Nhân vật nữ gốc Á trên màn bạc Hollywood thay đổi như thế nào?

Minh họa: Eric TERRADE/Unsplash
Share:

Trong lịch sử hình thành và phát triển, Hollywood không hề dễ dãi với các đại diện của cộng đồng người Mỹ gốc châu Á. Chỉ cách đây năm năm, đêm trao giải Oscar đã khiến người châu Á phải chau mày khi trên sân khấu có ba trẻ em châu Á hóa trang thành… nhân viên kế toán của công ty PricewaterhouseCoopers (ý muốn bông đùa về định kiến ​​người châu Á chỉ giỏi có toán và lắp ráp iPhone!). Mất thêm một, hai năm nữa, Hollywood mới có những bước tiến đáng kể để tăng tỷ lệ đại diện châu Á trên phim ảnh và truyền hình.

Lịch sử của những định kiến có hại

Thành công của bộ phim Crazy Rich Asians (2018) bắt đầu mở ra cánh cửa, cho phép “những câu chuyện mang nội dung châu Á” được đi vào phim điện ảnh và phim truyền hình Hollywood nhưng vẫn do người châu Á “Tây hóa” đóng vai chính hoặc làm đạo diễn. Tuy nhiên, trước thực tế rằng người châu Á là lực lượng đáng kể đem lại tiền bạc cho Hollywood, các hãng phim dần nhận ra sức hút của các dự án do người châu Á làm đầu tàu.

Lucy Liu trong Charlie’s Angels (Sony Pictures)

Kết quả là tỷ lệ đại diện của người châu Á tăng đáng kể trong các bộ phim Hollywood kể từ năm 2014. Tuy nhiên, làm sao để người châu Á có nhiều vai diễn hoặc vị trí trong đội ngũ sản xuất mới thực sự ý nghĩa. Đặc biệt là đối với phụ nữ châu Á, những người trước đây thường bị Hollywood xem là “quá nữ tính, nhu nhược” hoặc “kỳ lạ”, không mạnh mẽ như phụ nữ phương Tây!

Kể từ thời kỳ sơ khai Hollywood, phụ nữ châu Á được “mặc định” cho các vai tình dục và thấp kém. Trong bộ phim Chiến tranh Việt Nam Full Metal Jacket (1987), có cảnh một gái mại dâm Việt Nam nói với những người lính Mỹ: “Yêu anh cuồng say, yêu anh dài lâu!”. Đoạn thoại này sau đó xuất hiện trong ca khúc Me So Horny của nhóm nhạc 2 Live Crew, bản hit Baby Got Back năm 1992 của nhóm Sir-Mix-a-Lot và trong ba bộ phim The 40-Year-Old Virgin, South Park, và Family Guy. Chưa kể trong nhiều phim khác.

Theo “truyền thống” Hollywood, nếu phụ nữ châu Á không phải là “hoa sen” thì họ là “long nữ (dragon)! Rốt cuộc, hình ảnh nhân vật nữ châu Á trên màn bạc đều là “những kẻ gian ngoan và nguy hiểm”! Giở lại lịch sử, sự qui chụp này có liên quan đến nữ diễn viên Anna May Wong, người đóng vai kẻ hung ác trong bộ phim The Thief of Baghdad (1924) và Daughter of the Dragon (1931).

Maggie Q (lai Mỹ-Việt), một trong những gương mặt châu Á quen thuộc trên màn bạc Mỹ, thường xuất hiện với các vai hành động máu lạnh (Netflix)

Trường hợp Lucy Liu và sự thay đổi chậm chạp

Thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, diễn viên gốc Hoa Lucy Liu phải cam chịu đóng những nhân vật lạnh lùng, gợi tình trong các bộ phim như Ally McBealKill Bill của đạo diễn Quentin Tarantino. Khi sự nghiệp thăng tiến, Liu được giao một trong những vai diễn chính của loạt phim hành động Charlie’s Angels và một số bộ phim nhựa/truyền hình thành công như Elementary, Why Women Kill – khi mà màu da không phải là điều còn đáng quan tâm.

Một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Nancy Wang Yuen, tiến sĩ Stacy L. Smith và tổ chức USC Annenberg Inclusion Initiative (chuyên nghiên cứu về giới tính và sắc tộc) cho thấy người thuộc Cộng đồng Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương (API) đã tham gia trên 1,300 bộ phim có doanh thu cao nhất từ ​​năm 2007-2019. Nghiên cứu cho thấy API chiếm 5.9% trong số 51,159 vai diễn trong 1,300 phim có doanh thu cao nhất, tức chưa bằng 7.1% dân số API tại Hoa Kỳ. Báo cáo cũng phát hiện các nhân vật bị “rập khuôn” rất nhiều, chủ yếu là vai phụ và vai xấu (phản diện).

Jessica Yu Li Henwick trong series Games of Thrones (HBO Max)

Những định kiến ​​của Hollywood về phụ nữ gốc Á cũng ảnh hưởng lâu dài đến cách đánh giá phụ nữ Mỹ gốc Á trong thế giới thực. Việc kẻ bắn súng tại spa ở Atlanta năm 2021 giết chết tám người (mà sáu nạn nhân là phụ nữ châu Á, tuyên bố “chứng nghiện sex” đã thúc hắn nổ súng) là minh chứng nữa cho thấy việc đánh đồng phụ nữ châu Á với tình dục đã đi quá giới hạn “định kiến”.

Khi nạn tội phạm căm thù người Mỹ gốc Á tăng ở Hoa Kỳ, tổ chức Stop AAPI Hate công bố báo cáo mang tính cảnh giác: Phụ nữ châu Á đang trở thành nạn nhân của tội ác thù hận, nhiều gấp đôi so với nam giới. Thống kê cho thấy phụ nữ chiếm 68% các vụ tội ác thù hận người châu Á được ghi nhận. Một số báo cáo khác cũng chỉ ra sự thay đổi chậm chạp trong trong lĩnh vực truyền hình và điện ảnh.

Những tín hiệu vui

Từ 2018-2019, dịch vụ phát hành phim trực tuyến Netflix đã ủy quyền cho USC Annenberg Inclusion Initiative nghiên cứu “chấn chỉnh nội dung các kịch bản phim” do Netflix sản xuất để thực hiện cam kết “tăng dần sự hòa nhập chủng tộc/dân tộc”. Báo cáo cho thấy các vai chính hay đồng vai chính do người gốc Châu Á đảm nhận chỉ đạt tỷ lệ 4% và 7%. Tương tự, báo cáo của Trung tâm Phụ nữ trên màn ảnh truyền hình (The Center for Women in Television) khi khảo sát mùa giải 2019-2020, sau khi kiểm tra các kênh truyền hình cáp và các dịch vụ cung cấp phim trực tuyến, đã cho thấy rằng, phụ nữ châu Á chiếm 8%  số nhân vật nữ chính trên truyền hình, tăng 1% so với mùa trước.

Gemma Chan (Trần Tĩnh), diễn viên người Anh gốc Hoa, trong Crazy Rich Asians (HBO Max)

Báo cáo “UCLA-Hollywood Diversity 2021 Report – Film”, dựa vào 185 bộ phim chiếu rạp và phát hành qua các dịch vụ trực tuyến năm 2020, cũng ghi nhận sự gia tăng vai trò của người châu Á đến mức gần bằng tỷ lệ dân số cộng đồng này tại Hoa Kỳ, trong đó phụ nữ vượt qua nam giới.

Nhiều phụ nữ châu Á làm việc trong công nghiệp điện ảnh Hollywood cũng nhận thấy sự thay đổi. Phim truyền hình và phim điện ảnh đang miêu tả các nhân vật châu Á với nhiều sắc thái. Chỉ trong hai năm trở lại đây, các phim như The Half of It, The Farewell, Always Be My Maybe, Shadow and Bone, Never Have I Ever, PEN15, Kung Fu, Plan B, Devs, Nora from Queens, The Babysitter’s Club, bộ ba phim To All the Boys, và Killing Eve chung tay kể những câu chuyện mới mẻ về phụ nữ châu Á với sự xem nhẹ nguồn gốc chủng tộc. Ngay cả trong hai bộ phim đậm chất tình dục như Never Have I Ever, PEN15, thay vì các nhân vật nữ bị điều khiển bởi “mặc định” kiểu cũ, họ được phép kiểm soát tình dục của họ theo cách riêng. Không còn nghi ngờ gì nữa là có nhiều cách để tăng tỷ lệ đại diện châu Á trong phim và tăng số kịch bản nội dung châu Á tại Hollywood.

Diễn viên người Mỹ gốc Việt Lana Condor trong To All the Boys (Netflix)

Tương lai cho phụ nữ Mỹ gốc Á trên màn ảnh

Tuy nhiên vẫn còn những bộ phim và chương trình truyền hình thể hiện người châu Á với suy nghĩ ​​tiêu cực; chẳng hạn, bộ phim Emily in Paris của Netflix với nữ diễn viên người Mỹ gốc Hàn Ashley Park đóng vai Mindy, một “cô gái giàu có” tại Trung Quốc đại lục, bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng “tất cả phụ nữ châu Á đều giống nhau!”. Trong The Boys của Amazon, nhân vật trung tâm Kimiko (Karen Fukuhara đóng), bất chấp sức mạnh của mình, đã cam chịu sống với các định kiến.

Tín hiệu vui là một số chương trình truyền hình sắp công chiếu sẽ có phụ nữ châu Á đóng vai chính hoặc đồng vai chính trong những vai phức tạp. Ví dụ trong The Cleaning Lady của kênh FOX, Elodie Yung đóng vai một nữ bác sĩ Campuchia đến Mỹ chữa bệnh để cứu con trai ốm yếu. Hoàn cảnh buộc cô phải làm công việc dọn dẹp cho bọn tội phạm có tổ chức để có thể sử dụng trí thông minh và kỹ năng xâm nhập vào thế giới tội phạm.

Maggie Q sẽ đóng vai chính bác sĩ y khoa quyết định thay đổi toàn bộ sự nghiệp trong bộ phim hài Pivoting của kênh FOX. Disney+ sẽ có hai loạt phim do Marvel Studios sản xuất với sự tham gia của các diễn viên chính: Hailee Steinfield, gốc Philippines, trong Hawkeye; và nữ diễn viên gốc Pakistan Iman Vellani trong Ms. Marvel. Năm 2021 còn có năm bộ phim bom tấn nổi bật do phụ nữ châu Á đóng vai chính hoặc đồng vai chính: Gunpowder Milkshake (Dương Tử Quỳnh) mới ra mắt; Eternals (Gemma Chan); Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (Awkwafina); và The Matrix 4 (với Priyanka Chopra và Jessica Henwick).

Jess Ju – giám đốc chương trình và điều phối thực hiện của CAPE (Coalition of Asian Pacifics in Entertainment) – tin rằng sau nhiều thập niên bị “mặc định” đóng vai các “công dân hạng hai”, gái mại dâm và phản diện, mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn đối với phụ nữ gốc Á tại Hollywood. Bà hy vọng phụ nữ châu Á sẽ được tạo động lực đầy đủ cho các vai chính diện. “Chậm mà chắc, phụ nữ châu Á dần được giao các vai trong những câu chuyện nói về chính họ. Nếu cho họ nhiều cơ hội hơn, chuyển biến sẽ đến nhanh hơn nữa với Hollywood”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: