Vú nàng lớn chưa?

CUỐI TUẦN ĐI NHẬU…

Để khỏi hiểu lầm, xin nói ngay câu ca dao giới thiệu về món đặc sản của Côn Đảo: “Ai qua Đất Thắm, Bãi Bàng/ Hỏi thăm Ông Đụng vú nàng lớn chưa?” “Dú” nàng là loại ốc một mảnh (univalve), đặc sản của hòn đảo này. Đất Thắm, Bãi Bàng và Ông Đụng – ở “xứ” Vungtau Hilton một thời – là ba bãi biển có nhiều đá ghềnh cho loài ốc ngon bá cháy kia chọn làm quê hương.

Nếu từng đến Nha Trang, từng ra ngắm trời mây nước đá chồng ở Hòn Chồng, quý vị sẽ hình dung được cảnh đá ghềnh ở các bãi biển vừa nêu. Hòn Chồng cũng có ốc vú nàng, nhưng không nhiều bằng Côn Đảo. Tưởng cũng nên nói ngang qua các bãi biển có đá ghềnh của Côn Đảo. Bãi Đất Thắm thuộc về Vườn Quốc Gia Côn Đảo. Đó là một trong top mười bãi biển Đông Nam Á “hoang sơ, thân thiện với môi trường,” theo như đánh giá của tờ Independent (Anh Quốc). Muốn đến, trước tiên là được phép ban quản lý Vườn Quốc Gia, rồi phải leo hơn sáu cây số, mới tiếp cận được bãi biển này.

Còn Bãi Bàng là nơi đổ ra biển của một con suối cùng tên, nằm ở phía Tây Bắc đảo. Bãi Bàng được coi là trạng thái rừng giàu nhất Côn Đảo về thực vật, động vật và sinh vật biển. Trên các ghềnh đá núi lửa này, vú nàng đóng đầy. Ông Đụng là một bãi biển cảnh quan thoáng đãng nằm ở phía Tây hòn đảo. Tên bãi biển xuất phát từ một sự tích bi thảm. Đụng, theo truyền thuyết, là tên một người đàn ông hoang đàng con nhà giàu. Cha mẹ ông ta muốn kềm hãm tánh khí ấy, cưới cho ông một người vợ tánh tốt nhưng võ nghệ đầy mình. Bị vợ đánh mỗi lần phung phí, ông Đụng âm mưu giết vợ bằng cách cho một quả dừa rụng ngay đầu bà ta. Vợ chết, hối hận, Đụng ra quan tự thú. Mãn tù, hoang phí riết, cuối cùng Đụng phá sản và đi ăn mày chết bờ chết bụi…

Đụng vú nàng không khó nhưng lấy vú nàng không dễ vì nàng bám cứng ngắt vào đá (ảnh: Tim Graham/Getty Images)

Ba bãi biển trên đều giàu ốc vú nàng. Đó là loài ốc “lãnh chúa”, cát cứ, không khai thác đại trà được, chỉ có thể khai thác từng con, nên khan hiếm. Thế là có nhiều kẻ đánh tráo con ốc vú nàng (true limpet) bằng con ốc đụn (top-shell). Nhờ đó, ốc đụn đội lên gấp đôi giá ốc hương ngay tại Cù Lao Chàm, Hội An.

Sự tình của loài ốc có cái tên hấp dẫn này không thua gì cái ngon khi ta nhấm nháp chúng. Vừa ăn mà vừa nghe sự tình ấy, có lẽ cái ngon sẽ càng ngon hơn. Vú nàng, như đã nói, là ốc một mảnh, phân biệt với ốc hai mảnh. Vỏ ốc giống như một chiếc nón lá úp trên đá. Do hình dáng đó mà người Việt đặt cho nó cái tên thật sexy: “Vú nàng”.

Ốc có tính lãnh chúa nên chúng sống thưa thớt, chọn một lõm đá cố định làm chỗ an cư. Kẻ nào “xâm lược” sẽ xảy ra đánh nhau. Bên thắng cuộc thường là con ốc “địa chủ”. Ốc “thực dân” phải đi chỗ khác. Vũ khí của chúng là các xúc tu mọc chung quanh bộ phận áo viền (mantel) của ốc. Ốc thường sống ở vùng có triều lên xuống rõ rệt. Đặc tính tuyệt vời nhất của ốc là sống sót trước sóng gió. Do đó chúng được Trời sanh một cái chưn trụ chặt trên đá khi triều lên, sóng biển đập vào nơi chúng sống. Dân nhà võ gọi đó là chưn tấn. Có thể nói vú nàng là loài xuống tấn vô địch. Lực bám chặt vào đá đạt đến 5 kg mỗi phân vuông. Tổng lực để bị xô dạt khỏi chỗ đang trụ lên đến cả trăm ký. Ốc sẽ chết nếu bị lật ngửa.

Vì tập tính như thế nên không thể khai thác số nhiều. Tôi thường ăn loại ốc này ở biển Đại Lãnh, Khánh Hòa. Bên phải và bên trái biển Đại Lãnh đều có bãi đá ghềnh. Đó là một bãi biển đẹp nhất Việt Nam và đẹp bền vững nhờ không có du khách vãng lai. Biển lại trong xanh. Nằm dọc theo bờ biển cả trăm thước là một nhánh sông nhỏ, cạn, rồi mới ôm cua đổ nước ra biển. Dịch vụ tắm nước ngọt thường bị ế là do con sông này.

Thịt vú nàng ngon tuyệt cú mèo (ảnh: VW Pics/Universal Images Group via Getty Images)

Ngày xưa, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, có một chuyến xe lửa mà chúng tôi quen gọi là tàu chợ, phân biệt với tàu Bắc-Nam, sáng sớm chạy từ Nha Trang ra tới Tuy Hòa rồi quay lại. Nhà tôi xế đối diện nhà ga. Muốn đi “cọp” chịu khó leo lên mui. Khi xe qua hầm Cổ Mã, chịu khó nằm dán người lên mui. Qua hầm đến ga Đại Lãnh, tàu bắt đầu chạy chậm lại. Khỏi cửa hầm vài chục thước, những kẻ đi cọp tắm biển sẽ một, hai, ba, nhảy. Từ đó thả bộ ra ghềnh đá ở chân đèo Cổ Mã. Ghềnh nằm nửa cạn nửa nước.

Muốn ăn ốc vú nàng ở bãi đá Đại Lãnh chọn chuyến tàu này, nhảy ở chỗ đó là trúng phóc. Mỗi người đi ăn ốc cần trang bị thật nhiều chanh xắt sẵn thành miếng đựng trong một bịch nylon và một con dao U.S. Thời đó chưa có dao Thái Lan. Khi đến biển, bịch nylon chanh được cột ngang lưng quần tắm.

Ốc vú nàng thường nằm ở chỗ sóng đánh từng đợt vào các hòn đá. Chờ sóng đánh qua một con là xuống dốc đá dùng dao miết dọc theo thành đá, nơi con vú nàng bám. Khi dao đã nằm bên dưới chiếc vú ấy, chỉ cần nạy con ốc lên thật nhẹ nhàng. Không có dao thì bó tay, vì như nói ở trên, lực bám lên đến cả trăm ký. Sau đó, chỉ cần ngửa chiếc “dú” ấy lên, vắt vào vài giọt chanh, dùng dao khoét thịt ốc khỏi vỏ, là ăn. Trời! Thịt ốc ngon phải biết. Vừa dòn ở cái chưn tấn, vừa ngọt thịt, vừa mặn nước biển, vừa chua chanh. Không có khoảnh khắc nào khoan khoái bằng. Mọi sự khổ sở của cuốc rẫy, của hái củi, của đốn cây hầm than suốt tuần qua biến mất.

Vú nàng nướng mỡ hành (dulichviet)

Bên dưới chỗ bám của vú nàng thường là vương quốc của hà, còn gọi là hàu nhỏ. Chỗ đám hà ấy phải hết sức cẩn thận khi giẫm chân lên. Chỉ cần sóng đẩy trượt chân một chút là coi như máu me đầy: Hàu cắt. Nhưng bù lại, hàu cũng đóng trên những hòn san hô già, nhỏ, nằm chơ vơ trên những hòn san hô lớn chôn sâu trong cát dưới biển. Rinh hòn san hô đầy hàu sữa ấy lên bờ đá, tha hồ, ngồi cạy từng con, vắt từng miếng chanh, ăn cho đến khi không còn sót con nào.

Hàu nhỏ này là một trong những kẻ thù của vú nàng. Chúng có khi đóng xa lên khỏi mực nước, lấn đất của vú nàng. Chỗ nào hàu bám coi như chỗ đó vú nàng hết đất sống. Là loài ốc sống nửa cạn nửa nước – cạn để lấy oxy, nước để bù nước cho cơ thể – để bảo vệ lãnh thổ, vú nàng phải thịt chúng từ thuở còn thơ. Y như loài người ăn hột vịt lộn.

Thực ra làm món gì cũng không ngon bằng vú nàng tái chanh ăn ngay khi cạy lên (dulichviet)

Vú nàng gần đây còn được phát hiện một đặc tính hấp dẫn không kém: Có răng. Loài ốc này sống trên đá và nuôi thân bằng tảo mọc trên đá. Do phải cạp đá suốt thời gian triều cường mà sống nên Trời sanh cho chúng cái hàm răng siêu cứng. Nghiên cứu của giáo sư Asa Barber, Đại học Portsmouth, hàm răng của vú nàng bền chắc từ 3 đến 6.5 gigapsacal, so với tơ nhện được cho là chắc nhất từ trước tới nay đo chỉ tới 1,3 gigapascal. Sợi tơ nhện thường được dệt áo giáp chống đạn. Bây giờ hợp chất goethite từ răng vú nàng tạo ra nhiều triển vọng khác. Ông giáo Barber cho biết những sợi goethite ấy mỏng bằng 1% sợi tóc và hàm răng chứa những cái cào ấy hình cong, chỉ dài chừng hơn 1 mm.

Bãi đá chồng ngay chân hòn Cổ Mã còn dễ thương ở chỗ có một hỏm đá to bằng cái chảo chiên đồ ăn ở nhà. Một con suối rất nhỏ từ núi chảy xuống hỏm đá ấy suốt ngày đêm. Khát nước do ở biển lâu giờ, bụng lưng lửng thịt vú, thịt hàu, chỉ cần tới đây làm vài vốc nước suối đã khát gì đâu! Khoảng ba giờ chiều, tàu sắp vào ga Đại Lãnh, kéo còi, cả bọn lật đật lên bờ, chạy thục mạng vô ga. Nhờ chế độ bán vé trên tàu nên lại có thể đi cọp cả chuyến khứ lẫn chuyến hồi bằng cách leo lên mui…

_______

Sách tham khảo: Joseph Heller, Sea Snails – A Natural History, Chapter 3, p. 37. Springer, 2015

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: