Chuyện Đông chuyện Tây: Thêm dầu vào lửa

Moscow đang giả vờ không hiểu rằng hòa bình chỉ đến khi súng đạn không còn rền vang. (Hình minh họa: Emanuel Kypreos/Unsplash)

Quân đội Ukraine sẽ được trang bị hàng trăm hỏa tiễn tầm xa do chính Ukraine sản xuất từ nguồn tài trợ của Đức.

Được biết chương trình sản xuất tên lửa này bắt đầu từ Tháng Năm và được Đức lo toàn bộ chi phí. Theo Đức, loại hỏa tiễn này có thể tấn công sâu vào trong đất Nga,

Cho rằng quân viện của Phương Tây dánh cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột, Moscow cáo buộc Đức đang tranh đua với Pháp trong việc “đổ thêm dầu vào lửa.” Và rằng những động thái như vậy đang phá hoại các nỗ lực hòa bình.

Những lời chỉ trích của Moscow đối với Đức khiến người ta phải phì cười, vì khi nói cụm từ “thêm dầu vào lửa,” Moscow nhắc người ta nhớ rằng Moscow chính là kẻ đã gây ra đám cháy chứ không phải ai khác. Nếu Nga không đem quân xâm lược Ukraine thì đã không có đám cháy nào cả.

Cũng vậy, khi cho rằng các động thái của Pháp hoặc Đức đang phá hoại những nỗ lực hòa bình, Moscow cũng nhắc nhở người ta rằng Nga chính là kẻ đã gây ra chiến tranh. Thực tế là ngay lúc này đây, Nga cương quyết không chịu ngừng bắn, dù chỉ là một cuộc ngừng bắn ngắn ngủi dài mươi ngày. Như thế đủ hiểu Nga yêu hòa bình đén mức nào.

Khi buông ra những lời chỉ trích đối phương, Moscow đang giả vờ không hiểu rằng hòa bình chỉ đến khi súng đạn không còn rền vang. Nga là nước đã bắn phát súng đầu tiên thì hãy là nước đầu tiên đập gãy súng của mình.

Chưa rõ liệu Đức sẽ cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine hay không. Nhưng Moscow có lý khi nói nếu Đức cấp loại tên lửa này thì chiến tranh leo thang là điều không tránh khỏi. Người ta tin rằng một khi chiến tranh leo thang thì nước mệt mỏi nhất sẽ chính là Nga, nước đang vật lộn với một nền kinh tế đang bên bờ vực. Dường như những kẻ đứng đầu nước Nga không chịu hiểu một điều rằng nếu họ thắng được Ukraine thì đã thắng từ lâu rồi, chứ không để tới giờ này phải lao đao vì cuộc chiến mà họ đã gây ra. Giờ này mà Moscow nghĩ có thể buộc Ukraine phải đầu hàng thì thật là ảo tưởng.

Trung Quốc tuyên bố họ không thể để Nga thua. Nhưng Trung Quốc có thể làm được gì để cứu Nga khi mà nội bộ Trung Quốc đang rối ren? Rốt cuộc, Nga đã có gan gây ra đám cháy thì phải có gan chịu phỏng. Trách móc nước này hay nước kia thì chẳng ích gì. Đâu phải vì tiếng sủa của một con chó mà đoàn lữ hành dừng chân.

Mặt khác, theo tờ Axios, gần đây ông Putin khuyến khích Tehran chấp nhận một thỏa thuận cấm làm giàu uranium, vốn là yêu cầu then chốt của Washington trong mọi cuộc đàm phán. Nếu tin này là đúng thì có thể nói ông Putin đã cho Tehran một lời khuyên đúng đắn. Vì rõ ràng việc Tehran cứ khăng khăng không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân của họ đã khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vừa qua chính là do Tehran không chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Chẳng ai tin chương trình hạt nhân của Tehran là vì mục đích dân sự.

Tehran thất vọng với việc Nga giúp đỡ một cách rất hạn chế cho Iran trong cuộc xung đột 12 ngày. Nhưng Nga thì có thể làm được gì nhiều cho Iran khi mà chính Nga đang sa lầy ở Ukraine. Tốt nhất là Tehran nên nghe theo lời khuyên của ông Putin. Đó xem ra chính là cách giúp Tehran có thể giúp Tehran giữ được chế độ thần quyền của họ.

Một vấn đề khác, đó là khi khuyên Tehran không nên cương với Phương Tây, ông Putin cũng nên nhìn lại chính mình để thấy rằng việc Nga quyết ăn thua đủ với Phương Tây ở chiến trường Ukraine chỉ là điều vô ích, càng kéo dài càng có hại cho Nga mà thôi.

Tốt nhất là, để tránh cho đám cháy ngày càng bùng lên, Nga nên chấp nhận rút quân khỏi 4 tỉnh miền Đông của Ukraine. Điều này có thể là cách hay giúp Nga giữ được Crimea. Còn nếu Nga quyết đánh tới cùng thì sau rốt một nước Nga kiệt sức sẽ khó  làm chủ được 4 tỉnh miền Đông đã đành, mà ngay cả Crimea cũng chưa chắc có thể giữ được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo