Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy quá khứ để kỷ niệm 100 năm  – Saigon Nhỏ

Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy quá khứ để kỷ niệm 100 năm 

Thao túng lịch sử – thổi phồng những thành tích và chiến thắng, xây dựng hàng loạt bảo  tàng và tượng đài trong khi che đậy thậm chí xóa bỏ những sai lầm và tội ác trong quá khứ – nhằm lừa mị người dân là thủ đoạn thường xuyên của đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) và các đảng độc tài tương cận. Vào lúc đảng CSTQ kỷ niệm 100 năm thành lập vào thứ Năm sắp tới, chiến dịch lừa mị này càng được đẩy mạnh.

Tại ngôi nhà mà Mao Trạch Đông và 12 người khác đã gặp nhau 100 năm trước bàn chuyện thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ), Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình mới đây đã cùng các nhân vật lãnh đạo Bộ Chính trị đọc lời thề giữ vững các nguyên tắc và “hy sinh tất cả” vì đảng và nhân dân.

Khoảng sân tối tăm của một ngôi nhà ít ai biết tới ở Thượng Hải năm 1921 bây giờ là một đài tưởng niệm xa hoa, một tâm điểm chú ý khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản, tổ chức cai trị quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bây giờ địa điểm diễn ra đại hội đảng đầu tiên đó là nơi ghi lại “nỗi nhục nhã” của Trung Quốc dưới tay các lãnh chúa và đế quốc, sự “thức tỉnh” của nó vào đầu thế kỷ 20 và sự hồi sinh sau chiến thắng của đảng năm 1949 trong một cuộc nội chiến mà cuối cùng những người theo chủ nghĩa quốc gia của Tưởng Giới Thạch phải lưu vong ra đảo Đài Loan.

Đài tưởng niệm nằm lọt thỏm trong một khu phố cao cấp với các cửa hàng và nhà hàng phản ánh một điều gì đó rộng lớn hơn: một dự án tạo ra huyền thoại nhằm khuếch đại thông điệp của Trung Quốc ở trong và ngoài nước, tuân theo lời kêu gọi của ông Tập là hãy kể những câu chuyện tích cực hơn về Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc ăn mừng, nó vẫn tiếp tục xóa bỏ quá khứ.

Một đoạn video gây xôn xao đã nêu bật những thành tựu đáng tự hào nhất của Trung Quốc, bao gồm việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng uy tín và chuyến bay không người lái lên sao Hỏa gần đây.

Nhưng ĐCSTQ cũng bỏ qua là những biến động lớn của thế kỷ 20 mà các nhà sử học cho rằng đã giết chết hàng triệu người Trung Quốc: nạn đói trong chiến dịch “Đại Nhảy Vọt” năm 1958-1960, thập niên hỗn loạn “Cách mạng Văn hóa” từ năm 1966 và cuộc thảm sát hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người hoạt động dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Robert Bickers, một nhà sử học về ĐCSTQ tại Đại học Bristol của Anh nhận xét: “Có rất nhiều sự kiện lịch sử của đảng mà đảng cần phải quên. Đảng đã dành rất nhiều nỗ lực trong suốt 100 năm qua để bảo đảm rằng chỉ có một câu chuyện thống nhất về lịch sử đảng được tôn vinh.”

“Chủ nghĩa hư vô lịch sử”

Đảng CSTQ từ lâu đã tìm cách kiểm soát lịch sử. Nỗ lực đó đã được tăng cường dưới thời ông Tập Cận Bình, người đã phát động chiến dịch chống lại “chủ nghĩa hư vô lịch sử” – một khái niệm được định nghĩa là bất kỳ nỗ lực nào sử dụng quá khứ để đặt nghi vấn về vai trò lãnh đạo của đảng hoặc “tính tất yếu” của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc.

Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã thành lập một đơn vị chuyên về lịch sử để tuyên truyền câu chuyện chính thức về quá khứ mà đảng CSTQ muốn truyền tới người dân. Năm nay, Bắc Kinh đã thiết lập một đường dây điện thoại nóng để người dân báo cáo cho chính quyền về những lời nói hoặc hành vi bị coi là chủ nghĩa hư vô lịch sử.

Glenn Tiffert, một nhà sử học tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, cho biết chiến dịch kiểm soát lịch sử này phản ánh sự bất an của đảng và bắt nguồn từ việc ông Tập lo ngại rằng đảng CSTQ có thể sụp đổ giống như đảng anh em ở Liên Xô, bị lật đổ vào năm 1991. “Dường như đó là một mối bận tâm đặc biệt của ông ta ngay từ đầu. Đó là một phần của cách tiếp cận tổng hợp, có hệ thống hơn nhằm thiết lập lại quyền lực của đảng và bảo đảm nó không đi theo con đường của đảng Cộng sản Liên Xô,” ông Tiffert nói.

Bất chấp những nỗ lực của ông Tập nhằm nhấn mạnh tính liên tục của những nỗ lực kéo dài hàng thế kỷ của đảng CSTQ nhằm trẻ hóa đất nước Trung Quốc, khu tưởng niệm ở Thượng Hải cho thấy đảng đã đi xa khỏi cội nguồn của mình.

Trong khi đảng mô tả những thập niên đầu tiên của mình như một thành công của các ý tưởng của chủ nghĩa Marx, nhưng nó không đề cập đến những mâu thuẫn lý thuyết cho phép đảng vứt bỏ chủ nghĩa tập thể của thời Mao và khởi động các cải cách thị trường biến nền kinh tế Trung Quốc thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nền kinh tế bất bình đẳng nhất.

Một danh sách “các sự kiện và số liệu” của đảng do Nhật báo Thượng Hải chính thức công bố trong tháng này hầu như không đề cập đến ý thức hệ, mà nói rằng sứ mệnh của đảng là “tìm kiếm hạnh phúc cho người dân Trung Quốc và trẻ hóa đất nước Trung Quốc”.

Tiffert nói: “Không phải là về niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa, mà là vào hàng hóa. Và để duy trì điều đó, họ muốn che đậy tất cả những sai lầm.”

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo