1.
Sau khi thủ lĩnh của Hezbollah là Nasrallah bị hạ sát, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov cho rằng các hành động của Israel tại Liban chỉ tạo ra một “vòng xoáy bạo lực” và có nguy cơ đưa khu vực Trung Đông vào một cuộc xung đột đẫm máu.
Có lẽ ông Lavrov không sai khi nói như thế, nhưng khi ông cho rằng các cuộc không kích của Israel “vi phạm trắng trợn chủ quyền của Liban,” và rằng “các cuộc tấn công bừa bãi của Israel dẫn tới thương vong cho dân thường là không thể chấp nhận được” thì ông chỉ khiến người ta cười mỉa. Bởi buộc tội Israel như thế thì khác nào ông Lavrov tự cười nhạo chính mình, giống như hôm nào ông đã tự biến mình thành một thằng hề khi tuyên bố trước các nhà ngoại giao Phương Tây rằng “xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến mà Nga đã cố hết sức để ngăn chặn.”
Vậy là trong suy nghĩ của ông Lavrov cũng như Putin, Medvedev…, Nga chẳng có lỗi gì khi thực hiện những cuộc không kích tàn bạo vào các thành phố của Ukraine. Và rằng với những Lavrov, Putin, Medvedev…, các cuộc tấn công bừa bãi của Nga gây thương vong hàng ngàn dân thường Ukraine là có thể chấp nhận được.
Cuối cùng, ông Lavrov kêu gọi dừng ngay “vòng xoáy bạo lực trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát.” Chắc chắn là ông Lavrov có lý khi đưa ra lời kêu gọi này. Song người ta lại phải đặt câu hỏi về nó. Đó là tại sao Nga không dừng ngay cuộc giết chóc của họ đối với Ukraine để chấm dứt đổ máu ở đất nước này. Hay là Nga nghĩ rằng máu của người Ukraine không đáng để quan tâm?
Rốt cuộc, những lời lên án ông Lavrov dành cho Israel cũng như lời kêu gọi đình chiến ở Liban của ông chỉ là chuyện con rắn độc nói lời đạo đức.
2.
Khi được hỏi liệu Iran có can thiệp vào xung đột Hezbollah-Israel sau cái chết của Nasrallah hay không, Phó TT Iran là ông Javad Zarif cho rằng Hezbollah đủ khả năng tự vệ. Ông này đề nghị “cộng đồng quốc tế” can thiệp để tình hình “không vượt tầm kiểm soát.”
Bản thân TT Pezeshkian từng nói rằng Iran sẵn sàng hạ vũ khí nếu Israel cũng làm như vậy. Trong khi đó, dù tuyên bố rằng “Iran cực lực lên án những hành động tàn bạo do Israel gây ra ở Liban,” Đại diện thường trực của Iran ở LHQ là ông Iravani kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn liên quan tới các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Beirut: “Iran hối thúc HĐBA hành động ngay để ngăn chặn khu vực này bị kéo vào một cuộc chiến toàn diện.”
Vậy có thể nói rằng, trong khi hối thúc quốc tế can thiệp, nhà cầm quyền Iran cho thấy nước này thực lòng không muốn xung đột với Israel. Và một khi Iran không thực sự muốn chiến tranh thì Trung Đông không cần phải quá lo lắng về một cuộc chiến đẫm máu xảy ra ở đây. Bởi Iran vốn là nước tài trợ chính cho các phe phái kình chống Israel như Hamas, Hezbollah, Houthi… Người dân Trung đông vẫn có thể tiếp tục sống trong hòa bình dẫu nền hòa bình trong khu vực này thỉnh thoảng bị làm xáo trộn vì lòng hận thù giữa các bên đối nghịch.
Về phần mình, Iran cũng không cần quá lo cho lãnh tụ tối cao là Đại giáo chủ Ali Khamenei vốn đã được đưa đến một nơi an toàn ngay sau cái chết của đồng chí Nasrallah. Israel chẳng hơi đâu giết ông ta cho bẩn tay.
3.
Hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ: ông Trump và bà Harris được cho là đang dồn trọng tâm vào các chủ đề kinh tế và xung đột Nga-Ukraine.
Hai người này ráo riết vận động tranh cử tại các tiểu bang dao động quan trọng khi mỗi người đều tuyên bố mình có các chính sách đúng đắn để thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển. Nhiều người tin rằng ông Trump, một doanh nhân thành đạt, hẳn là ăn đứt bà Harris về mặt kinh tế. Họ tin rằng về kinh tế, ông Trump không có đối thủ. Nhưng nhiều người khác lại cho rằng ông Trump chỉ không có đối thủ về mặt gái gú mà thôi, còn về kinh tế, ông chỉ giỏi thủ đoạn chứ không thực sự giỏi hơn ai. Theo họ, nền kinh tế Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Biden là khá ổn. Và bà Harris được cho là sẽ tiếp tục chính sách kinh tế của ông Biden nếu đắc cử.
Về xung đột Nga-Ukraine, bà Harris luôn khẳng định Mỹ sẽ đứng bên cạnh Ukraine trong cuộc chiến đấu của nước này chống lại xâm lược Nga, và rằng viện trợ quân sự cho Ukraine là một phần trong chiến lược an ninh của nước Mỹ. Nhưng ông Trump lại luôn miệng nói Mỹ phải thoát khỏi cuộc xung đột đó mà ông cho rằng chỉ làm Mỹ hao tiền tốn của một cách vô ích. Nếu người Mỹ tin quan điểm của ông Trump về xung đột Nga-Ukraine là đúng thì họ sẽ bỏ phiếu cho ông. Chẳng ai muốn tốn tiền một cách vô ích cả. Đồng tiền liền khúc ruột. Ngược lại, nếu ai thích lập trường của bà Harris về cuộc xung đột này thì họ sẽ chọn bỏ phiếu cho bà.
Tóm lại, có thể nói kinh tế và xung đột Nga-Ukraine nhiều khả năng sẽ là những chủ đề quan trọng quyết định ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2024.