Xe chè đậu đỏ trước Nam Thạnh Lầu

Chè Lâm Vinh Mậu- xe chè lưu truyền 3 đời người nổi tiếng ở Sài Gòn. Credit vnay.com.vn

Có những điều, những vật, những khoảnh khắc mà người ta nhớ mãi trong đầu, bất kể thời gian, nơi chốn hay vật đổi sao dời trong cuộc đời vốn có hàng triệu điều ập tới.

Trong các món ăn mà thuở thiếu thời người ta ghi nhớ nhất là quà vặt hồi còn đi học. Điểm chính của quà trước cổng trường là đồ ngọt và hình ảnh mà nó mang lại cho đám trẻ con. Một chiếc xe bán “cà lem” với chiếc chuông rung liên hồi gây phấn khích lạ lùng cho độ tuổi lên 5 lúc bắt đầu học những con chữ đầu tiên trong cuộc đời. Kẹo kéo, chè bánh lọt, kẹo bông, xi rô đá bào, nước đá sương sáo … cùng bao nhiêu thứ khác nằm trong tiềm thức khiến không ai đành lòng quên chúng. Mà dù muốn quên cũng không được, những kỷ niệm như một dấu ấn, đóng sâu vào một quãng đường đời trong giai đoạn khôn lớn của người ta.

Cái nhớ trước cổng sân trường ấy dù thế nào cũng nhạt nhòa với thời gian, đọng lại rõ nhất là hình ảnh nôn nao chờ tiếng kẻng ra chơi, nôn nao cầm một cây kẹo bông sau bốn giờ ngồi ngủ gục hay phá phách trong lớp… rồi thôi. Không có gì cụ thể và rõ ràng cả, nhưng nhớ cứ nhớ, bồng bềnh cứ bồng bềnh…Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với quà vặt sân trường, nhưng nhớ nhất, nhớ đến trằn trọc mỗi lần nghĩ tới là hình ảnh chiếc xe bán chè lạnh trước cửa nhà hàng nổi tiếng Nam Thạnh Lầu của Phan Thiết hơn 50 năm về trước.

Sở hữu chủ chiếc xe sâm bổ lượng khiêm tốn này là một ông già người Hoa, cái chân có tật nên đi đứng hơi khập khễnh. Phụ hộ cho ông là một cô bé có độ tuổi nhỏ hơn tôi, mắt đen láy và mái tóc cắt bum bê theo thời đó. Tiếng hai ông cháu trao đổi với nhau làm tôi thích thú. Người Hoa nói tiếng Việt đã không tròn chữ lại cố nói thật nhanh nên câu nói va đụng vào nhau gây cho người nghe sự thú vị hơn là khó chịu. Ông lão cũng biết thế nên cần lắm mới lên tiếng để tránh khó chịu cho khách hàng. Tôi lại không thấy khó chịu nên mỗi lần ngồi vào chiếc ghế sắt xếp chân, luôn cố tình gợi chuyện để ông không thể tránh né. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm nhưng lại tò mò như người lớn, tôi thường hỏi cách ông nấu các loại thập cẩm một cách chân tình khiến cho dù có bực dọc ông cũng từ tốn giải thích rất cặn kẽ. Mục đích lớn nhất của tôi là … học nghề xong rồi về báo lại với mẹ để khoe thành tích, nhưng mẹ tôi lại không thích nấu món ngọt mặc dù bà nấu ăn rất ngon, vậy là tôi… việt vị.

Ông được người quen gọi là chú Bối, bán đủ thứ chè lạnh, dĩ nhiên trong đó món sâm bổ lượng là chủ đạo, thế nhưng tôi lại thích chè đậu đỏ bánh lọt với đá bào nước cốt dừa. Ly chè có màu sắc cầu vồng khiến nhìn cái ly đã thèm ăn. Cô bé cháu gái của ông, A Chi, lại là người luôn lấy đá bào chèn vào ly rồi rưới lên nước cốt dừa và mang ra đặt trước mặt tôi một cách nhẹ nhàng. Lúc ấy tôi mới phát hiện ra ly chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa của chú Bối ngon là nhờ cái ánh mắt trong leo lẻo ấy chứ không phải từ cái ngọt ngào của từng hạt đậu đỏ.

Có bữa tôi ăn cùng với vài đứa bạn, có bữa ăn một mình. Ngồi chung với bạn, sao ly chè tự nhiên như lạt hơn khi nhìn thấy tụi nó cứ nhìn chằm chằm vào “con nhỏ” của tôi. Tức hơn nữa là thấy nó cứ cười tươi với mọi người mà không thèm nhìn xem mặt tôi lúc ấy đỏ tới cỡ nào. Trẻ con có rất nhiều điều buồn cười, nhưng ganh tị là hành động buồn cười hạng nhất.

Chè đậu đỏ bánh lọt.

Ly chè ngọt nhạt theo thời gian và mái tóc bum bê của A Chi đổi màu theo ngày tháng. Tôi thường ghé cái xe bán chè của hai ông cháu hơn và một bữa tôi làm gan nhìn A Chi thật lâu, thật đằm thắm với hy vọng được nhìn lại như thế. Nhưng tôi thất vọng, A Chi vẫn như con chim ngây ngô thoăn thoắt chuyền cành, thoăn thoắt mang từng ly sâm bổ lượng ra cho khách. Tôi cứ ngồi đó, cứng đơ như … cây cơ, rồi lẳng lặng ra về, lẳng lặng mang theo đôi mắt cùng vị ngọt của ly chè đậu đỏ ra đi mãi mãi

Cho tới một hôm, hơn ba mươi năm sau tôi về lại chốn cũ, đi ngang Nam Thạnh Lầu như một người háo hức tìm mỏ vàng tới gần cánh cửa của hang động chứa đầy chất kim loại óng mướt lóng lánh kỷ niệm. Tôi khựng người khi thấy chiếc xe chè đậu đỏ năm ấy vẫn còn mặc dù không nguyên vẹn như xưa. Thời gian đã bôi xóa phần lớn hình ảnh của nó trong trí nhớ của tôi, chiếc xe tội nghiệp và chịu đựng đến nao lòng.

A Chi không có ở đấy mà một cô gái xinh đẹp thay vào đứng múc từng ly sâm bổ lượng cho khách. Tôi im lặng quan sát cử chỉ của cô và nhận ra rằng cô chính là hiện thân của A Chi, của thời gian mà tôi đánh mất.

Tôi không nói câu nào, quá khứ như cuộn chỉ rối tung mặc dù vẫn còn chút manh mối. Nhưng gỡ đường giây ấy để làm gì khi hình bóng của A Chi không còn trong trí tưởng tượng của tôi nữa.

Tôi chợt nhận ra rằng khi nhớ về một ai đó không hẳn là do yêu mến hay khó thể phôi pha mà trạng thái ấy chỉ là thói quen, một thói quen ăn chè đậu đỏ mà không thấy ngọt khi A Chi của tôi bị người khác chăm chăm nhìn ngắm.

Vậy thôi, chỉ là hờn ghen con nít.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: