Chuyện Đông chuyện Tây: Đấu trường nghẹt thở

(VTV)

1.

Ứng cử viên Thủ tướng Đức của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Friedrich Merz nói nếu trở thành lãnh đạo tiếp theo của Đức, ông sẵn sàng đưa ra tối hậu thư cho Nga trong vòng 24 giờ.

Theo đó, ông sẽ yêu cầu Nga chấm dứt thù địch ở Ukraine. Và rằng Moscow sẽ được cho 24 giờ để thực hiện điều này. Nếu Moscow không thực hiện tối hậu thư, Đức sẽ gởi tên lửa Taurus đến Ukraine và dỡ bỏ lệnh cấm tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Về phần mình, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh có thể triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine. Theo ông, thành công của Nga ở Ukraine sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh cho Mỹ và đồng minh trên nhiều mặt trận. Ông cho rằng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine là một khoản đầu tư hợp lý và khôn ngoan, và rằng Anh sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì an ninh tập thể trong trường hợp Ukraine thất bại.

Trong khi đó, tại cuộc hội đàm ở Paris hôm 11 Tháng Mười Một, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ Ukraine. Việc ông Trump tái đắc cử không chỉ làm Ukraine lo lắng, mà nhiều nước Âu châu cũng đang tìm cách ứng phó tác động của việc này tới viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, sau khi kêu gọi Âu châu đoàn kết và bớt lệ thuộc vào Mỹ, được cho là đang tích cực vận động thành lập liên minh với Anh và Pháp nhằm ngăn chặn khả năng có thỏa thuận riêng giữa chính quyền Trump với Nga.

Nói tóm lại, trong khi Nga quyết tâm thực hiện mộng xâm lược Ukraine cho bằng được, thì Âu châu cũng quyết tâm hỗ trợ Ukraine đến cùng. Có thể nói, việc Âu châu hừng hực khí thế chống Nga như hiện tại là điều mà Putin không ngờ tới khi phát động xâm lược Ukraine. Nếu biết vậy, hẳn Putin đã vất cái ‘chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ta vào sọt rác ngay từ đầu.

Rốt cuôc, trước sự ủng hộ nhiệt thành của Âu châu vào lúc này, Ukraine không cần phải quá lo lắng nếu bị chính quyền Trump cắt viện trợ. Ông Boris Johnson hoàn toàn có lý khi cho rằng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine là một khoản đầu tư hợp lý và khôn ngoan, vì Anh sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho an ninh tập thể trong trường hợp Ukraine bại trận.

Và chắc chắn răng, trong trường hợp Ukraine bại trận, Anh sẽ không phải là nước duy nhất phải trả nhiều tiền hơn.

2.

Tổng thống tân cử Donald Trump được cho là chuẩn bị trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Kế hoạch trục xuất này có thể tác động tới ít nhất 11 triệu người.

Nhập cư vốn là một trong các chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. An ninh biên giới được xem là ưu tiên hàng đầu của ông. Trước khi bước vào cuộc tranh luận tổng thống vào ngày 27 Tháng Sáu với ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch ban hành ngay lập tức những hạn chế đáng kể đối với người xin tỵ nạn vào Mỹ thông qua biên giới Mỹ-Mexico. Giới quan sát cho rằng đây là cách chính quyền ông Biden vô hiệu hóa vấn đề nhập cư, không để nó là vấn đề chính trị trước thềm cuộc bầu cử TT Mỹ 2024. Phe Cộng hòa nói ông Biden làm thế chỉ là để xoa dịu mối lo nhập cư để tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, thay vì hành động thực tế.

Theo Hội đồng Di trú Mỹ, Mexico là nước có số lượng người nhập cư không giấy tờ cao nhất tại Mỹ, với gần 5 triệu người. Hơn 75 quốc gia có thể được yêu cầu tiếp nhận những người bị trục xuất theo kế hoạch của ông Trump.

Nhiều người Mỹ ủng hộ kế hoạch này. Họ cho rằng chính quyền phải cứng rắn mới mong lập lại trật tự đất nước, và rằng nếu không làm căng thì xã hội sẽ loạn và Mỹ sẽ là quốc gia có nhiều tội phạm nguy hiểm ẩn náu.

Song lại có nhiều người thắc mắc là kế hoạch trục xuất này liệu có ngăn được người nhập cư trái phép hay không. Nhưng trước mắt là Mỹ sẽ phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho việc truy bắt và trục xuất 11 triệu người. Kế đến, ông Trump sẽ lấy thêm cả chục tỷ USD ngân sách cho việc xây tiếp bức tường biên giới Mỹ-Mexico và tăng cường cảnh sát cùng phương tiện tuần tra biên giới.

Và cũng không ít người nhún vai rằng một đất nước được xây dựng bởi những người nhập cư như Mỹ mà giờ lại rẻ rúng người nhập cư.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: