Nước mắm tôi làm

“Nước-mắm-tôi-làm Made in USA” của anh Tâm Nguyên (ảnh do anh Tâm Nguyên cung cấp)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Nước mắm tôi làm
Loading
/

Cứ mỗi khi quây quần bên mâm cơm bè bạn ở chốn xa quê, có bao giờ không có một chén nước mắm dầm ớt hiểm thật cay, để mà chấm cho nỗi nhớ quê bùng lên thật đậm thật sâu? Lần này mình nhất định cho mọi người một dịp ngạc nhiên, từ… người đến của. Bởi vì anh Tâm Nguyên đã hứa, gặp nhau lần này sẽ là một bữa “trả thù dân tộc”, sẽ có những người quen biết cũ được gặp lại nhau không mời mà đến, sẽ có những món ăn lâu lắm rồi không ăn lại, và sẽ có những món chưa ai được thử bao giờ. Nhưng niềm ngạc nhiên được giấu kỹ nhất là “nước mắm tôi làm” chính chủ của anh Tâm Nguyên đem tới.

Cứ tưởng “nước mắm tôi làm” sẽ được du ngoạn tới nơi khách thử trong một cái keo, cái hũ hay chai thủy tinh nào đó, nhưng không, nó ngự chễm chệ lên bàn trong một ngoại hình be bé xinh xinh có nhãn hiệu, in nơi xuất xứ, và đóng nút hàn kín thật sự, như vừa từ một boutique bán thực phẩm organic mắc tiền nào đó trong Vùng Vịnh, California. Ánh lên trên bóng nắng xuyên qua cửa sổ một màu hổ phách, sóng sánh như rượu cognac nhiều năm tuổi, “nước mắm tôi làm” thật gợi niềm hiếu kỳ từ trẻ đến già trong bữa ăn hôm nay.

Chấm vào chén nước mắm nhỉ của anh Tâm Nguyên, đồ ăn món nào cũng ngon hơn một nấc! (ảnh do anh Tâm Nguyên cung cấp)

Đã có “nước mắm tôi làm” là món chính rồi nên thực đơn mình không nấu gì nhiều. Phi lê cá điêu hồng phơi một nắng chiên tươi; thịt ba chỉ cắt ngay rẻo mỏng nhất, da mỡ thịt cùng một độ dày, luộc trong nồi nước thơm; gỏi rau dấp cá; gỏi bầu trộn tôm; và canh chua ăn với cơm trắng. Chỉ vậy thôi đó nhưng đã đi năm cái chợ mua cho đúng cái mình cần. Chứ không, cái công cả năm ủ cá cho ra chai “nước mắm tôi làm” của anh Tâm Nguyên sẽ đổ sông đổ biển.

Chừng cả nhà yên vị ngồi vô bàn hết rồi, không còn đầu bếp nào lăng xăng chạy vòng quanh nữa, anh Tâm Nguyên thong thả gỡ nút chai rót tác phẩm để đời của anh vào chén nước chấm cho từng người một. Thêm vài lát ớt hiểm và tỏi đã đập giập, chỉ vậy thôi mà chén nước mắm đã có bảng màu khác rồi. Mà khoan, sao không nghe mùi tanh tưởi thường thấy của toàn thể các loại nước mắm khác có mặt trên thị trường?

Cái mùi khê nồng mà lỡ rớt trúng chỉ một giọt vào áo thì chắc chắn phải đi thay, chứ không đi tới đâu là người ta biết mình dân Annamít tới đó. Anh Tâm Nguyên hỏi: “Có ai trong đời đã một lần nếm nước mắm nhỉ thì giơ tay lên?”. Lặng thinh là câu trả lời rõ ràng rồi đó! Nghe thì nhiều chứ đời chưa được thấy! “Thì đây” – anh Tâm Nguyên mời – “Thử đi bà con, nhỉ đó, nhỉ từng giọt đó, nhỉ bao nhiêu giọt cho ra một chai này thì đó là chuyện của thời gian!”.

Chỉ chờ có vậy thôi, thực khách cầm đũa lên, mỗi người chọn thử một món thức ăn chấm với nước mắm nhỉ Made in USA anh Tâm Nguyên làm tại nhà. Không đường, không bột ngọt. Cá chỉ chiên tươi; thịt chỉ luộc thơm mà chấm vào nước mắm nhỉ, đồ ăn món nào cũng ngon hơn một nấc. Nhai nuốt đi rồi mà cổ họng không vương vị mặn mà lại ngọt thanh. Cái ngọt chỉ có chữ “umami” của tiếng Nhật mới bao hàm đầy đủ ý nghĩa. Vì nó từ cái ngọt của con cá ông Trời tạo ra chứ con người không có nhà máy nào sản xuất để mà so sánh. Bao nhiêu protein đã lên men từ năm phần cá cộng một phần muối, lên men, rồi nhỏ xuống từng giọt mà thành. Ai cũng háo hức muốn nghe anh Tâm Nguyên kể duyên cớ làm sao anh từ làm nghị viên thành phố San Jose mà quay ngoắt ra sản phẩm homemade – “nước mắm tôi làm”.

Cá tươi trước khi ủ (ảnh do anh Tâm Nguyên cung cấp)

“Duyên cớ rõ lắm”, anh Tâm Nguyên kể, “ai cũng thấy trước mắt hết đó!”. Hằng ngày đi chợ hay ngồi xuống bàn ăn, đối diện với những chai nước mắm tên thì tiếng Việt nhưng “made in” hết Thái Lan rồi tới China là anh không ngủ được. Người Việt mình cả đời ăn nước mắm, hết thế hệ này đến thế hệ khác, mà chuyện kinh doanh nước mắm lại nằm trong tay nước khác.

Cầm những chai nước mắm lưu hành trên thị trường, đọc thành phần của nó thì anh càng rầu hơn. Mắm đâu không thấy mà chỉ thấy muối, đường, nước, và lung tung những chất linh tinh nữa. Không biết vì không để tâm mà biết, hay là có biết mà thôi, cứ coi như thị trường bán sao mình chấp nhận mua vậy, người Việt vẫn tiếp tục không thắc mắc gì về chất mắm trong chai. Anh Tâm Nguyên thì nhất định nói không với “không phải”. Người Nhật bán dưa hay người Tây bán rượu, ai cũng làm được chuyện chinh phục thị trường với giá thật cao vì chất của món hàng chứ không ai đi kéo xuống để bán cho nhiều lượng.

Công đoạn ủ cá (ảnh do anh Tâm Nguyên cung cấp)

Nhận được cú điện thoại của một bạn người Philippines đánh cá ở vùng biển Monterey về vụ cá bội thu không đủ chỗ chứa, anh Tâm Nguyên đánh xe chở về vài thùng cá nục (markerel). Ăn tươi không hết thì anh ủ. Ủ thùng ngang dãy dọc sau sáu tháng mở ra, cá rã như mắm nêm, ăn ngon nhưng cũng không thể dùng hết được. Thế là anh lược! Lược đến lần thứ tư thì nước mắm trong hẳn, từ màu của mắm nêm do có xác mắm còn lẫn, giờ chuyển thành màu hổ phách và trong thấy được vỏ thuỷ tinh của cái chai. Nếm thử ưng bụng lắm, anh Tâm Nguyên nghĩ phải đóng chai đàng hoàng để làm quà biếu người thân. Và thế là 30 người bạn, mỗi người nhận được một chai 250ml “nước mắm tôi làm” made in USA của Tâm Nguyên.

Bạn bè được ông chủ “vựa nước mắm” Tâm Nguyên (trái) tặng chai nước mắm quý: “Món quà nhỏ, niềm vui lớn” (ảnh do anh Tâm Nguyên cung cấp)

Khỏi phải nói, cộng đồng bạn của anh Tâm Nguyên đã “dậy sóng” thế nào với cái vụ đứa có, đứa không này. Có người này lần đầu được nếm nước mắm nhỉ hân hoan biết mấy. Cũng có người khác biết bao lâu đời rồi giờ mới được nếm lại nước mắm nhỉ, tưởng như gặp lại người yêu cũ xa đã quá lâu. Cái vị của nước mắm thật, rặt ròng, không pha thêm gì cả, hóa ra không mặn mà ngọt, không nặng mùi mà thơm lãng bãng mới hay. Và như bữa cơm hôm nay, mình nấu để cho nhiều bạn được nếm chung một lần đồ thật, để còn phân biệt dở ngon, đúng sai, để hiểu cái chữ “tôi làm” của nước mắm anh Tâm.

Có thử qua rồi không quay đầu lại được vì ai cũng sẽ nhớ. Nhớ đến cái tự tình của người Việt Nam trong ẩm thực, nhớ đến cái cội nguồn mình đã xuất phát từ đâu. Có thể niềm nhớ đó đem đến nỗi đau, cái nỗi đau khi thấy mình làm chưa đủ. Và biết đâu chừng khi cái tôi của mỗi người nhân lên thành cái tôi của cộng đồng, của đất nước. Lúc đó sẽ không ai còn bỏ tiền mua cái không thật nếu nó không được làm đúng phẩm chất của người Việt Nam. Và như tâm nguyện của anh Tâm Nguyên, cái thương hiệu MonteryFishSauce là thuần chất Việt, chỉ bán nước mắm nhỉ (và chỉ nhỉ mà thôi), để làm quà cho ai muốn biếu nhau, để nhớ mình Việt Nam đến đâu, cho dù mình đang sống ở chốn nào.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: