“Attacking at speed” (Tấn công tốc độ) là mục tiêu của dự án quốc phòng Army Project Convergence được Bộ Quốc phòng Mỹ thử nghiệm trong nhiều năm để hiện thực hóa “cuộc chiến tranh nhanh như tia chớp” (lightning-fast war) của quân đội Mỹ. Trí khôn nhân tạo (AI) với khả năng tự phân tích chiến trường và đưa ra ngay giải pháp thích đáng tức thì có vai trò rất quan trọng trong dự án này.
Những cuộc thử nghiệm tấn công nhanh
Tháng Mười 2020, Ngũ Giác Đài đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên của dự án quốc phòng Army Project Convergence 2020 (PC 2020) để bảo đảm nước Mỹ duy trì thế thượng phong trong cả tấn công lẫn phòng thủ trước những kẻ thù “xác định”. Cuộc thử nghiệm là “bản sao” của những trận đánh qui mô đầy đủ bắn đạn thật được phối hợp tác chiến ở mức hoàn hảo với sự tham gia của các máy bay do thám nhỏ, vệ tinh hướng dẫn trọng pháo mặt đất và hệ thống chiến tranh mạng siêu nhanh dùng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thử nghiệm PC 2020 về khả năng tương tác giữa vũ khí và AI sẽ làm thay đổi sâu sắc các cuộc chiến tương lai, kể cả cách vận dụng vũ khí, chiến lược và chiến thuật của các loại vũ khí hiện đại để giành thế thượng phong trên chiến trường. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại khu vực Yuma Proving Grounds, bang Arizona, gồm các giai đoạn khác nhau để đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch tác chiến mới mà mục tiêu tối hậu là làm tê liệt nhanh nhất hệ thống phòng thủ của kẻ thù, cả trên không lẫn dưới mặt đất.
Giai đoạn hai, theo giải thích của tướng Ross Coffman, người điều phối cuộc thử nghiệm PC20 là “Giai đoạn hủy diệt” (disintegration phase), khi các máy bay tác chiến từ trực thăng, máy bay không người điều khiển và máy bay không người lái mini (mini-drone) Air Launched Effects phối hợp phát hiện và tiêu diệt vũ khí chính xác tầm xa của kẻ thù. Còn giai đoạn ba và là giai đoạn cuối cùng sẽ sử dụng cả lực lượng xe bọc thép mặt đất phá hủy vũ khí và công sự đối phương.
“Cả ba giai đoạn thử nghiệm sẽ chứng minh tính hiệu quả của kế hoạch tác chiến phối hợp nhanh của các lực lượng được điều động cùng sự tham gia lớn hơn của AI, thậm chí AI giữ vai trò chủ đạo” – Coffman nhận định. Quân đội Mỹ đang đẩy nhanh kế hoạch “Army Project Convergence 2021” với sự tham gia của cả các đồng minh quốc tế nhằm tăng cường mức phủ trùm cả trên không lẫn dưới mặt đất. “Cuộc thử nghiệm năm 2021 sẽ có sự tham gia của tên lửa tấn công chính xác PRsM (Precision Strike Missile) và máy bay tàng hình F-35” – Bộ trưởng lục quân Ryan McCarthy nói. Hiện F-35 chỉ đóng vai nhỏ trong cuộc thử nghiệm 2020 với vài chiếc F-35B của lực lượng Marine Corps.
Xe tác chiến chính xác thế hệ mới (NGCV)
Đáng chú ý ở giai đoạn một của cuộc thử nghiệm là các cỗ Xe tác chiến Thế hệ mới (Next-Generation Combat Vehicle-NGCV). Nhờ công nghệ Mắt thần bảo vệ chống mìn và xe Humvee (Humvees and Mine Resistant Ambush Protected), các cảm biến lắp đặt trên NGCV sẽ gửi thông tin chính xác về mục tiêu cho hệ thống dẫn đường thông minh FIRESTORM được trang bị AI để nó xử lý và đưa ra hướng dẫn tối đa hóa cú bắn phá hủy mục tiêu (giả định ở đây là xe tăng T-72). Trong cuộc thử nghiệm, nhờ sự giúp đỡ của FIRESTORM, các NGCV đã tiêu diệt được nhiều xe thám sát BMP Army.
Trước đó, cuộc thử nghiệm trọng pháo Howiter bắn tên lửa tại trường bắn Yuma Proving Grounds ở bang Arizona (cũng thuộc dự án PC 2020) đã thành công. McCarthy cho biết khi một số hệ thống vũ khí mới đạt đến mực hoàn hảo về kỹ thuật chúng sẽ được đưa vào NGCV. Sau khi hệ thống mạng cảm biến (sensor) và radar phòng không (Army Integrated Battle Command System-IBCS) thử nghiệm thành công vũ khí laser Limited User Tests, năm tới hệ thống này cũng sẽ được trang bị cho NGCV.
“Mục tiêu của các thử nghiệm NGCV trong tương lai là để khám phá thêm khả năng “hội nhập” giữa công nghệ và chiến thuật trong một cuộc tấn công nhanh. Dĩ nhiên chúng phải đáp ứng được tất cả yêu cầu cụ thể trước khi được đưa vào biên chế” – Trung tướng Michael Flynn, giám đốc dự án G-3/5/7 nói. “Việc hệ thống dẫn đường thông minh FIRESTORM đóng góp rất tốt vào tác chiến nhanh và chính xác cho thấy các hệ thống tác chiến mạng ngày càng hiệu quả. Đó là nhờ vào chất xám của các nhà khoa học tài ba và các kỹ sư giỏi.
Họ đã viết lại các phần mềm chỉ huy, điều phối và xác định mục tiêu để nâng cao tính hiệu quả của chúng – McCarthy nhận định – Tính ưu việt của cuộc chiến tranh nhanh đã được định hình và sự trợ giúp của công nghệ thông tin cũng được chứng minh. Đây là lý do chính khiến quân đội Mỹ đang đẩy nhanh thử nghiệm. Chúng tôi tuyển dụng và tăng cường đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên viên máy tính tài năng, có khả năng tiếp cận, nghiên cứu và phát triển những yếu tố cần thiết cho một cuộc chiến tranh ‘nhanh như tia chớp’, một yêu cầu quan trọng của chiến tranh hiện đại”. Quân đội xây dựng cả các phòng thí nghiệm phần mềm mới và sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với các viện nghiên cứu như Carnegie Mellon để xúc tiến các chương trình đào tạo Master công nghệ cao cho các nhà khoa học trẻ đầy hức hẹn.
DARPA và kế hoach gom chất xám công nghệ
Flynn nhận định tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi rất cần chuyên viên viết phần mềm để viết lại các thuật toán cho AI, đáp ứng yêu cầu cao hơn của cuộc chiến tranh tương lai, trong đó yếu tố bất ngờ và tốc độ giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng tôi không thể chờ đợi mà phải sớm bảo đàm chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khi sự nhanh nhạy đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chậm là chết!”. McCarthy đánh giá cao vai trò chủ đạo của công nghệ thông tin và AI trong một cuộc tấn công nhanh.
Ngũ Giác Đài muốn “biến nhanh thành hiện thực” với sự tham gia của các khí tài như máy bay không người lái Predator được sử dụng trong cuộc chiến Kosovo và Mắt thần chống gài mìn vệ đường (Mine Resistant Ambush Protected) ở Iraq và Afghanistan. “Chúng tôi không thấy mức độ khẩn cấp nào như thế kể thập niên 1980 trong việc chuẩn bị cho cuộc chiến chớp nhoáng cả trên không lẫn trên bộ” – McCarthy nói. Hiện Ngũ Giác Đài đang nâng mức tích hợp AI vào các khí cụ chiến tranh lên một bước mới và qui mô hơn.
Cơ quan nghiên cứu các dự án tiến bộ (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA) của Bộ Quốc phòng đang phát triển một công nghệ mang tính đột phá chưa từng có về AI và đi tiên phong về tăng cường an ninh mạng để bẻ gẫy tất cả các kiểu tấn công của kẻ thù vào cùng một thời điểm, đồng thời chận đứng các kiểu tấn công mới chưa từng được sử dụng trên chiến trường. Dự án “Lifelong Learning Machines” (L2M) do DARPA chủ trì được phát triển cho những cuộc chiến tranh sắp diễn ra, trong đó các khí cụ chiến tranh được trang bị AI có khả năng “phân tích và đưa ra các phản ứng kịp thời và chính xác trong thời gan thực”.
“Làm sao để hệ thống có thể tự sàng lọc luồng dữ liệu gửi về rồi tự phân tích, điều phối và chỉ ra cách phản công nhanh và hiệu quả nhất là yêu cẩu tối hậu của một cuộc chiến tranh hiện đại. Có thể xử lý đúng lúc trong thời gian thực và đưa ra đối sách hợp lý nhất khi phát hiện một kiểu tấn công chưa từng thấy cũng rất quan trọng. Nếu không, chúng ta sẽ bị thua” – Hava Siegelmann, quản lý chương tình DARPA tại Văn phòng sáng kiến thôngg tin (Information Innovation Office) kiêm giáo sư khoa học máy tính tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nói.
Nguồn tham khảo: The New York Times