặc biệt và tự hào cho cộng đồng người Việt Houston trong buổi tưởng Quốc hận 30 Tháng Tư năm nay, đó là sự có mặt của rất nhiều cảnh sát thuộc thành phố Houston và các vùng phụ cận. Lực lượng cảnh sát tham dự có ông Troy Finner – Cảnh Sát trưởng Houston Police County; ông Alan Rosen – Cảnh Sát trưởng Harris County; Cảnh sát Eric Fagan – cảnh sát người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Fort Bend County sau 150 năm kể từ khi kết thúc Civil War, và rất nhiều cảnh sát viên khác.
Cảnh sát Eric Fagan – cảnh sát người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Fort Bend County sau 150 năm kể từ khi kết thúc Civil War, bày tỏ:
“Đó không chỉ là cuộc chiến của riêng miền Nam Việt Nam, mà đó cũng là cuộc chiến của người Mỹ. Đó là cuộc chiến vì tự do. Các bạn đã đến đất nước này, trở thành công dân của đất nước này. Chúng tôi tri ân cuộc chiến đấu các bạn đã dành cho đất nước này, và cho đất nước các bạn. Điều đó được ghi nhớ mãi mãi.”
Cảnh sát trưởng Alan Rosen và các cảnh sát viên của Harris County cùng lên khán đài chia sẻ về ngày 30 Tháng Tư lịch sử. Ông Rosen chia sẻ:
“Ngày 30 Tháng Tư, 1975, miền Nam Việt Nam thất thủ. Nhưng đó không phải là kết thúc, mà đó là sự khởi đầu. Ngày hôm nay không chỉ đánh dấu kết thúc chiến tranh Việt Nam, mà nó còn lại sự bắt đầu một cuộc sống mới, một miền đất mới. Chúng ta hiện diện ở đây, tưởng nhớ sự hy sinh của những chiến sĩ VNCH, những hy sinh không bao giờ quên. Hàng triệu người Việt đã chạy trốn chế độ cộng sản để đến Mỹ và nhiều quốc gia khác, không chỉ để di tản, mà còn tìm một cơ hội mới.”
Đúng là sau 46 năm, hàng triệu người Việt tỵ nạn đã đạt được ở xứ người một cuộc sống mới, mở ra nhiều cơ hội mới cho chính mình và thế hệ tiếp nối. Luật Sư Steven Dieu cho biết, người Việt tỵ nạn đã mang đến cho người Mỹ một ấn tượng rất sâu đậm về tính cần cù, siêng năng, cùng góp phần tạo nên một nền kinh tế phồng thịnh.
“Trong 46 năm, chúng ta đã thấy sự hình thành, trưởng thành của cộng đồng thiểu số đã gây tiếng vang trong vấn đề học vấn, kinh doanh của các tiểu thương gia, văn hoá. Nhiều khu thương mại của người Việt được hình thành trên khắp nước Mỹ,” ông tiếp lời.
Cuộc chiến đã chấm dứt 46 năm, nhưng sự hy sinh của những người lính VNCH và người lính Mỹ luôn được ghi nhớ mãi. Sự ghi nhớ đó đã và đang được các thế hệ tiếp nối chuyển hoá thành sự thành công và cơ hội mới.
Ông Phạm Văn Hoà, cựu sinh viên, sĩ quan Võ bị 18, bày tỏ nguyện vọng của ông, vào thời điểm mà ông nói rằng “tuổi càng cao thì mình thấy mục tiêu của mình càng xa.” Ông nói:
“Tới ngày hôm nay chúng ta không đổ lỗi cho ai hết. Bởi vì trong cuộc chiến, luôn luôn có sự phối hợp toàn thế giới. Nếu một mình chúng ta đơn độc, chúng ta không làm được. Nếu có ai nói rằng quân đội chúng ta không làm tròn sứ mạng, đó là sự phán xét rất sai lầm. Khi sự việc (biến cố 30 Tháng Tư ) xảy ra, chúng ta phải nhìn vào quá khứ, vào những gì đã xảy ra để làm khá hơn.”
Sau cặp kính trắng, đôi mắt vị cựu sinh viên, sĩ quan Võ bị 18 ngấn lệ, tiếng nói của ông cũng chợt nghẹn lại trong lời gửi gắm: “Đoàn kết và phối hợp sẽ đạt được thành quả của một siêu nhân chứ không phải là cá nhân nữa.”