Hơn tám năm trước, bản nhạc Gangnam Style của ca sĩ Psy làm một cú “hit” mà ngay cả Psy cũng chưa bao giờ ngờ đến. Psy là một ca sĩ dòng nhạc K-Pop của Nam Hàn, ca hát, nhảy múa từ hàng chục năm trước nhưng dù có chút tiếng tăm trong nước cũng chẳng mấy gì gọi là thành công. Nhất là trên sân khấu âm nhạc thế giới.
Vậy mà chỉ một bài hát Gangnam Style duy nhất đã làm Psy đổi đời, nổi tiếng khắp thế giới. Psy được mời diễn trong chương trình nhạc đêm giao thừa ngay tại Times Square của New York có đến hàng trăm triệu người xem, được diễn chung với những ca sĩ thượng thặng thế giới, rồi xuất hiện trên truyền hình, báo chí khắp mọi nơi.
Ngoài người Đại Hàn, chẳng ai hiểu bài hát nói gì. Chỉ có cách nhảy, điệu bộ của Psy cùng tiết tấu vui nhộn, cuốn hút của bài hát đã mang đến thành công qua đêm. Gangnam Style qua mặt các ca sĩ ăn khách nhất của Mỹ và thế giới lúc bấy giờ để nhanh chóng đạt đến con số một tỷ lượt xem trên YouTube. Đó là MV nhạc đầu tiên đạt đến kỷ lục như vậy, lại chỉ trong vòng một thời gian ngắn, chỉ vài tháng vào cuối năm 2012. YouTube thậm chí đã phải thay đổi thuật toán để hiển thị con số lượt người xem vì khi thiết kế, họ chưa bao giờ nghĩ có một video nào đó lại có thể đạt đến con số hàng tỉ lượt xem như vậy.
Gangnam Style lần lượt leo lên hai, ba và dừng lại con số bốn tỉ lượt xem, nhưng hiện nay không còn là MV đứng đầu như lúc bấy giờ. Vì thật ra dù có vui nhộn, lạ lẫm và tạo được cú hit bất ngờ nhưng nó chẳng mấy giá trị gì trong âm nhạc hay nổi tiếng nhờ vào tài năng của Psy. Mọi điều kết hợp lại đã cho ra “hiện tượng Gangnam Style” như vậy. Sau bản nhạc này, Psy ra tiếp MV “Gentleman”, nhờ ăn ké theo “Gangnam Style” nên nó cũng có “tỉ view”. Nhưng đó là MV nhạc nhảm nhí, tục tĩu đến độ vô văn hóa, thiếu văn minh, xem thường phụ nữ đến mức khó tin với những cảnh quay trong phim.
Với thế giới, Psy xem như đã “xong phim”. Nhờ may mắn khi gặp “thiên thời” mà trở nên lừng lẫy. Nhưng Psy không thể kéo dài con đường, hiện tượng rình rang đó như những ca sĩ thượng thặng của thế giới. Bởi Psy không có tài năng và đẳng cấp của những người ca sĩ, nghệ sĩ xuất chúng. Bây giờ thì chẳng mấy ai còn để ý đến Psy, dù về sau anh ta còn ra hàng chục bài hát hay dĩa nhạc khác.
Nhắc lại câu chuyện của ca sĩ Psy bởi câu chuyện từ vài nữ doanh nhân cho đến luật sư hay “nhà” gì đó bên Việt Nam bỗng trở nên ồn ào, cuốn hút đám đông, có hàng chục đến hàng trăm ngàn người theo trên mạng xã hội cũng chỉ là câu chuyện của “Gangnam Style”. Ồn ào, hiện tượng nhưng nhất thời, vô giá trị, không phải nhờ khả năng thu hút đám đông mà vì chính câu chuyện thời sự, cảm xúc số đông đã tạo ra sự thu hút.
Chúng có giá trị mua vui, đáp ứng nhu cầu giải trí hay cảm xúc bột phát của đám đông vì cung cách, điệu bộ, lời nói lạ thường, phản cảm, thậm chí vô giáo dục, thiếu văn minh khi tung các tin tức giả mạo, suy diễn phi lý, phù hợp với không ít người Việt, những người thể hiện con người mình như vậy trong các cuộc tranh luận liên quan đến câu chuyện chính trường Hoa Kỳ trong vài năm qua. Khi đã hết đề tài chính trị nước Mỹ, chuyện khui nghệ sĩ ra nói sẽ là đề tài câu khách vì nghệ sĩ vốn đã nổi tiếng, được vô số người biết đến hay quan tâm.
Câu chuyện livestream của một nữ doanh nhân bên Việt Nam có vài trăm ngàn người xem và tạo ra một hiện tượng trên mạng xã hội khi thu hút sự chú ý, bàn luận của người Việt hiện nay cũng vậy. Những câu chuyện đúng sai của bà cũng mang giá trị mua vui cho những người tò mò, thỏa mãn tâm lý bức bối của mình. Và ngược lại, càng nhiều người xem, càng được nhắc đến thì người thực hiện livestream càng có được cảm giác như mình là một người quyền lực, một dạng “celebrity” danh tiếng, thu hút đám đông.
Nhìn vào vấn đề Việt Nam, khi một số nghệ sĩ, người mẫu tại Việt Nam bỗng dưng trở nên cực giàu, một số người trở nên cao ngạo, xem thường khán giả. Đời sống người dân khó khăn, cực khổ kiếm sống trong khi “đám nghệ sĩ” thì đếm hột xoàn, đi siêu xe, xài bóp hiệu lại thỉnh thoảng còn buông lời “dạy dỗ” rất khó nghe mà họ hoàn toàn thiếu tư cách. Nay có người chỉ mặt, chửi té tát vào mặt nghệ sĩ này, danh hài kia, một nhóm khán giả cảm thấy hả hê, được xả ra nỗi ấm ức. Phe nào đúng sai chẳng cần biết, chỉ nghe cho “đã”, cho “hả”. Vậy là trở thành hiện tượng, thành cơn lốc.
Câu chuyện chẳng có gì để “giải mã”, “phân tích” hay “bài học truyền thông” hoặc bất cứ điều gì liên quan đến tâm lý hay xã hội học mà một số người đã phân tích hay một số kênh truyền thông đã “đu trend” theo. Nó chỉ là hiện tượng “Gangnam Style Việt Nam”. Bột phát và nhất thời.
Nhưng Gangnam Style là câu chuyện âm nhạc vô hại, còn trong những vụ đã kể tại Việt Nam, khi người ta đăng đàn đăng tin giả mạo hay công khai chửi rủa, sỉ nhục lẫn nhau để được hàng ngàn người hào hứng vỗ tay, theo dõi, thậm chí cổ vũ, bênh vực và biến chúng thành hiện tượng như hiện nay, thì chỉ cho thấy có điều gì đó dường như chưa ổn lắm trong xã hội. Bởi đó là cách ứng xử bộ lạc, “đầu gấu” của giang hồ.
Nên nếu cần phải nói thẳng hơn thì xu hướng này là một bước lùi trong việc tiến đến một xã hội văn minh.