Kể từ khi bạo lực giữa Israel và Palestine bắt đầu leo thang vào thứ Hai 10-5-2021, hàng trăm quả rocket đã được bắn từ Dải Gaza, giết chết ít nhất sáu người Israel. Trả đũa, các cuộc không kích của Israel vào Gaza đã khiến ít nhất 48 người thiệt mạng, trong đó có 14 trẻ em, theo các quan chức Palestine. Với Israel, hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) một lần nữa lại chứng minh tính hiệu quả của nó. Lần đầu tiên được đưa vào hoạt động cách đây 10 năm, nó được thiết kế để ngăn chặn các loại tên lửa và phi pháo. Hai hệ thống riêng biệt, gọi là David’s Sling và Arrow, được sử dụng ứng chiến trước các mối đe dọa tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, máy bay không người lái và tên lửa.
10 năm Vòm Sắt
Iron Dome dựa vào hệ thống radar phân tích để xác định liệu tên lửa bay tới có phải là mối đe dọa hay không và nó chỉ bắn đánh chặn nếu tên lửa bay tới có nguy cơ đâm vào khu vực đông dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng. Tên lửa đánh chặn, được bắn thẳng đứng từ các đơn vị cơ động hoặc bãi phóng tĩnh, được thiết kế để kích nổ tên lửa đang bay tới. Theo website MPrest Systems, hệ thống máy tính của Vòm Sắt có thể quan sát không lưu, phân loại mục tiêu, tính toán chương trình can thiệp, xử lý bắn chặn…
Được tài trợ một phần từ Bộ quốc phòng Mỹ, Vòm Sắt thuộc quản lý của tập đoàn quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems (nơi chế tạo tên lửa bắn chặn Tamir của Vòm Sắt). Hệ thống radar do Elta Systems (thuộc tập đoàn Công nghiệp không gian Israel) sản xuất. MPrest là đối tác thứ ba, phụ trách kỹ thuật liên quan kiểm soát chỉ huy và điều khiển toàn bộ hệ thống. Một phần trong hệ thống phần mềm Vòm Sắt sử dụng nền Windows của Microsoft. Tuy nhiên, bộ não thật sự của Vòm Sắt là phần mềm xử lý do MPrest thiết lập, giúp phân biệt hàng chục ngàn vật thể trong vài giây. Vòm Sắt bắt đầu được đưa vào hoạt động vào ngày 27-3-2011 khi được triển khai gần Beersheba (thành phố lớn nhất tại sa mạc Negev ở Nam Israel).
Trong cuộc chiến Lebanon năm 2006, Hezbollah đã bắn đến 4.000 phi pháo (hầu hết thuộc loại tầm ngắn Katyusha) vào phía Bắc Israel, trong đó có Haifa (thành phố lớn thứ ba nước này). Trận mưa pháo kích khốc liệt đã làm 44 người Israel thiệt mạng và khiến khoảng 250.000 cư dân Israel khác phải sơ tán trong khi chừng một triệu người nữa phải hoảng loạn chen chúc sống tạm bợ trong các hầm trú. Ở khu vực phía Nam, từ năm 2000 đến 2008, lực lượng Hamas từ Gaza cũng bắn hơn 4.000 phi pháo và 4.000 đạn cối vào Israel. Hầu hết phi pháo là loại Qassam (Hamas tự chế) bắn từ dàn phóng Grad 122 ly. Gần một triệu người Israel sống ở phía Nam đều nằm trong tầm tiêu diệt của phi pháo Qassam (Qassam 1 có tầm 5 km, Qassam 2 – 12 km, Qassam 3 – 20 km).
Để chống lại các trận mưa pháo kích của Hamas lẫn Hezbollah, Israel bắt đầu nghiên cứu hệ thống bắn chặn. Năm 2005, tướng Danny Gold, lúc đó là giám đốc Cơ quan hạ tầng kỹ thuật và phát triển vũ khí Israel (Maf’at), quyết định khởi động chương trình hệ thống bắn chặn. Năm 2007, Israel chuẩn y chương trình, chọn nhà thầu nội địa Rafael hơn là nhà thầu khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ. Tháng 7-2008, tên lửa bắn chặn Tamir được thử nghiệm. Tháng 3 năm sau, hệ thống Vòm Sắt thử nghiệm thành công. Tháng 7-2009, Vòm Sắt bắn chặn thành công loạt phi pháo giả Qassam và Katyusha. Tháng 8-2009, Bộ quốc phòng Israel thành lập tiểu đoàn chuyên trách Vòm Sắt. Tháng 3-2011, Vòm Sắt được tuyên bố chính thức hoạt động, triển khai tại khu vực Nam Israel.
Ngày 7-4-2011, hệ thống Vòm Sắt tại Ashkelon đã lần đầu tiên bắn chặn được một phi pháo Grad phóng từ Gaza. Hôm sau, Vòm Sắt chặn được bốn phi pháo nữa… Việc tăng cường lắp đặt và sử dụng Vòm Sắt bắt đầu được triển khai mạnh vào đầu năm 2012. Tháng 3-2012, sau khi Israel giết chết Zohair al-Qaisi (tổng thư ký Ủy ban nhân dân kháng chiến) tại Gaza ngày 9-3-2012, Hamas đã trả đũa bằng cách phóng hơn 300 phi pháo trong đó có khoảng 177 quả rơi vào lãnh thổ Israel. Hệ thống Vòm Sắt đã bắn chặn được ít nhất 56 quả (hướng đến các trung tâm đông dân cư) trong đợt phòng thủ này…
Tính hiệu quả của Vòm Sắt
Từ tháng 2-2007, sau khi Bộ trưởng quốc phòng Israel Amir Peretz chọn hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, Mỹ đã hỗ trợ Israel 205 triệu USD (với sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama và được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua ngày 20-5-2010, như một khoản trích từ ngân sách quốc phòng của quân đội Hoa Kỳ). Tháng 5-2011, tướng Israel, Udi Shani, cho biết, Israel có kế hoạch đầu tư gần 1 tỉ USD cho hệ thống Vòm Sắt để triển khai 10-15 dàn khắp Israel. Tháng 2-2012, Israel xin Mỹ hỗ trợ khẩn cấp để triển khai thêm bốn dàn Vòm Sắt. Họ nhận được tức thì 70 triệu USD kèm lời hứa 610 triệu USD nữa cho ba năm tới. Tháng 4-2012, một sĩ quan cao cấp Israel nói thêm rằng Israel sẽ nâng cấp Vòm Sắt với khả năng bắn chặn được tên lửa tầm 250 km. Một tháng sau, Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật chuẩn y quốc phòng năm tài khóa 2013 (Đạo luật H.R. 4310), với 680 triệu USD được cấp cho chương trình Vòm Sắt. Việc tăng ngân sách cho chương trình Vòm Sắt của Israel từ Mỹ còn có một lý do: Quốc hội Mỹ yêu cầu Cơ quan quốc phòng tên lửa Hoa Kỳ (MDA) phải “khai thác bất kỳ cơ hội nào để có thể hợp tác và sản xuất hệ thống Vòm Sắt của Israel”. Nói cách khác, Mỹ muốn Israel chuyển giao công nghệ và những bí mật kỹ thuật cốt lõi của hệ thống Vòm Sắt cho họ – theo cách tương tự chương trình hợp tác hệ thống tên lửa Arrow III trong đó Boeing sản xuất 40-50% linh kiện.
Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren viết trên tờ Wall Street Journal: “Bằng cách vô hiệu hóa hầu hết các tên lửa hướng tới các khu vực đông dân cư, Vòm Sắt mang lại cho các nhà hoạch định thời gian vô giá để tìm ra các giải pháp ngoại giao. Nếu để xảy ra những vụ phóng tên lửa vào các ngôi nhà, bệnh viện và trường học của Israel, các nhà lãnh đạo Israel sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc ra lệnh cho các hoạt động tấn công trên bộ dẫn đến thương vong đáng kể. Bằng cách chặn đứng lợi thế tấn công cuối cùng những kẻ khủng bố, Iron Dome sẽ cứu sống hàng ngàn sinh mạng và ngăn chặn chiến tranh”.
Tuy nhiên, với một số nhà phân tích, Vòm Sắt là một thứ đồ chơi xa xỉ. Reuven Pedatzur, nhà phân tích quân sự, cựu phi công, giáo sư chính trị Đại học Tel Aviv, nói rằng Vòm Sắt là quá đắt so với chi phí một quả Qassam. Để bắn hạ một quả Qassam trị giá chỉ khoảng 800 USD, Vòm Sắt phải sử dụng một tên lửa Tamir (hoặc nhiều hơn) với giá 35.000 – 50.000 USD/chiếc. Vòm Sắt cũng bị chỉ trích khi nó không thể đối phó với phi pháo Qassam tại thành phố phía Nam Sderot do khoảng cách quá gần. Chính sự hoạt động chưa ổn định của dàn Vòm Sắt đã khiến một chung cư tại thành phố Kiryat Malachi tại Nam Israel (cách Ashkelon 17 km) phải trúng đạn trong đợt pháo kích dữ dội của Hamas vào tháng 11-2012, làm ba nạn nhân, trong đó có một phụ nữ mang thai, thiệt mạng.
“Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào là hoàn toàn đáng tin cậy, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa đang phát triển”, Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock, người nghiên cứu về tính hiệu quả của hệ thống, viết trên National Interest năm 2019. Các ý kiến chỉ trích tin rằng, hệ thống phòng thủ laser Nautilus hiệu quả hơn. Từ 1995-2005, Mỹ và Israel đã hợp tác phát triển Nautilus nhưng cuối cùng hủy bỏ sau khi tốn kém 600 triệu USD với kết luận rằng nó không khả thi. Tập đoàn Northrop Grumman đề xuất phát triển kỹ thuật tương tự Nautilus, gọi là Skyguard, cũng dùng laser để bắn chặn phi pháo với mỗi tia laser phóng ra chỉ tốn từ 1.000-2.000 USD. Với vốn đầu tư 180 triệu USD, Northrop Grumman tin rằng họ có thể lắp hệ thống Skyguard chỉ trong 18 tháng. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Israel bác bỏ dự án trên.
Tất nhiên việc đánh giá Vòm Sắt như một hệ thống phòng thủ an toàn có thể giúp “thay đổi cuộc chơi” như ý kiến của một số giới chức cấp cao quân đội Israel là điều thật ra không thể kỳ vọng. Như đã nói, với những mục tiêu khoảng cách gần, Vòm Sắt gần như hoàn toàn vô tác dụng. Tuy nhiên, Vòm Sắt rõ ràng đã giúp được rất nhiều ở những địa điểm trung tâm Israel. Nó cũng hạn chế khả năng Israel tăng cường chiến dịch quân sự bởi sức ép công chúng, một khi họ đã có thể bắn chặn được phi pháo đối phương và giảm thiểu đáng kể thiệt mạng nhân sự. Thử tưởng tượng nếu không có Vòm Sắt, số nạn nhân thường dân Israel khó có thể biết chính xác là bao nhiêu.
Trong thực tế, nhiều nước đã và đang bày tỏ quan tâm đặc biệt với hệ thống Vòm Sắt, trong đó có Hàn Quốc – theo nhà phân tích quốc phòng Alon Ben-David. Với hệ thống Vòm Sắt, Hàn Quốc có thể chặn được phi pháo và tên lửa tầm trung bắn từ Bắc Hàn. Tờ Aviation Week cho biết, Singapore – vốn là khách hàng quen thuộc của công nghiệp quốc phòng Israel – thậm chí đã mua và triển khai hệ thống Vòm Sắt. Phần Mỹ, họ đã có kế hoạch lắp đặt hệ thống bắn chặn tương tự. Tháng 2-2012, quân đội Mỹ đã trao gói thầu 79 triệu USD cho hãng Raytheon để phát triển và thiết lập hệ thống bắn chặn AIII (Accelerated Improved Intercept Initiative) tại Afghanistan và Iraq. Năm 2011, Raytheon và Rafael (Israel) đã hợp tác nghiên cứu một phiên bản tương tự Vòm Sắt, gọi là David’s Sling (hoặc Magic Wand, với tên lửa bắn chặn Stunner). David’s Sling được thiết kế để có thể bắn chặn được phi pháo và tên lửa tầm 40-300 km…