Trong lịch sử loại vang sủi tăm có tên là Champagne làm mê mẩn hàng triệu người yêu vang suốt hai, ba thế kỷ qua có danh thơm của vài quý bà đáng kính. Xin giới thiệu về một quý bà đáng kính như vậy. Đó là Veuve Clicquot Ponsardin mà người sành vang quen gọi là Bà Góa Clicquot.
CHAMPAGNE CỦA BÀ GÓA
Ngược dòng thời gian cách nay 208 năm, vào ngày 6 Tháng Sáu 1814, các đoàn quân Nga đã vượt qua biên giới Pháp, chiếm đóng thành phố Reims, cái nôi của vùng sản xuất Champagne như chúng ta biết ngày nay. Binh lính Nga không ngần ngại ào vào những hầm vang của nhiều nhà sản xuất mà khui và dốc cạn hàng trăm chai vang sủi tăm khác nhau, chỉ có hầm vang của bà góa trẻ Clicquot (36 tuổi) là không hề bị xâm phạm. Có phép lạ nào thế? Đơn giản thôi, khi biết chiến trận sẽ đến sát bên các vườn nho của gia đình người chồng quá cố từng nhọc công gầy dựng và để lại cho mình trông nom, bà góa này đã cho thợ vườn nho lấy bùn đất và đá che đậy và bịt kín các cửa dẫn vào hầm vang!
Ông Francois Clicquot sớm lìa cõi trần trước đó 10 năm (Tháng Mười 1805, thời gian đủ để cho người vợ trẻ cầm cương lãnh đạo cơ sở sản xuất và học cách ứng phó với các thử thách, đe dọa). Chẳng hạn vào ngày 21 Tháng Bảy 1810, bà đăng ký thành lập công ty mang tên của chính mình là Veuve Clicquot-Ponsardin dù cho tên ghi trong khai sinh là Barbe Nicole Ponsardin. Hầu hết sản phẩm làm ra được xuất khẩu khắp châu Âu, từ nước Anh qua nước Nga.
Nhưng Champagne không hợp với mùi thuốc súng nên khi chiến tranh xảy ra, Sa hoàng Alexander I đem tàu chiến chặn hết các hải cảng xuất khẩu hàng hóa Pháp, khiến những chai mang tên Bà góa Clicquot bị kẹt lối ra thị trường, công ty có nguy cơ bị phá sản. Trước tình hình khó khăn ấy, bà Clicquot quyết tâm chơi một ăn hai thua là làm mọi cách vượt qua cấm vận mà chuyển sản phẩm vào được nước Nga.
Bà tin tưởng giao cho anh phụ trách bán hàng Louis Bohne thi hành nhiệm vụ bí mật là thuê tàu neo trên sông Seine, Paris và chất lên đó 10,500 chai Champagne của chính cơ sở mình làm, sẵn sàng ra khơi khi đúng thời điểm. Vì bà biết rất rõ rằng các thành viên trong hoàng gia và quý tộc Nga thích uống loại Champagne rất ngọt, đúng như sản phẩm của bà (hồi xưa, người Nga có thói quen cho thêm đường vào ly Champagne, uống ngọt gấp hai lần các loại vang ngọt mà chúng ta hay uống khi dùng tráng miệng ngày nay).
Bà góa Clicquot là một thương nhân thứ thiệt, không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm mới có một lần. Bà hiểu rằng mọi triều đình khắp châu Âu sẽ ăn mừng lớn khi nghe tin Napoléon Bonaparte bại trận và chắc chắn khi ăn tiệc họ sẽ khui rất nhiều Champagne! Đúng vậy, Napoléon đã thua trận, bị đầy ra đảo Elba thuộc Địa Trung Hải, nền quân chủ được tái lập tại nước Pháp, kế hoạch mà bà góa Clicquot lập ra với ông Louis Bohne được thực hiện. Một chiếc tàu chở hàng của ngành hàng hải Hà Lan, tên là Zes Gebroeders, đã giong buồm tiến về Konigsberg với 10,500 chai champagne Veuve Clicquot chuẩn bị tràn vào đất Nga khi mà mọi việc giao thương còn chưa kịp trở lại bình thường trước thời cấm vận và các nhà sản xuất vang còn cho đó là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Tàu rời cảng Le Havre (Pháp) ngày 6 Tháng Sáu 1814, khi bên Nga cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập sản phẩm Pháp. Ngày 3 Tháng Bảy, sau khi bị những con rệp to như đồng 10 xu hút hết nửa số máu trong cơ thể, Louis Bohne và lô hàng cặp bến Königsberg. Ông lại chuyển hàng qua một chiếc ghe bốn lá tiến về Liebau. Cuối cùng, ngày 15 Tháng Mười, ông đến được Saint-Petersburg và viết thư báo cáo bà chủ: “Thượng Đế đã phù hộ cho tôi…”. Hơn 10 ngàn chai vang sủi tăm của bà góa Clicquot bán hết sạch.
Vài tuần sau đó, một chiếc tàu buồm khác rời cảng Rouen với trong hầm chứa 12,780 chai Champagne cũng của bà góa, lần này giao thẳng đến St. Petersburg và được mua sạch chỉ vài giờ sau khi đến nơi! Đại Công tước nước Nga Michel Pavlovich, em của Sa hoàng Alexander I, tuyên bố từ nay về sau Champagne Veuve Clicquot-Ponsardin sẽ là thức uống duy nhất của ông. Cả triều đình Nga bắt chước theo ông. Tháng Mười Hai 1814, Louis Bohne lên đường trở về Pháp mang theo cả thùng tiền vàng về cho bà chủ!
Chính với thương vụ độc đáo ấy vào thời dầu sôi lửa bỏng Tháng Sáu 1814 mà bà góa Clicquot đã lập kỳ tích đáng nể và qua đó cũng xoay trở tình hình, từ bên bờ vực thẳm mà vươn lên thành công và tiếng tăm vang khắp nơi. Từ một nhà sản xuất Champagne nhỏ, công ty Veuve Clicquot Ponsardin nhanh chóng trở thành một thương hiệu được mọi thị trường biết đến. Những năm sau đó, Nga tiếp tục mua rất nhiều Champagne của nhà này, số chai bán ra không ngừng gia tăng, từ 43,000 chai năm 1816 lên đến 280,000 chai vào năm 1821 và cứ thế tiếp tục tăng cho đến những năm 1870.
Đó chuyện ngày xưa, với diễn biến chiến sự ở Ukraine, các nhân vật quan trọng trong Điện Kremlin kỳ này chắc chắn không có lý do để khui Champagne Bà Góa Clicquot!