Cơm ngon bởi gạo

Gạo ST25 đang tiến vào thị trường Mỹ

Người Việt ở nước ngoài có nhiều cơ hội thử các loại thực phẩm được sản xuất khắp thế giới trong đó có gạo, lương thực chủ yếu mà trong bàn ăn mỗi gia đình Việt là dù sinh sống bất cứ đâu thì cơm cũng là thứ hàng đầu, trước khi bàn tới những cao lương mỹ vị khác.

Gạo cũng giống như người phụ nữ. Nhìn cây lúa Việt Nam trải qua bao nhiêu công đoạn trước khi trở thành chén cơm không khác nào hình ảnh người vợ, người mẹ tần tảo giữa chợ đời nuôi nấng chồng con. Hạt gạo lớn lên từ ruộng đồng và công sức cần lao tần tảo của người nông dân, tình chồng vợ cũng đậm đà, hạnh phúc phần lớn nhờ vào sự hy sinh, nhường nhịn, tảo tần của người vợ.

Ở Mỹ khi ra một siêu thị người ta thấy không biết bao nhiêu là loại nồi cơm điện giá cả khác nhau do nhiều nước sản xuất. Không ít người tưởng rằng cứ nồi nào giá cao thì nấu cơm sẽ ngon, nhưng thực tế cho thấy, hạt gạo ngon sẽ cho ra chén cơm ngon còn cái nồi điện kia chẳng qua như cái nồi gang ở Việt Nam, nó chỉ là phương tiện nấu chín và hoàn toàn không thể biến gạo dở thành cơm ngon được.

Nói về gạo, người miền Nam trước nay đã nghe danh tiếng của loại gạo được sản xuất tại Cần Đước, Long An có tên là gạo Nàng Hương Chợ Đào (có người gọi là Nàng Thơm) bởi cái mùi thơm đặc biệt của nó.

Theo Wikipedia thì “Cây lúa Nàng Thơm có hương vị thơm ngon, gạo Nàng Thơm hạt thon dài, chà trắng ra bên trong có hột lựu màu hồng hồng. Gạo mới gặt sau mùa vụ, lúc chà xong có một lớp cám bên ngoài giống như lớp dầu, cho tay vào bao giơ tay lên gạo còn bám trên tay những hạt mịn, đặc biệt gạo Nàng Thơm có mùi rất thơm, cho vào bao nylon để nhiều tháng mang ra nấu vẫn giữ nguyên được hương thơm ấy. Nhưng nếu để hơn mươi tháng thì gạo sẽ nhạt dần và mất đi mùi thơm ấy, độ dẻo và xốp cũng không còn.”

Gạo ngon nói chung phải là gạo lúa mới. Khi mới gặt và ra khỏi nhà máy xay xát thì hương thơm của gạo sẽ còn đọng lại trong một thời gian, lâu mau tùy loại gạo. Sau đó thì gạo không còn thơm ngon nữa và nó được xay thành bột để chế biến những loại thực phẩm khác. Gạo, một cách nào đó, cũng giống như người phụ nữ, nét đẹp đẽ tinh khiết thời còn gái không kéo dài vĩnh viễn. Hạt gạo bị hao mòn bởi thời gian, người phụ nữ cũng bị hao mòn bởi đời sống cơm áo và những hệ lụy khác trong đời sống gia đình.

Cái giữ chén cơm ngon là nhờ thức ăn đi kèm, cái giữ người vợ trong đời sống vợ chồng là sự tích lũy những hy sinh, cảm thông, chia sẻ và tha thứ.

Gạo Nàng Thơm không thể cải tạo mùi vị  sau thời gian 10 tháng. Người phụ nữ không thể nhờ chỉnh sửa cơ thể để giữ chặt chồng. Gạo ngon nào cũng có thời hạn của nó, người phụ nữ nào cũng có giai đoạn bị thử thách về lòng thủy chung của người chồng. Cách để người vợ không trở thành gạo cũ và bị biến thành bột tùy thuộc từng cá tính vợ chồng và sự biến hoá thích nghi trong thời gian sống chung của họ.

Gạo và người phụ nữ có mối tương quan mật thiết qua cách “giữ” chồng (tại sao lại “giữ” nhỉ? Khi đàn ông đã bạc bẽo thì giữ làm gì?) Nếu cơm không ngon vì gạo đã cũ thì người nội trợ có thể chứng minh tài năng của mình qua cách nấu các món ăn kèm làm sao để cơm chỉ còn là thứ yếu trên bàn ăn. Thức ăn không cần cầu kỳ, khó nấu. Thứ mà bữa cơm ngon cần có là sự đa dạng, đầy màu sắc và nhất là không khí ấm áp trên chiếc bàn ăn ấy của gia đình.

Cơm thì phải có cá, người Việt nào cũng từng nhớ câu “mẹ còn như cơm với cá, mất mẹ liếm lá tối ngày” cơm và cá là cặp phạm trù điển hình cho sự phối hợp và làm đầy hạnh phúc. Chúng đơn giản đến nỗi chỉ cần một chén cơm trắng và một ít cá đậm đà người ta có thể nói chuyện ăn ngon tối ngày. Chỉ cần một nụ cười hòa nhã, một cử chỉ thương yêu, hai vợ chồng có thể nhìn nhau mà không cần nói câu nào cũng biết mình hạnh phúc.

Chúng ta quen ăn gạo thơm Jasmine được sản xuất từ Thái Lan bao nhiêu năm qua, mới nhận được tin gạo ngon nhất trong nước hiện nay là ST25 đang từng bước sang chinh phục thị trường nước Mỹ. Gạo Thái không khác gì những cô gái xa lạ nhưng hấp dẫn, giống như “phở” với những ông chồng khi chán cơm nhà. ST25 như người vợ tảo tần bị quên lãng nay xuất hiện rực rỡ trở lại, liệu có kéo được ông chồng đã quen thích phở hơn cơm trở lại hay không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: