Hoa Kỳ, quốc gia thù địch và bị coi là cội nguồn có những bất ổn của thế giới. (Hình minh họa: Jason Krieger / Unplash)

Đến giờ này, Bắc Kinh chưa có bất kỳ động thái nào để gọi là giải quyết bất đồng thương mại với Washington.

Người ta bắt đầu nghĩ tới các từ “chơi đến cùng” mà Bắc Kinh tuyên bố trước đó với Washington khi Tổng Thống Donald Trump ra đòn áp thuế cao chót vót với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Có lẽ Bắc Kinh đang quyết tâm thực hiện tuyên bố “chơi đến cùng” của mình.

Trước sự im lặng của Bắc Kinh, Tổng Thống Trump đã kêu gọi Trung Quốc sớm liên lạc với Mỹ để khởi động đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Tổng Thống, hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy là trong khi Chủ Tịch Tập Cận Bình chưa buồn lên tiếng thì Tổng Thống Trump đã lên tiếng trước. Điều này cho thấy ông Trump đang tỏ ra sốt ruột chứ không phải ông Tập, dẫu ông Tập không phải là không lo lắng khi nền kinh tế nước nhà đang bị lao đao vì đòn áp thuế của Mỹ.

“Không có khác biệt nào giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ngoài việc kinh tế Trung Quốc lớn hơn,” ông Trump nói. Chắc chắn ông Trump đùng khi nói như vậy. Có điều là khi nói thế, dường như ông quên rằng kinh tế Mỹ còn lớn hơn kinh tế Trung Quốc. Nhất Mỹ nhì Trung mà. Nghĩa là khi ra đòn thuế quan với Trung Quốc, ông Trump không chịu nghĩ là kinh tế Mỹ cũng sẽ bị lao đao vì đòn thuế này. Nhiều người đặt câu hỏi: “Nếu Trung Quốc sẵn sàng chơi đến cùng thì liệu Mỹ có sẵn sàng chơi đến cùng không?” Ông Trump dường như không hiểu rằng đòn thuế quan của Mỹ khiến Trung Quốc méo mặt thì mặt Mỹ cũng méo. Chưa biết mặt ai méo nhiều hơn.

Và như để Washington hiểu rằng nếu Mỹ biết ra đòn thì Trung Quốc cũng biết ra đòn, Bắc Kinh, ngoài việc áp thuế cao với hàng hóa Mỹ, mới đây còn yêu cầu các hãng hàng không của Trung Quốc không đặt mua thêm máy bay Boeing của nhà sản xuất Mỹ. Tổng Thống Trump đã tức thì chỉ trích Bắc Kinh vừa hủy bỏ hợp đồng lớn với Boeing mà họ đã ký trong nhiệm kỳ đầu của ông. Như thế, rõ ràng Bắc Kinh đã giáng một cái tát thẳng vào mặt ông Trump, người luôn cho rằng Trung Quốc cần tiền của Mỹ, mà quên rằng Mỹ cũng cần tiền của Trung Quốc.

Sau khi ngừng áp thuế đối ứng với nhiều nước, Mỹ cho biết sẽ tiếp đón hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ muốn đàm phán thương mại để đạt được thỏa thuận lâu dài với Mỹ. Nhưng ông Trump hẳn là chưa mấy hài lòng, không phải vì trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đó thiếu vắng những chú chim cánh cụt ở HIMI, mà vì không có mặt của Trung Quốc, nước tỏ ra khinh khỉnh với đòn thuế quan của Mỹ và là nước mà Mỹ mong đợi nhất vào sự xuống nước.

Trước khi có quyết định xuống thang thuế đối ứng này của Washington, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định khả năng suy thoái kinh tế Mỹ là từ 20% lên 55%. Theo họ, kinh tế Mỹ giờ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái trong vài tháng tới do các doanh nghiệp Mỹ đã cảm nhận được cú sốc về nguồn cung và đang chuẩn bị tăng giá để ứng phó với chính sách của Washington. Ai cũng tin rằng nếu Bắc Kinh quyết không thương lượng thì nền kinh tế Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, bởi Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Nhiều khả năng là nếu Trung Quốc không chịu xuống nước thì chính Mỹ sẽ đành phải xuống nước.

Một điều mỉa mai là không ít người trước đây có ác cảm với nhà cầm quyền Bắc Kinh giờ lại mong rằng Trung Quốc sẽ chơi đến cùng với Mỹ. Họ chờ đợi một phim hay là Trung Quốc cứ để ông Trump chờ dài cổ mà vẫn không thấy ông Tập bắt máy gọi để thương lượng như ông Trump mong mỏi. Với họ, lúc này Trung Quốc là bên chính nghĩa còn Mỹ là bên phi nghĩa. Và sự phi nghĩa của Washington đâu chỉ thể hiện trong lĩnh vực thương mại, mà còn cả trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi Washington cho thấy mình dù miệng nói trung lập nhưng lại tỏ ra nghiêng về phía Nga, xem Nga là bên muốn hòa bình, còn Ukraine là bên chỉ muốn chiến tranh khi quyết không chấp nhận nhượng lãnh thổ cho Nga. Mới đây nhất, Washington đã bất ngờ phản đối tuyên bố của G7 lên án Moscow về vụ Nga tấn công vào khu dân cư vùng Sumy của Ukraine.

Rốt cuộc, Mỹ và Trung Quốc, chưa biết ai cần ai hơn. Tất nhiên ông Trump có lý khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải thương lượng với nhau vì lợi ích chung. Nhưng nhiều người muốn rằng người buộc phải bắt máy gọi sẽ không phải là Tập Cận Bình, mà là Donald Trump, kẻ có cái suy nghĩ hợm hĩnh rằng thế giới cần Mỹ hơn là Mỹ cần thế giới. Phim hay là ở điểm này.

Sẽ là một phim dở òm nếu người bắt máy gọi không phải là Trump!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

ÁC MA
Khi màn đêm buông xuống khu xóm ngoại ô nghèo nàn Whitechapel – ở về phía đông của thành phố Luân Đôn, có người đi làm về khuya phát hiện…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo