Người Nhật, như chúng ta biết là một dân tộc có rất nhiều nét văn hóa độc đáo trong cách sống và hưởng thụ. Không những trong trà đạo hay ẩm thực, sự tinh tế toát ra trong cách họ nhìn thiên nhiên và ứng xử với đời sống chung quanh được chọn lọc và trân trọng tuyệt đối. Một trong những thực hành văn hóa đó là vườn Nhật, chỉ một khu vườn nho nhỏ đã toát lên cái tinh hoa bất ngờ của họ.
Nếu có dịp đi ngang vùng Tây Bắc nước Mỹ mời bạn ghé lại thành phố Portland, Oregon nơi có khu vườn Nhật Bản nổi tiếng vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Portland Japanese Garden sẽ khiến trên đường trở về nhà của bạn ngắn hơn bởi thời gian để nghĩ ngợi về nó sẽ làm bạn thích thú vì ít nhất bạn vừa biết thêm một nhân sinh quan khác của người Nhật bên cạnh những đức tính mà bạn đã từng biết về họ.
Chúng ta quen nghĩ rằng vườn Nhật cũng chỉ là cách bày biện cây cỏ theo sở thích của mỗi người, mỗi nhóm hay rộng nhất là mỗi thành phố. Thế nhưng khi biết được rằng ngay cả một khu vườn thì người Nhật cũng nhất quán theo cung cách chung mà ông cha họ để lại từ ngàn xưa. Và khi tìm hiểu kỹ về lịch sử vườn Nhật chúng ta sẽ bất ngờ hơn khi biết rằng phát xuất của những chi tiết đầu tiên làm thành khung cảnh khu vườn của Nhật hôm nay đã từ một nền văn hóa khác: Trung Hoa.
Thật vậy vườn Trung Hoa từng được người Nhật ưa chuộng từ thời kỳ Asuka đi kèm với kiến thức và thế giới quan Phật giáo. Trong thời kỳ Edo, hầu như từ hoàng gia, giới quý tộc, shogun, cho tới daimyo, chùa chiền và đền thờ của đạo Shinto đều chơi vườn cảnh theo cung cách Trung Hoa… Rồi qua bao năm, sự tinh tế theo cách nhìn của người Nhật đã dần dà thay đổi phong cách của những ngư tiều canh mục, những tùng bách, những thanh đá nhọn liễu thành những hình ảnh chắt lọc, gợi mở bên trong suy tưởng hơn là cái bên ngoài hào nhoáng.
Bước vào vườn Nhật này bạn sẽ được chào đón bằng một chiếc cổng Nhật, dĩ nhiên, với nét thanh tú điềm đạm ấy ngay lập tức khiến giác quan của bạn tỉnh thức. Mũi bạn sẽ thoang thoảng hơi hướm của lá xanh, của rêu xám. Tai bạn sẽ được thanh thản bởi nơi đây cách xa thị tứ không tiếng ồn của thế tục. Tếng ve mùa hè nho nhỏ râm ran, hòa với tiếng róc rách rất nhẹ tênh phía trước như chào đón bạn bước vào một thế giới khác, thế giới của trầm mặc, tĩnh tâm.
Con đường nhẹ nhàng dẫn bạn qua từng công đoạn của khu vườn độc đáo này, bạn sẽ ngẩn ngơ bởi những hàng rào trúc sạch sẽ tinh tươm, nhỏ bé nép sát vào nhau và dưới gốc của chúng là những bụt măng trúc nhỏ đến dễ thương kỳ lạ, e ấp nằm chung quanh khóm trúc vàng tươi. Tiếng róc rách của nước chảy không những làm bạn tò mò mà chúng còn có khả năng khiến bạn rũ bỏ mọi lo lắng khi bước vào đây. Nước và đá, hai nguyên tố thiên nhiên sẽ làm bạn ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng chúng gần gũi với mình biết chừng nào trong khi chúng ta hình như luôn luôn thờ ơ với chúng.
Người Nhật biến đá thành thiền sư, biến rêu xanh lá biếc thành nhạc khúc. Những viên đá tầm thường khi nằm trong vườn Nhật thì mỗi viên đá toát ra một thứ ngôn ngữ, hay chính xác hơn một thứ thiền đạo. Viên đá nào cũng như nhau nhưng người có tâm tư sẽ biết rằng tại sao tư thế của chúng làm nên câu chuyện. Đá có lời của đá thì mỗi chiếc lá bé con dọc theo con đường bạn đi cũng có lời riêng của chúng. Đời từng chiếc lá thật ra song hành với công trình uốn lượn của những người làm vườn ngày đêm tỉa tót. Những cành bonsai sẽ cho ra những chiếc lá bonsai bí ẩn. Cây và lá trong vườn Nhật chừng như hòa điệu vào nhau để nói với khách nhàn du rằng, trong mỗi sát na của cuộc sống là mỗi phút giây của sinh diệt, tồn tại và biến đổi.
Vườn Nhật, khác hơn vườn của mọi nước là tính ẩn dụ. Nơi đây chúng ta ít thấy họ trồng hoa vì tính chất sớm nở tối tàn của hoa, giống như con người, theo đuổi vinh quang và tàn tạ ngay sau những lần đạt được. Triết lý ấy thấm đẫm vào từng vườn Đá bên trong vườn Nhật, nó tích lũy và đồng hành cùng với nhân sinh quan với dân tộc Nhật như một cách nhắc nhớ về những sai lầm mà họ mắc phải.
Vườn Đá là một loại vườn truyền thống của Nhật Bản, có tên gọi khác là Zen Garden. Trong Portland Japanese Garden cũng có một vườn đá nho nhỏ nhưng hoàn toàn không thiếu những yêu cầu nghiêm ngặt mà một vườn đá của Nhật đòi hỏi. Ngồi xuống một lúc cho mọi nông cạn, hời hợt trong lòng ta lắng xuống rồi quan sát mảnh vườn nhỏ này chúng ta sẽ thấy sự tinh tế của người Nhật khi sáng tạo ra chúng.
Những thanh đá thô nhám, xanh xám nằm cách xa nhau trong một quần thể chung, kết nối bởi những mảnh đá trắng xám hòa với cát chung quanh nâng chúng lên thành một không gian mở rộng hơn. Mở rộng không hẳn vì bề thế mà vì sự uốn lượn của những làn sóng cát chung quanh những thanh đá nằm nhẹ nhõm như những thiền sư đang hòa mình vào những công án. Vườn đá sẽ là người bạn tri kỷ thầm lặng cho chúng ta mỗi khi lo lắng, âu sầu…
Thời gian không có nhiều khi khu vườn vẫn còn mở rộng. Hãy một lần thăm vườn Nhật, bất cứ nơi đâu mà bạn có cơ may gặp gỡ, nơi ấy chắc chắc sẽ giúp bạn ngộ ra rằng thế giới chung quanh ta nhỏ bé và ồn ào lắm, hãy tránh nó bằng một khu vườn Nhật trên đường lữ hành…
Mặc Lâm (SGN)