Mấy tháng nay nằm nhà, không được “cà rịch cà tang” đi gặp gỡ bà con hoặc bay xuống thung lũng hoa vàng San Jose thăm thú bạn bè. Mỗi ngày đi tới đi lui, ra ngoài vườn cắt cỏ, chăm sóc mấy bụi húng quế, sả, ớt, rau răm mãi cũng chán. May thay trên màn ảnh nhỏ, Netflix đang chiếu lại những bộ phim cũ về đề tài đua xe như: Bullitt, Le Mans với Steve McQueen; Ronin với Robert de Niro và Rush của Ron Howard nói về hai đối thủ Niki Lauda và James Hunt trong cuộc tranh giải Formula One. Ba cuốn phim nói trên với những màn đua xe hấp dẫn, rượt đuổi nhau trên đường phố San Francisco, Paris ngoằn ngoèo hoặc trên các trường đua ngập khói, đầy tiếng động cơ ầm ĩ… đưa ký ức tôi quay về những ngày mới định cư trên xứ Mỹ. Cái thời tôi say mê xe hơi và tốc độ đến độ không ngờ.
Năm 1975, sau vài tháng đầu đi học đi làm bằng xe đạp, tôi để dành đủ tiền mua một chiếc xe hơi cũ từ người láng giềng tốt bụng vừa bán vừa cho, với giá hai trăm đôla. Đó là cái xe Pontiac Lemans đời 1966 màu xanh lá cây có động cơ tám máy V 8 350 phân khối, bốn bộ phận hòa khí và 325 mã lực. Cái xe cũ sì nhưng lành lặn, không bị móp méo. Có cái xe đầu tiên trong đời, tôi o bế nó còn hơn cả o bế người tình, tuần nào cũng lụi cụi rửa ráy lau chùi. Nó lên nước bóng lộn.
Vùng tôi ở ngày đó, chưa có tiệm bán thực phẩm Việt Nam, chỉ lèo tèo vài tiệm Đại Hàn nhưng không có nước mắm. Mấy bà đồng hương Việt Nam cần đi làm giấy tờ, đi bác sĩ hoặc muốn mua nước mắm, gạo Jasmine Thái Lan… hay nhờ tôi lấy xe chở đi, chẳng hạn lên tận Philadelphia đi chợ vì ở đó đông dân Việt Nam, có bán đầy đủ thực phẩm Á Đông. Mấy bà đồng hương đó khôn khéo, có con gái đẹp đang đến tuổi cặp kê, hay dùng “mỹ nhân kế”:
– Nhờ anh chở bác và mấy em đi chợ. Chúa Nhật tới nhà bác dùng cơm với mấy em cho vui…
Đương nhiên tôi dại gì mà không vui lòng nhận lời, kèm theo nụ cười tươi như hoa. Nhiều lần trên đường đi chợ về với những bông hoa biết nói ríu rít bên cạnh, tôi nổi hứng tưởng mình là Steve McQueen nên sang số, phóng xe như bay trên xa lộ, làm mấy nàng thích thú rú lên, ôm chặt tay tôi, còn bà mẹ thì sợ xanh mặt… Nhờ cái xe Pontiac Lemans cũ mèm ấy, tôi được hưởng những bữa cơm gia đình ấm cúng và những tình cảm nên thơ thoảng qua, trong những ngày đầu cô đơn xa quê nhà.
Thuở đó trên thị trường xe hơi chưa có xe Nhật và xe Đại Hàn. Xe Ford và General Motors của Mỹ là nhất thiên hạ, với các loại xe của Dodge, Chevrolet, Chrysler, Pontiac… to lớn, chạy lẹ, đi êm nhưng uống xăng kinh khủng; rồi mới tới Mercedes và BMW. Cái xe Nhật đầu tiên được đem bán vào thị trường Mỹ năm 1973 là chiếc Honda Civic CVCC với động cơ 1169 cc 50 mã lực. Nó nhỏ đến nỗi có nhiều người chế giễu là có thể xếp bỏ vào trong cái va-li. Nó tốn rất ít xăng nhưng chậm rề rề. Cho nên cái xe thứ hai của tôi chọn vẫn là xe Mỹ: chiếc Pontiac Firebird Esprit đời 1973, màu vàng có động cơ tám máy V 8 400 phân khối và 200 mã lực.
Đây là cái xe trông rất thể thao, giống y hệt cái Firebird Esprit của James Garner trong chương trình tivi Rockford Files. Nhờ cái xe này, tôi đã làm quen được với một vài nàng học cùng trường. Một lần tan học ra, tôi đứng bên cạnh xe thì một nàng tóc vàng, mắt nâu, rất dễ thương, tiến đến bắt tay tôi, khen cái xe đẹp. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi mời nàng lên xe chở nàng về. Tên nàng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: Iona Winters. Iona cũng có nghĩa là màu tím nên tôi đặt tên Việt cho nàng là Mùa Đông Tím, hay ngắn gọn là Đông. Thế là nhờ cái xe, mối tình Việt-Mỹ đã nở hoa. Xin cám ơn chiếc Firebird Esprit đã cho tôi những kỷ niệm nhớ đời với nàng Đông tóc vàng ngày ấy.
Tôi nhớ thời gian này bộ phim Smokey And The Bandit với Burt Reynolds và Sally Field đang làm mưa làm gió trên màn ảnh lớn với cái xe Pontiac Trans Am màu đen có hình phượng hoàng phun lửa trên mui. Cho nên chiếc xe thứ ba của tôi là Pontiac Trans Am đời 1976 màu đỏ, động cơ V8, 400 phân khối với 225 mã lực. Với chiếc này, sau gần một năm định cư ở Mỹ, tôi đã làm một cuộc du ngoạn dài 1,300 dặm, từ tiểu bang Pennsylvanian xuống Louisiana thăm cậu mợ tôi. Tôi khởi hành lúc năm giờ sáng, từ Lancaster, Pennsylvania; lái 21 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ, qua các tiểu bang Maryland, West Virginia, Kentucky, Tennessee và Missouri; chỉ dừng đổ xăng và ăn vài cái bánh mì cho đỡ đói. Đến sáu giờ sáng hôm sau, vượt qua Mercedes-Benz Superdome và New Orleans Bridge là vào tới nhà cậu mợ tôi. Hai ông bà mừng rỡ, không ngờ tôi nhanh đến như vậy. Còn mấy đứa em họ bu quanh chiếc Pontiac Trans Am, bắt thằng anh này chở một vòng ra French Quarter ngồi nhâm nhi cà phê Du Monde.
Lúc về, trên xa lộ I-95, tôi lại nổi hứng tưởng mình là Burt Reynolds đang lái chiếc Trans Am trong phim Smokey And The Bandit. Tôi đạp chân ga, phóng hơn 110 dặm một giờ, để xem thử cái cảm giác “đang bay” trên xa lộ ra sao? Xin cám ơn chiếc Pontiac Trans Am đời 1976 đã cho tôi những cảm giác sống động khó quên và đi tới nơi, về tới chốn an toàn. Hồi đó, đi tới những chỗ xa lạ, mọi người chỉ có tấm bản đồ để tìm đường, chưa có G.P.S hoặc smartphone như bây giờ. Thế mà với tấm bản đồ đơn sơ, một chàng Việt Nam chân ướt chân ráo ở Mỹ vẫn đến đúng bon những địa chỉ cần tìm.
***
Cái xe thứ tư là chiếc Camaro Z 28 đời 1969 màu trắng, hai sọc đen phía trước mui và sau thùng xe, động cơ LT1 V8 5.7 lít với 350 mã lực, có hai ống khói bên hông, tiếng nổ vang trời. Mỗi lần tôi đi làm về, chỉ nghe tiếng động ầm ĩ, đám con nít trong xóm chạy ra bu quanh chỉ trỏ, trầm trồ với ánh mắt thèm thuồng. Có lần chỗ làm của tôi tổ chức ăn mừng New Year. Trên đường về, thằng Fred, bạn đồng nghiệp, thách thức tôi đua xe với nó trên xa lộ. Nó lái chiếc 1974 Dodge Challenger Magnum. Hai thằng rượt đuổi nhau như điên trên xa lộ bất phân thắng bại, may mà không bị cảnh sát câu lưu hoặc xảy ra tai nạn.
Sau lần đua xe trên xa lộ đó, thằng Fred lại thách thức. Mỗi cuối tuần cùng nhau đem xe lên Maple Grove Raceway ở Mohnton bang Pennsylvanian đua xe kéo (drag racing). Đua xe kéo là cuộc đua giữa hai chiếc xe nằm song song với nhau trước khoảng đường dài 1,000 feet. Chiếc nào đến đích nhanh nhất từ 0-60 giây trong khoảng 1/4 dặm thì được trao vòng hoa chiến thắng từ những cô nàng xinh tươi mơn mởn. Trong những cuộc đua của tôi và thằng Fred, có vài bạn cùng hãng, cả trai lẫn gái đi xem cổ võ và cá độ. Giữa tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc, khói bốc lên mù mịt của hai chiếc Challenger Magnum và Camaro Z28, tôi háo hức quyết thắng bằng được thằng bạn Mỹ háo thắng, và rồi tôi đã thắng hầu hết cuộc đua. Sau này nó bảo tôi: “Mày thắng tao là vì bàn tay Á châu của mày lanh lẹ đổi “gears” nhanh hơn tao, với lại tao mập thù lù nặng hơn ba trăm pounds trong khi mày còm nhom chỉ nặng hơn 135 pounds, làm gì cũng nhanh hơn tao”.
Cũng nhờ chiếc 1969 Camaro Z28 này mà tôi đã gặp một mối tình nồng nàn sôi nổi, tuy không đi đến đâu nhưng cũng cho tôi nhiều luyến tiếc, từ cuộc gặp gỡ trong cái Tết đầu tiên ở Mỹ với một cô gái Việt. Trong đêm cuối năm lạnh giá ấy, sau bữa tiệc tất niên với đồng hương Việt Nam, xe nàng hư, tôi đã ra tay nghĩa hiệp cho nàng quá giang về nhà trên chiếc Camaro Z28. Rồi hai chúng tôi đã có thời gian êm thắm cùng nhau, dù ngắn ngủi…
***
Cái xe thứ năm của tôi là chiếc 1970 Plymouth Barracuda xanh dương, tám máy V8, 340 phân khối với sáu bộ hòa khí và 390 mã lực. Nhớ lần tôi cho một nàng tóc nâu mắt xanh rất đẹp, trên cánh tay có xăm hình con rồng nhe nanh hitchhiking, đi nhờ. Tôi lái xe lòng vòng theo sự chỉ dẫn của nàng, cuối cùng tới… County Prison, nơi giam giữ những tội phạm khét tiếng. Tôi mở cửa cho nàng rồi sang số vọt lẹ. Sáng hôm sau, tôi tá hỏa tam tinh khi đọc trên trang nhất của tờ báo địa phương, đăng một tin sốt dẻo về một nữ quái bị bắt trong khuôn viên County Prison khi đang tìm cách đem đồ cấm vào phòng giam giúp bạn trai mình vượt ngục, kèm theo tấm hình của nàng. Thật là hú hồn vì hồi đó tôi chưa là công dân Mỹ, mới chỉ có thẻ xanh I-94, đụng đến pháp luật có thể bị trục xuất về Việt Nam ngay lập tức.
Cái xe Plymouth Barracuda tôi làm chủ trong một thời gian rất ngắn. Một đêm thứ Bảy, mưa mù mịt tối trời, xe bị một gã say rượu lái chiếc Caravan vượt đèn đỏ đâm sầm vào ngang đầu. Chiếc Barracuda bị húc mạnh văng ngang qua bên kia đường. May mắn thay tôi chỉ bị thương nhẹ, sây sát chút đỉnh…
*****
Giờ đây mái tóc điểm bạc, tôi ngao ngán nhìn chiếc Honda CRV bốn máy với hộp số CVT tự động mà tiếc cái thời oanh liệt nay còn đâu. Tôi nhớ lại cái thời mới qua Mỹ với tự ái dân tộc và tuổi trẻ háo thắng, lúc nào cũng muốn có những cái xe thể thao bóng lộn, sang số tay, nhiều mã lực, chạy thật nhanh, ăn thua đủ với những thằng bạn người Mỹ… Nhiều lần tưởng bỏ mạng nơi sa trường nhưng mà chắc nhờ phước đức ông bà để lại nên giờ này còn được ngồi đây, ghi lại những dòng này. Những chiếc xe của tôi hồi đó nếu còn giữ lại cho tới hôm nay chắc tôi đã có một gia tài nho nhỏ.
Tuần trước tình cờ coi trên tivi vài chương trình đấu giá xe nổi tiếng Barrett-Jackson Auction, tôi giật mình: chiếc xe 1966 Pontiac Lemans giá $2,900 lúc còn mới bây giờ đấu giá lên tới $35,000. Chiếc Firebird Esprit 1973 giá $3,687 bây giờ lên tới $36,900. Chiếc Firebird Trans 1976 giá $4,000 bây giờ $38,900. Chiếc Camaro Z28 đời 1969 giá $3,850 bây giờ $50,300. Chiếc 1970 Plymouth giá $3,900 nay đã lên tới $45,000. Còn chiếc Mustang Fastback của Steve McQueen trong phim Bullitt bán đấu giá ở Mecum Auction lên tới $3.4 triệu; trong khi chiếc Trans Am của Burt Reynolds trong phim Smokey And The Bandit mới đây được đấu giá ở Bring a Trailer tới $240,000!
Ôi, nhớ và tiếc quá những chiếc xe đầu tiên ở Mỹ, thời thanh xuân cùng những mối tình đẹp, thoảng qua như gió của tôi, ngày đó…