Chiến trường đẫm máu

(Hình minh họa: Edoardo Ceriani/Unsplash)

1.

Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg mới đây lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga.

Ông Stoltenberg tuyên bố càng viện trợ vũ khí cho Ukraine, hòa bình càng đến sớm, bất chấp Moscow hăm dọa rằng điều này có thể dẫn tới Thế chiến 3. Theo ông Stoltenberg, cách nhanh nhất để kết thúc xung đột Nga-Ukraine là Ukraine chấp nhận thua cuộc, song đó không phải là hòa bình. Ông cho rằng không có an ninh bền vững cho Âu châu nếu thiếu một Ukraine ổn định và an toàn.

Có thể nói sự ủng hộ mà NATO dành cho Ukraine chưa bao giờ mạnh mẽ và rõ ràng như lúc này. Trước đó, có ý kiến rằng Phương Tây đang ngày càng mệt mỏi với xung đột Nga-Ukraine vốn đã kéo dài hơn hai năm rưỡi, và Phương Tây nên yêu cầu Ukraine chấp nhận mất đất cho Nga để kết thúc chiến tranh.

Tuyên bố mới nhất của ông Jens Stoltenberg có thể xem là câu trả lời dứt khoát và mạnh mẽ của NATO cho suy nghĩ bạc nhược đó. Nghĩ cho cùng, một sự ủng hộ mạnh mẽ và dồi dào mà Ukraine nhận được từ Phương Tây sẽ giúp nước này có thể đàm phán với Nga ở tư thế mạnh, và khiến Moscow quên đi chuyện thèm muốn đất đai của các nước khác.

2.

Về vụ nổ máy nhắn tin ở Li băng, có ý kiến cho rằng Hezbollah bị thương vong mấy ngàn người chẳng có gì oan. Suốt ngày cầm súng để bắn Israel thì phải chấp nhận có ngày bị Israel xử đẹp. Mà đúng là đẹp. Hezbollah chỉ biết lăm lăm khẩu súng trong tay, còn Israel không thèm chơi súng, chỉ ngồi nhà bấm một phát là đi đời Hezbollah.

Chính phủ Li băng gọi Israel là khủng bố. Nhưng khi Hamas gây ra vụ 7 Tháng Mười thì Li băng lại im re. Có lẽ không sai nếu nói rằng để Hezbollah gây chiến với Israel là Li băng tự rước chiến tranh về nhà mình. Li băng nên nhìn lại mình thay vì gọi Israel là khủng bố.

Tuy nhiên cũng có không ít người ở Việt Nam đồng ý với quan điểm này của chính phủ Li băng. Họ tỏ ra tức tối vì chưa thấy báo nào trong nước gọi Israel là khủng bố khi gây ra vụ nổ máy nhắn tin. Vậy xem ra báo của Đảng khá tỉnh táo trước vụ này. Cũng là điều dễ hiểu, vì tới lúc này Israel chưa hề xác nhận mình gây ra vụ đó, và cũng chưa ai tìm được chứng cứ nào để buộc tội Israel. Chỉ mới nghi ngờ thôi. Mới nghi ngờ mà buộc tội thì đâu có được.

Nhưng ngay cả khi biết chắc chắn Israel đứng sau vụ nổ máy nhắn tin, thì gọi Israel là khủng bố cũng không ổn. Bởi chiến tranh là chiến tranh. Tôi không giết anh thì anh cũng giết tôi. Nếu Hezbollah không muốn chịu thương vong thêm thì nên buông súng, không xem Israel là kẻ thù nữa. Đơn giản vậy thôi.

Đời là thế. Dám chơi thì phải dám chịu. Đấm người ta thì được, nhưng khi bị người ta đấm lại thì khóc hu hu. Khó coi lắm!

3.

Ngoại trưởng Ba Lan là ông Radoslaw Sikorski rút lại phát biểu của mình về việc chuyển bán đảo Crimea cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) quản lý.

Ông Sikorski trước đó đã đề xuất chuyển Crimea cho LHQ ủy trị và tổ chức trưng cầu dân ý về tình trạng của bán đảo này trong 20 năm.

Đề xuất này của vị Ngoại Trưởng Ba Lan đã khiến Ukraine nổi giận, cho rằng Crimea là lãnh thổ của Ukraine thì Nga phải trả nó cho Ukraine, và rằng “tham vọng của Nga không được thỏa mãn trên sự thiệt hại của Ukraine và luật pháp quốc tế.”

Trong lời xin lỗi Ukraine, ông Sikorski nói rằng phát biểu của mình chỉ là thảo luận giả định. Ông nhấn mạnh rằng Ba Lan luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Song không chỉ Ukraine phản đối cái ‘thảo luận giả định” của ông Sikorski, mà cả Nga cũng phản đối nó: “Mọi vùng lãnh thổ của Nga không thể là đối tượng của bất kỳ thảo luận nào.”

Vậy là cả Nga và Ukraine đều không bằng lòng đem số phận của Crimea ra thảo luận. Cũng là vấn đề Crimea nhưng Ukraine có lý của Ukraine, Nga có lý của Nga. Thơ La Fontaine có câu: “Cái lý của kẻ mạnh nhất bao giờ cũng hay nhất” (La raison du plus fort est toujours là meilleure).

Trước ngày 24 Tháng Hai 2022, nếu đặt câu hỏi rằng giữa Nga và Ukraine, ai là kẻ mạnh hơn thì hẳn ai cũng đáp đó là Nga.  Nhưng giờ đây câu hỏi đó không dễ trả lời. Ukraine  cho thấy họ không hề yếu như nhiều người nghĩ, nhất là khi đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường này đang nhận nhiều trợ giúp từ Phương Tây. Trong khi đó, Nga lại không chứng tỏ được mình là siêu cường đáng sợ. Thậm chỉ không ít người xem Nga chỉ là con cọp giấy. Thực tế chiến trường cho thấy Nga đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc xâm lược Ukraine. Tưởng không khó mà khó không tưởng.

Thời gian gần đây, Nga hay sử dụng cụm từ “thực tế chiến trường.” Có lẽ số phận của Crimea chỉ có thể được giải quyết bằng thực tế chiến trường mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: