Quanh việc Mỹ ủng hộ việc nới lỏng bản quyền vaccine Covid-19

Nhóm G-7 cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo. Hình minh họa. Credit: Fadil Fauzi/Unsplash.

Chính quyền Biden hôm thứ Tư 05-05 đã quyết định ủng hộ lời kêu gọi chia sẻ nhiều hơn công nghệ đằng sau việc bào chế vaccine COVID-19 để giúp đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch, đứng về phía nhiều nước đang phát triển đòi hỏi các nước giàu làm nhiều hơn để có được vaccine cho những người đang cần. 

Hoa Kỳ thay đổi quan điểm

Hoa Kỳ có nền công nghiệp dược phẩm rất mạnh và các tập đoàn dược có ảnh hưởng rất lớn tới chính sách của chính phủ. Từ trước tới nay, cùng với các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ luôn đề cao việc bảo hộ tài sản trí tuệ, bản quyền của các loại dược phẩm mới, coi đó là yêu cầu tối cần thiết để thúc đẩy phát minh sáng chế trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người. Trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác khắp thế giới, Hoa Kỳ luôn yêu cầu kéo dài thời hạn bảo hộ bản quyền dược phẩm, đôi khi đàm phán phải kéo dài nhiều năm vì bất đồng ý kiến với yêu cầu này.

Vì thế, quyết định của chính phủ Biden đặt nghĩa vụ quốc tế và nhân đạo lên trên lợi ích của ngành dược phẩm trong nước làm cho nhiều người rất ngạc nhiên. Quyết định chưa từng có tiền lệ này đang làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người ủng hộ, muốn nhanh chóng kiểm soát đại dịch vãn hồi cuộc sống bình thường và những người phản đối cho rằng kinh doanh và lợi nhuận của các hãng dược phẩm sẽ bị tổn hại và gây rủi ro cho việc nghiên cứu, phát triển các loại dược phẩm trong tương lai.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai (Đới Kỳ), đã công bố quan điểm của chính phủ trong lúc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang thảo luận về việc có nên tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền dược phẩm để cho phép nhiều nhà sản xuất tham gia bào chế vaccine cứu người hay không.

“Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và hoàn cảnh khác thường của đại dịch Covid-19 đòi hỏi những biện pháp khác thường… Chính phủ [Hoa Kỳ] tin tưởng vững chắc vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chính phủ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine COVID-19,”

Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ

“Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và hoàn cảnh khác thường của đại dịch Covid-19 đòi hỏi những biện pháp khác thường… Chính phủ [Hoa Kỳ] tin tưởng vững chắc vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chính phủ ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine COVID-19,” bà Đới cho biết trong một tuyên bố.

Bà Đới nói sẽ mất nhiều thời gian để đạt được sự đồng thuận toàn cầu đối với việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền theo quy định của WTO; và do đó sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung cấp vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

Thông báo của bà Đới được đưa ra vài giờ sau khi Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói chuyện với một cuộc họp kín gồm các đại sứ của các nước đang phát triển và phát triển tranh cãi về vấn đề bản quyền vaccine Covid-19, nhưng đồng ý về nhu cầu tiếp cận rộng rãi hơn các phương pháp điều trị COVID-19.

Vẫn chưa rõ một số quốc gia ở Châu Âu, nơi có ngành công nghiệp dược phẩm có ảnh hưởng và trước đây đã chia sẻ sự dè dặt của Hoa Kỳ về việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ, sẽ phản ứng như thế nào.

Ủng hộ

Ý tưởng tạm thời bãi bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 được đại diện Ấn Độ và Nam Phi đưa ra trước Đại hội đồng của WTO hồi tháng Mười năm ngoái, được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia đang phát triển và một số nhà lập pháp có quan điểm phóng khoáng ở phương Tây.

Sự ủng hộ đề nghị bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19 càng mạnh lên khi đại dịch tiếp tục bùng phát dữ dội ở khắp nơi, từ các nước có trình độ phát triển khá như Brazil, Ấn Độ đến các nước nghèo như Cambodia trong lúc các nước giàu và phát triển như Hoa Kỳ, Anh quốc, Israel… có điều kiện tích lũy rất nhiều vaccine và thực hiện nhanh chóng các chiến dịch tiêm chủng cho phần lớn dân chúng. Mọi người trên thế giới bình đẳng trước dịch bệnh nhưng rất không bình đẳng trong việc tiếp cận các phương thức chữa trị và phòng ngừa.

Tại Mỹ, một nhóm 110 thành viên Quốc hội – tất cả đều là những người thuộc đảng Dân chủ – đã gửi cho Tổng thống Joe Biden một lá thư vào tháng trước kêu gọi ông ủng hộ việc tạm thời bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19.

“Hỗ trợ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền đối với vaccine là một ví dụ mạnh mẽ về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu”

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Ngay sau khi quyết định của chính phủ Hoa Kỳ được công bố, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, John N. Nkengasong, đã viết trên Twitter rằng CDC Châu Phi hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ, gọi đó là “sự lãnh đạo trong hành động”. Ông nói thêm: “Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định này như một hành động vĩ đại của nhân loại!”, theo hãng tin AP.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, lưu ý rằng những sự miễn trừ như vậy là một phần trong các công cụ của WTO và khẳng định không có thời điểm nào tốt hơn để sử dụng công cụ đó hơn là trong đại dịch đã cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, lây nhiễm hơn 437 triệu người và các nền kinh tế bị tàn phá, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. “Đây là một khoảnh khắc hoành tráng trong cuộc chiến chống lại COVID-19,” ông Tedros nói trong tuyên bố hôm thứ Tư. Ông cho biết cam kết của Hoa Kỳ “hỗ trợ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền đối với vaccine là một ví dụ mạnh mẽ về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu”.

Phản đối

Tuy nhiên, đề nghị đó gặp phải sự phản đối mạnh từ các tập đoàn dược phẩm và một số chính trị gia bảo thủ. Những người phản đối nói rằng việc từ bỏ bản quyền không phải là phương thuốc chữa đại dịch. Họ nhấn mạnh rằng việc sản xuất vaccine Covid-19 rất phức tạp và không thể tăng tốc bằng cách nới lỏng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Họ cũng nói rằng việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ có thể ảnh hưởng đến việc nghiên cứu các phương thuốc mới trong tương lai.

Ông Stephen Ubl, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ, cho biết quyết định của Hoa Kỳ “sẽ gây ra sự nhầm lẫn giữa các đối tác nhà nước và tư nhân, tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và thúc đẩy sự gia tăng của vaccine giả”. Tiến sĩ Michelle McMurry-Heath, Giám đốc điều hành của nhóm thương mại Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học, đưa ra tuyên bố cho rằng quyết định của chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu các động lực phát triển vaccine và phương pháp điều trị cho các đại dịch trong tương lai. “Giao cho các nước đang cần [vaccine] một cuốn sách công thức mà không có các nguyên liệu, biện pháp bảo vệ và lực lượng lao động phù hợp sẽ không giúp ích được gì cho những người đang chờ đợi vaccine”, bà Michelle McMurry-Heath nói.

“Giao cho các nước đang cần [vaccine] một cuốn sách công thức mà không có các nguyên liệu, biện pháp bảo vệ và lực lượng lao động phù hợp sẽ không giúp ích được gì cho những người đang chờ đợi vaccine”.

Tiến sĩ Michelle McMurry-Heath, Giám đốc điều hành Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học

Trang Bình luận của báo The Wall Street Journal có xu hướng bảo thủ đăng ý kiến của bác sĩ Scott Gottlieb, phụ trách Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ 2017-2019, không phản đối thẳng thừng đề nghị bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19 nhưng cho rằng chính quyền Biden nên học tập cách làm của chính quyền tổng thống George W. Bush đối với dịch HIV/AIDS trước đây: thay vì bãi bỏ bản quyền dược phẩm thì nên dùng tiền mua vaccine cung cấp cho các nước nghèo nhất. Ông Gottlieb cho rằng, bãi bỏ bản quyền sẽ dẫn tới tình trạng tràn lan thuốc giả, thuốc kém phẩm chất được bào chế từ những hãng dược kém chuyên môn và cản trở công việc của các hãng dược đã đầu tư công sức tiền bạc vào công cuộc nghiên cứu, bào chế và thử nghiệm vaccine Covid-19.

Các hãng dược một mặt phản đối việc chia sẻ công thức và bí quyết bào chế, một mặt gia tăng viện trợ hoặc bán vaccine cho những nơi cần vaccine nhất với giá thấp hơn giá bán cho các nước giàu. Hãng Johnson và Johnson của Mỹ chẳng hạn, đã đồng ý cung cấp 220 triệu liều vaccine chỉ tiêm một mũi của mình cho 55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi, bắt đầu từ quý Ba năm nay và đồng ý cung cấp 500 triệu liều vaccine trong năm 2022 với giá thấp cho các quốc gia thu nhập thấp thông qua Liên minh vaccine Gavi. Công ty Moderna Inc. của Mỹ cũng sẽ bán khoảng 500 triệu liều vaccine Covid-19 cho chương trình COVAX của  Liên Hiệp Quốc để cung cấp cho các quốc gia nghèo trên thế giới, nhưng số vaccine này chỉ được giao hàng sớm nhất là từ tháng Chín năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson – những công ty khổng lồ với nhiều sản phẩm béo bở – đã giảm gần 1% khi quyết định của chính phủ Hoa Kỳ được công bố. Nhưng cổ phiếu của Moderna, mà sản phẩm duy nhất là vaccine Covid-19, đã giảm 6,2% trong giao dịch vào cuối giờ chiều trước khi tăng trở lại 0.7% trong giao dịch ngoài giờ.

Cần thêm rất nhiều thời gian

WTO dự tính sẽ xem xét cẩn thận đề nghị về bãi bỏ tạm thời các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 và sẽ có đề xuất cụ thể cho cuộc họp chính thức về đề tài này vào ngày 8 và 9 tháng Sáu.

Trên trang web của WTO, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết “nhiệm vụ của chúng tôi là phải nhanh chóng đưa văn bản sửa đổi lên bàn hội nghị, nhưng phải bắt đầu thực hiện đàm phán dựa trên văn bản. Tôi tin chắc rằng một khi chúng ta có thể ngồi xuống với một văn bản thực tế trước mặt, chúng ta sẽ tìm ra một con đường thực dụng về phía trước mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được,” bà nói.

Điều đó có nghĩa là trong vài tuần tới sẽ chưa có thỏa thuận cuối cùng nào về vấn đề bản quyền vaccine Covid-19. Và cho dù các biện pháp bảo vệ bản quyền vaccine được nới lỏng hoặc tạm thời bãi bỏ trong vài năm – cho đến khi đại dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát – thì vấn đề thiếu hụt vaccine cho các nước nghèo vẫn chưa thể giải quyết ngay được. Các hãng dược phẩm của các nước đang phát triển phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lĩnh hội được các bí quyết bào chế thuốc, ổn định nguồn nguyên liệu, sắm các thiết bị chuyên dùng, đào tạo nhân viên và chuẩn bị sản xuất vaccine. Chỉ riêng việc thử nghiệm độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine được bào chế theo kiểu generic (thuốc tương tự) này đã phải mất hàng năm. 

Trong ngắn hạn, biện pháp tốt nhất có lẽ vẫn là vận động các nước giàu chia sẻ lượng vaccine mà họ đang tích trữ cho các nước nghèo để cùng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Hoa Kỳ mới đây đã quyết định cung cấp 60 triệu liều vaccine AstraZeneca mà người Mỹ không dùng tới cho các nước nghèo sau khi đã chia sẻ vaccine cho hai nước láng giềng Canada và Mexico là một ví dụ mà các nước khác nên theo.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: