Thời 7x
Xin được kể câu chuyện của chính tôi từng trải.
Khi vào lớp 10, tôi học ở một lớp có nhiều xã trong huyện. Ngày đầu tiên nhận lớp, một nhóm bạn ở xã TT nói với giáo viên với những từ như “Thưa cô”, “cảm ơn”, “xin lỗi”. Tất thảy chúng tôi đều kinh ngạc. Còn tôi, dù đã đọc tiểu thuyết Sài Gòn từ vài năm trước, nhưng cứ nghĩ, đó có lẽ là trong truyện thôi, chứ ngoài đời không ai nói với nhau như thế, ngượng lắm. Chúng tôi đều là những đứa trẻ ngoan, học tốt, tự lập, chăm đọc sách. Vậy mà còn bỡ ngỡ với văn hóa tối thiểu như vậy đó.
Nói tục, chửi bậy là bản sắc của quê tôi thời bấy giờ. Làng tôi, chuyện trẻ con nói trống không, anh chị em xưng hô mày tao, nói tục bậy là rất bình thường. Và không ai ý thức về sự xấu của nó. Chị em tôi khi đó dù trứng gà trứng vịt lô xô ngang tuổi, nhưng không nói tục, xưng hô chị, em mà đã nổi tiếng cả làng là ngoan. Đến nỗi, nhóm trẻ trong làng tôi chơi thân với nhau, đã có sáng kiến, hễ đứa nào nói tục thì bị… tát một cái vào miệng cho nhớ. Trò chơi này chúng tôi thực hành từ năm lớp 6, tới lớp 8, một đứa bạn theo gia đình đi vào vùng kinh tế mới thì chấm dứt, cũng là lúc cả nhóm không còn ai dùng từ tục.
Thế hệ năm 2000
Làng tôi bây giờ không còn đứa trẻ nào nói tục. Thưa gửi lễ phép, bao giờ cũng có kính ngữ với người trên. Nhưng việc giáo dục con cái của bố mẹ chúng vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói lắm. Ví dụ, mấy đứa cháu tôi rất ngoan, hiểu chuyện, biết quan tâm, chia sẻ, bảo ban nhau. Nhưng bố mẹ chúng vẫn hay có kiểu quát con trước đông người, như một cách thể hiện uy phong, mà không ý thức rằng, mình đang lạm dụng quyền và xúc phạm con vô lối. Chị em nhiều lần xung đột về cách giáo dục trẻ. Tôi cho rằng, không cần và không nên nặng lời với con như thế, bọn trẻ thế là ngoan rồi. Bố chúng thì cãi lại rằng, nếu không nghiêm thì chúng có được như thế không. Thậm chí, còn cho rằng, bác cứ chiều sẽ làm hỏng cháu, mỗi nhà mỗi cách dạy, không được can thiệp.
Trở lại chuyện ngôn từ. Nhiều ông bố bà mẹ hay dùng những từ để mắng con: Dốt thế, con ngu này, thằng đầu đất… Hồn nhiên hơn nữa là bình phẩm, phê phán: Mày béo như con lợn, chân như cái cột đình, lười như con hủi, đồ ba que xỏ lá, mày như ngụy, như giặc. Đó là những câu nói BÌNH THƯỜNG trong rất nhiều gia đình ở miền Bắc. Riết rồi họ không ý thức được đó là cách nói xúc phạm người khác, người bị xúc phạm có khi nghe mãi cũng quen. Các bạn thấy không, “ngụy”, “giặc”, “ba que”… là những từ dùng rất vô thức, tôi dám chắc những từ ấy chỉ có từ khi đất nước chia đôi. Và nhiều thế hệ bị tiêm nhiễm ngay từ khi rất nhỏ, “ngụy là giặc”, “lá cờ vàng ba sọc” là thứ xấu xa…, rồi bị ấn tượng in sâu vào não, khi cần thể hiện bức xúc, thì nó bật ra tự nhiên như một phản xạ có điều kiện.
***
Hôm mới đây, tôi cho con gái đi ăn KFC. Gặp một gia đình có bốn thằng con trai. Có vẻ cô ấy sinh hai lần và mỗi lần đều sinh đôi. Hai đứa lớn độ năm tuổi. Hai đứa nhỏ khoảng hơn hai tuổi. Khi người mẹ đi gọi đồ ăn thì hai thằng lớn la hét, nhảy từ mặt bàn xuống, chửi nhau, đẩy nhau, ồn ào không thể tả. Một lát mẹ chúng lên. Hai thằng em theo sau, một thằng la lối lăn lộn từ cầu thang lên, một thằng khóc từ lúc vừa vào cửa hàng, tới tận bây giờ. Ban đầu, tôi nghĩ, một nách bốn thằng con trai, mẹ lại chưa có kinh nghiệm, nên thông cảm.
Nhưng khi đồ ăn lên, bọn trẻ vẫn vừa ăn vừa cãi lộn, tiếng khóc, tiếng la như chợ vỡ, rồi mẹ nó cũng vừa ăn, vừa chửi con, gào thét như chỗ riêng nhà mình. Tôi bắt đầu hiểu, mẹ nó không được giáo dục, không có kiến thức tối thiểu làm mẹ và không biết giáo dục con. Xin lỗi, phải nói rõ lời chửi của mẹ nó, thế này, Đcm chúng mày, im mà hốc đi. Tao đập chết cha chúng mày bây giờ. Đcm chúng mày, lúc nào cũng cãi nhau, tao thì đập chết tươi chúng mày đi cho rảnh nợ. Cụ nhà chúng mày hành tao… Và vô vàn câu chửi rủa khác. Bọn kia la to thì mẹ trẻ la to hơn, bất chấp những ánh mắt khó chịu của mọi người xung quanh. Cạnh đó, một gia đình khác có hai bé gái cũng tầm 5-6 tuổi. Ông bố đi kèm. Hai đứa vừa ăn vừa chạy nhảy nô đùa, tất nhiên là vui vẻ. Nhưng ông bố quát, Hai con điên kia ngồi vào ăn ngay, nô như giặc cái thôi. Hai cô bé vẫn say sưa đuổi bắt và ông bố tiếp tục cằn nhằn bằng những từ ngữ khó nghe. Hẳn nhiên, ông bố trẻ và nhiều người cho rằng, đó là lời “mắng yêu”.
Lần khác, đi rút tiền ở cây ATM. Tôi đứng sau một bà mẹ trẻ, có bé gái cũng khoảng năm tuổi đi theo. Con bé nghếch cổ nhìn mẹ, mẹ nó quay ra quát, Đcm con ml kia, tao bảo mày trông xe, mày xớn xác đi đâu thế, nó lấy mất cụ mày xe thì đi bằng gì. Tao lại tát vỡ mặt mày ra bây giờ… Những ông bố bà mẹ tôi nói trên, không phổ biến nhưng cũng không cá biệt. Nhìn cách họ và con cái ăn mặc, xe họ đi, thì hiểu họ cũng chăm chút cho con về vật chất, và không phải người nghèo khó. Nhưng họ ăn nói tục tằn, lỗ mãng. Mà mấy đứa trẻ nhìn rất khôi ngô, dễ thương, có lẽ cũng dễ dạy nữa.
Nhiều thế hệ người Bắc như vậy. Nhiều đứa trẻ lớn lên thành trí thức, làm lãnh đạo, giữ nhiều trọng trách của xã hội từ “bầu khí quyển” như vậy, kèm theo nội dung giáo dục nhồi sọ, thiếu khai phóng, ít tính nhân văn. Nếu không có nhận thức tiến bộ thì sẽ sao y bản chính, sao y nguyên nền giáo dục được thừa hưởng. Những phiên bản xấu mang cổ cồn, cà vạt. Họ không ý thức được chuyện ngồi tiếp khách thì phong thái, quần áo, đầu tóc phải ra sao. Họ không hiểu được ngôn ngữ phòng the, ngôn ngữ đầu đường xó chợ khác với ngôn ngữ chính trường thế nào. Họ quen ăn nói xuề xòa từ gia đình, rồi bê nguyên xi ra xã hội. Họ, tất nhiên không hiểu nổi tại sao lại bị công chúng chỉ trích, và họ chỉ còn nước kết luận: Đó là bọn “ba que”, “ba sọc”, là “thế lực thù địch”, là “phản động”. Lớp trẻ, thì ngoài chương trình giáo dục nhồi sọ từ các giáo viên cũng bị nhồi sọ, kèm theo những lời mắng mỏ được dùng theo thói quen của cha mẹ, đã hình thành ngay tiềm thức trong đầu: Dân Nam là “ngụy”, là “giặc”, cờ ba sọc là “cờ giặc”…, và vẫn tiếp tục có lối suy nghĩ bạo lực (dù bình thường không dùng từ ngữ xấu, độc, chỉ khi phản ứng tiêu cực mới bật ra).
***
Tôi kể những câu chuyện như trên, để các bạn miền Nam hiểu rằng, ngay từ trong gia đình, với người ruột thịt, ra tới nhà trường, xã hội, dân Bắc đã bị nhiễm không khí văn hóa tiêu cực, độc hại, và đôi khi, hằn học, thù địch. Nên họ phát tán điều đó là tất yếu. Không chỉ bộc phát với người bên kia vĩ tuyến, mà là cách ứng xử của họ với nhau, hàng ngày. Hiểu, để thông cảm, để thương nhau. Nếu các bạn bị đặt vào cái nôi như vậy, các bạn cũng không chắc khác hơn đâu.
Một bậc đàn anh đã chia sẻ với tôi thế này: “Anh là con nhà di cư, bố anh cũng trong quân đội (từ trước 1954) nên sau 1975, hai cha con cùng đi tù (và có lúc số phận run rủi hai cha con cùng nằm một trại – khỏi nói là đau xót lắm). Họ hàng bên bố anh ở lại ngoài Bắc, nhiều người cũng trung kiên với đảng lắm, có cả ông lên đến tướng; nhưng sau này chính các ông ấy vào Nam tìm bố mẹ anh và bảo: “Làm thế nào thì làm nhưng phải cố tìm đường mà đi thì con cháu mới có cơ hội sống làm người được”!
Anh vẫn chẳng có gì hối tiếc về việc tham dự của anh vào cuộc chiến ấy – dẫu là sự đưa đẩy ngoài tầm tính toán của mình, và của cả dân tộc – nhưng anh vẫn tự hỏi và tự đặt mình vào vị trí của những người bên kia chiến tuyến; giả dụ như năm 1954 không di cư được! Vì thế anh không quen với cách lý luận thô thiển, sặc mùi chủ nghĩa của cả hai phía về “kẻ địch”. Anh cũng đã đọc khá nhiều hồi ký, sách vở ghi chép ký ức của những người có địa vị ở cả hai miền. Và anh tự kết luận một cách ngậm ngùi rằng “Cái số dân tộc mình nó thế”.
Hôm trước, một người bạn vong niên là sĩ quan VNCH nhắn tin kể rằng, anh đang ngồi uống bia chờ xem bóng đá với gã bạn Bắc cộng. Tụi anh đã bắn nhau chí chết ở Thành Cổ mà vẫn toàn mạng, giờ là bằng hữu. Nhìn về quê hương, thấy lớp trẻ vẫn tiếp tục chiến tranh, buồn quá.
Hiện tại, nhiều thầy cô giáo, nhiều bậc phụ huynh tiến bộ đã nhận thức được cần thay đổi cách giáo dục con người. Tự sửa từ bản thân tới sửa cho con em. Nhìn vào học trò, tôi hy vọng tới một ngày, lớp trẻ chắc chắn văn minh hơn cha chú. Và sẽ cư xử với nhau trên tình thân hữu, không còn những từ ngữ sát thương, thù hận, chia cắt. Sẽ tới lúc những sản phẩm què quặt của giáo dục sẽ chết hết đi, và lớp người mới thay thế. Chúng không bị ảnh hưởng bởi nghi kỵ, phân biệt, kỳ thị của người lớn. Ngày mai sẽ khác. Không còn là những ngày buồn. Không còn khiến các bậc tiền bối có cái nhìn rộng mở phải dằn vặt xót xa. Tôi tin như vậy.
(Tác giả là một giáo viên sống ở Hải Phòng)