Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Nga sẽ gánh chịu những hậu quả tồi tệ nếu không đạ được thỏa thuận về Ukraine trong vòng 50 ngày.
Khi được các phóng viên hỏi “những hậu quả tồi tệ” là gì, ông Trump đáp rằng thuế quan và những lệnh trừng phạt khác sẽ được áp dụng. Trước đó một ngày, trong “tối hậu thư” của mình, ông Trump đã dọa sẽ áp thuế 100% đối với Nga và các đối tác thương mại của Nga.
Ông Trump nói mình hy vọng không phải dùng những biện pháp mạnh này với Nga nhưng khẳng định Mỹ sẵn sàng hành động dứt khoát. Nhiều người nghi ngờ về sự “sẵn sàng hành động dứt khoát” của ông, khi ông ta không muốn Ukraine tấn công vào thủ đô Nga bằng tên lửa tầm xa, trong khi Nga vẫn thường xuyên không kích tàn bạo vào thủ đô của Ukraine. Phải chăng vị tổng thống Mỹ ngại gây oán với Nga, không muốn Mỹ dấn quá sâu vào cuộc chiến mà ông từng cho rằng thuộc về Âu Châu và Mỹ không nên dính vào.
Khi được hỏi vì sao lại dành cho Nga thời hạn 50 ngày, ông Trump cho rằng 50 ngày không phải là dài, và rằng người ta nên đi hỏi ông Biden vì theo ông, chính ông Biden đã kéo nước Mỹ vào cuộc xung đột. Nói như vậy, ông Trump dường như cố tình không thấy rằng chính tham vọng lãnh thổ của Moscow đã gây ra cuộc chiến này. Việc NATO có thể kết nạp Ukraine chỉ là cái cớ cho Nga mở cuộc xâm lược vào Ukraine.
Một lần nữa, ông Trump cho rằng nếu ông là tổng thống, chứ không phải ông Biden, thì cuộc chiến đã không xảy ra. Khó mà tin được điều này. Việc Moscow xem thường cái tối hậu thư của ông bằng việc tiếp tục tung ra những cuộc tấn công chết chóc vào Ukraine đủ thấy họ xem trọng ông như thế nào rồi.
Pháp, Ý, Séc vừa quyết định không tham gia “sáng kiến” mua vũ khí Mỹ cho Ukraine. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bán cho các nước Âu Châu một lô vũ khí trị giá nhiều tỷ Mỹ kim, gồm tên lửa, hệ thống phòng không và đạn dược, rồi Âu Châu sẽ chuyển chúng sang Ukraine. Pháp lấy lý do là vì nước này đang tự phát triển sản xuất vũ khí. Ý lấy cớ là do thiếu kinh phí. Còn Séc giải thích là viện trợ cho Ukraine sẽ được họ cung cấp theo cách khác.
Có thể tin rằng các nước này sẽ hoàn toàn đồng ý với kế hoạch trên nếu Mỹ cũng là một nước chi trả cho lô vũ khí đó, cũng như các lô vũ khí trong tương lai. Thế nhưng Mỹ chỉ muốn coi đây là cơ hội làm ăn, nghĩa là chỉ muốn mình đơn thuần là bên bán vũ khí, còn Âu Châu là bên mua. Nói cách khác, Mỹ một lần nữa chỉ muốn họ là bên trung lập, chứ không phải là nước đứng về phía chính nghĩa của Ukraine.
Để trấn an Kyiv, Tổng Thống Macron khẳng định Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng việc mua vũ khí do Âu Châu sản xuất. Ý cũng có lập trường tương tự. Xem ra Ukraine không cần phải lo lắng vì dù sao chỉ Pháp, Ý, Séc là các nước không ủng hộ kế hoạch này. Còn những nước Âu Châu khác vẫn đồng ý. Thực tế là sáng kiến này do Đức và ông Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đề xuất, xem đó là giải pháp tạm thời cho sự do dự của Tổng Thống Trump trong việc gởi viện trợ trực tiếp của Mỹ.
Nga chỉ trích việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột, xem đây là hành động “đùa với lửa.” Phải chăng ông Trump, kẻ lúc nào cũng nghĩ tới chuyện làm ăn, đang e sợ ngọn lửa mà Nga đem ra hù dọa, chỉ là ông ngại nói ra?
Rốt cuộc, người ta một lần nữa nên tạm hài lòng rằng dù sao với cái “tối hậu thư” mà ông Trump đưa ra hôm 14 Tháng Bảy, ông cũng đã “thể hiện lập trường cứng rắn với Nga, và đó là một tín hiệu tích cực,” như lời bà Kaja Kallas.