Chuyện Đông chuyện Tây: Dám sủa, không dám cắn

Putin với toan tính sử dụng vũ khí hạt nhân (Biếm họa Hidustan)

1.

Trước việc Tổng thống Mỹ Joe Biden gỡ bỏ hạn chế cho Ukraine trong việc sử dụng tên lửa tầm xa, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng việc này đồng nghĩa NATO đang có chiến tranh với Nga.

Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ sử dụng vũ khí mới nào để đáp trả vũ khí tầm xa của Mỹ?

Hẳn đó phải là vũ khí hạt nhân, bởi lẽ Nga đâu còn vũ khí nào khác ngoài tất cả các loại vũ khí mà Nga đã sử dụng trên chiến trường Ukraine. Têm lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik không dễ thay đổi cuộc chơi trong một sớm một chiều. Là vì Nga hiện không có nhiều loại này. Chính ông Putin thừa nhận Oreshnik còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ngay cả khi Nga sản xuất được nhiều tên lửa Oreshnik thì chưa chắc đã uy hiếp được Ukraine nếu nước này được đồng minh cung cấp lá chắn tiên tiến như THAAD. Như thế thì mọi chuyện vẫn như cũ. Vì nếu Nga dám nhấn nút hạt nhân thì đã nhấn rồi sau bao nhiêu lần hết hù tới dọa, làm đứa con nít cũng phải cười. Rất có lý nếu cho rằng Nga chế tạo vũ khí hạt nhân là để có cái mà hù thiên hạ chứ không phải để xài, trừ phi Nga muốn tự sát.

Cái gọi là lằn ranh đỏ hay học thuyết hạt nhân của Nga nghe mãi cũng nhàm tai. Putin có gan nhấn nút hạt nhân thì chẳng cần học thuyết hạt nhân nào. Ông ta không có cái gan đó, mà chỉ có gan ăn cướp. Nên, để đáp trả vũ khí tầm xa của Phương Tây, tốt nhất là Nga nên sơ tán các thiết bị, khí tài quân sự ra khỏi tầm bắn của tên lửa tầm xa là xong. Không cần hù dọa, hăm he gì cả.

Thế giới có thể yên tâm rằng dẫu Thế chiến 3 có xảy ra đi nữa, thì sẽ chẳng có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng. Đơn giản là vì Putin chỉ là kẻ dám sủa nhưng không dám cắn.

2.

Trước tin Mỹ cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga, Phó Tổng Thư ký LHQ là bà Rosemary DiCarlo tuyên bố : “Các bên phải bảo đảm an toàn và bảo vệ thường dân, bất kể họ thuộc bên nào”.

Nếu là ông Tổng Thư ký Antonio Guterres thì có lẽ chỉ nói chung chung bấy nhiêu, chẳng mất lòng ai. Nhưng bà DiCarlo lại nói thêm: “Một ngàn ngày đã trôi qua từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Đó là một ngàn ngày đau thương, chết chóc mà vẫn đang diễn ra với hàng triệu người dân Ukraine. Các cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự ở Ukraine bị phá hủy một cách có hệ thống khiến người dân Ukraine không được tiếp cận những nhu cầu cơ bản”.

Rõ ràng đây là những lời lên án tội ác của Nga một cách rất thẳng thừng, không úp mở. Khi nói những lời đó, bà DiCarlo đã tỏ ra là một người thẳng thắn, đáng kính trọng, không như ông Guterres là kẻ chỉ thích nói quanh thể như sợ làm mất lòng Nga.

Tốt nhất là ông Guterres hãy về vườn ngay, nhường ghế Tổng thư ký cho người xứng đáng hơn là bà DiCarlo!

3.

Tới giờ này, Tổng thống tân cử Donald Trump vẫn giữ im lặng trước quyết định “cởi trói” cho Ukraine trong vấn đề sử dụng tên lửa tầm xa.

Rất có thể ông đang suy ngẫm về ý kiến rằng nên trang bị cho Ukraine đủ hỏa lực để ép Moscow ngồi vào bàn đàm phán với ưu thế cho Ukraine. Nếu thế thì ông Trump muốn ATACMS lên tiếng trước, ông lên tiếng sau. Chẳng việc gì phải vội.

Nhiều người xem việc ông Biden gỡ bỏ hạn chế đó cho Ukraine chính là một món quà cho ông Trump trước khi ông Biden rời Tòa Bạch Ốc. Vì nó sẽ buộc Moscow phải đàm phán trong thế yếu khi mà nước Nga không còn mấy sức lực để theo đuổi chiến tranh.

Nếu ông Trump thực hiện được việc kết thúc xung đột Nga-Ukraine để mang lại một nền hòa bình công bằng cho Ukraine, thì hẳn ông sẽ rất xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình. Và đó sẽ không hề là một giải Nobel trên trời rơi xuống mà ông Obama từng nhận khi vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc.

Khi gặp ông Trump ở Tòa Bạch Ốc hôm 13 Tháng Mười Một, vị Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã nói với ông Trump rằng ủng hộ Ukraine là vì lợi ích của Mỹ. Có thể ngay lúc đó ông Trump chưa đồng ý với quan điểm này của ông Biden. Nhưng giờ đây ông Trump, một người chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết”, có lẽ đang tin rằng ông Biden có lý khi nói như thế.

Về phần mình, Moscow tuyên bố việc ông Biden gỡ bỏ hạn chế cho Ukraine trong vấn đề tên lửa tầm xa là “thêm dầu vào lửa”. Có lẽ Moscow không quá lời khi nói vậy. Nhưng những ai ủng hộ Ukraine có thể tin rằng ngọn lửa này, một khi cháy bùng lên, nếu không thiêu đốt được cả nước Nga thì rất có thể sẽ thiêu đốt mộng bá quyền của Moscow.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: