Sò huyết máu đỏ… tráng dương bổ thận?

Ảnh: giadinh.net

Sò huyết cháy tỏi, sò huyết mỡ hành… là những món nhậu bắt mồi thượng thừa. Dân nhậu đồn thổi ăn sò huyết tráng dương bổ thận. Lời đồn thổi này chưa bao giờ được các bà xác nhận. Tuy nhiên, đã có trường hợp nhiễm virus viêm gan A, thậm chí chết người vì sò huyết. Đây không phải là chuyện đồn thổi, mà là tin đăng trên tờ Shanghai Daily. 

Ăn vặt giảm béo lại còn bổ máu

Các loại nhuyễn thể (thân mềm) như nghêu sò ốc hến ngao vẹm… đều có máu trắng, chỉ riêng sò huyết có máu đỏ vì máu có lượng hemoglobin khá cao. Hemoglobin là chất thiết yếu có trong tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy, nhờ đó mà sò huyết có thể sống được ở môi trường oxy thấp như bùn, cát…

Dân mình thấy đồ ăn nào đỏ đỏ đều cho là bổ dưỡng như hồng yến, hồng sâm… Sò huyết cũng không ngoại lệ. Mà sò huyết bổ thiệt. Giàu protein (13,5%), nhưng ít bột đường (4,7) và chất béo (0,7), mà chỉ toàn chất béo không bão hoà (tốt). Ăn 100 gr sò huyết chỉ cho ra 70 Calori, quá bèo. Sò lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin B12 và sắt. Đúng là món ăn kiêng giảm béo, ăn vặt và bổ máu thấy rõ.

Sò huyết sống ở vùng nước lợ, cửa sông ven biển. Ở Việt Nam, miền Nam và Trung Nam phần, thủy thổ hợp nên sò huyết lớn nhanh. Sò vùng Phú Yên, Bến Tre, Hà Tiên hai tuổi, kích cỡ 3 cm mập mạp trông phát… thèm. Sức lớn của sò tùy vào nguồn dinh dưỡng, kể cả độ lợ của nước. Khi nước lũ tràn về, độ mặn của nước nhạt đi, sò gầy.

Thân sò vùi trong lớp bùn cát, và đồ ăn của chúng là các loại tảo, mùn hữu cơ. Chính vì sống trong môi trường nước và bùn, sò huyết cũng như các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác (bivalve) dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng, vi khuẩn gây tiêu chảy, thương hàn, kiết lỵ… Ở những vùng có nước thải công nghiệp, sò còn có thể nhiễm kim loại nặng, như sò huyết ở Malaysia nhiễm Cadmium và chì vượt mức cho phép nhiều lần.

Vệ sinh quá cũng khổ

Nhưng tai tiếng nhất là sò huyết nhiễm virus viêm gan A, đã từng bùng phát thành nạn dịch vào năm 1988 tại Thượng Hải, với hơn 300,000 người bị nhiễm siêu vi A, và 31 người tử vong. Trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) ước tính có khoảng 14-16% số người bị nhiễm do ăn sò huyết, số còn lại là do lây nhiễm. Sò huyết gây virus A này được nuôi tại khu vực ô nhiễm gần Thượng Hải. Đến nay sò huyết vẫn còn bị cấm buôn bán tại Thượng Hải, mặc dù lén lút vẫn còn nhiều.

Khác với các loại virus viêm gan B và C lây nhiễm qua đường máu và lăng nhăng sex, virus A nhiễm qua đường tiêu hóa, qua phân, qua nguồn nước bị nhiễm… Người nhiễm virus A thường tự khỏi. Tuy nhiên, đôi khi virus A có thể gây ra viêm gan cấp tính, thậm chí chết người, nhưng không âm ỉ trong cơ thể gây mãn tính lâu dài như virus B và C.

Trẻ em dễ vượt qua (tự khỏi) hơn người lớn tuổi. Ở Hoa Kỳ, lứa tuổi trên 50 mắc virus A cấp tính tử vong ở mức 1.8%. Một khi đã nhiễm virus A, coi như được miễn nhiễm suốt đời.

Trẻ em ở các nước đang phát triển, sống mất vệ sinh nên đa số bị nhiễm virus A, và sau đó coi như miễn nhiễm. Trong khi dân ở các nước phát triển, mọi thứ đều sạch sẽ, chưa từng nếm mùi virus A. Nếu chưa chích ngừa, du lịch qua các xứ nghèo, nếm sò huyết hay rau quả, dễ bị nhiễm virus A, rủi ro chuyển qua viêm gan cấp tính cao hơn bọn nhỏ. Hiện nay Mỹ và châu Âu cấm nhập cảng sò huyết từ các nước châu Á vì không kiểm soát được mức ô nhiễm ở khu vực nuôi. Thêm nữa, virus A lại dễ lây nhiễm, bùng phát nạn dịch thì khốn khổ nhà giàu.

Tiết canh sò huyết

Virus A rất lì với nhiệt, đun tới 90 độ C trong 1.5 phút mới chịu bất hoạt. Để đông lạnh hai năm vẫn chưa chết. Thậm chí ở môi trường acid pH =1 suốt hai giờ vẫn sống khỏe. Mấy tay nhậu, nếu hồi nhỏ không được “may mắn” nhiễm virus A, thì liệu… hồn, nướng sò tái, thì mù tạt, muối tiêu chanh chẳng ăn thua gì đâu.

Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO) khuyên nếu ăn sò thì nên đun nóng 90 độ trong bốn phút, hoặc luộc trong 90 giây để diệt hết các vi khuẩn, virus gây bệnh, trừ nhiễm kim loại nặng. Nhưng ơn trời, chưa thấy báo cáo sò huyết nhiễm kim loại nặng quá mức ở Việt Nam.

Sò huyết chế biến kiểu nào cũng bắt mồi, nhìn sò mũm mĩm, cầm lòng sao nổi. Gần đây lại còn nghe nói món tiết canh sò huyết. Tôi chưa (dám) thử, nên không biết ngon dở, nhưng sống sít kiểu đó là phiền rồi. Xin nhắc lại, muối tiêu chanh, mù tạt chưa ăn thua gì với virus A, đó là chưa kể các vi khuẩn gây bệnh khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: