1.
Từ ngày 27 Tháng Mười Một đến nay, nhóm phiến quân Hồi giáo HTS (Hayat Tahrir al-Sham) cùng với các phe đồng minh bất ngờ tấn công qui mô lớn nhằm vào quân đội Syria.
HTS đã nhanh chóng chiếm thành phố chiến lược Aleppo và tiến tới thủ đô Damascus, đặt chính quyền của Tổng Thống Bashar al-Assad vào thế bị đe dọa. Câu hỏi đặt ra là nếu Tổng Thống Assad bị HTS lật đổ, thì cuộc sống người dân Syria sẽ như thế nào? Tốt hơn hay còn tệ hơn? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào HTS là ai.
HTS trước đây được biết tới với tên gọi Jabhat al-Nusra, từng là một trong các lực lượng chống chính quyền của Tổng Thống Bashar al-Assad trong nội chiến Syria vào năm 2011. Từ năm 2015, Nga can thiệp vào xung đột ở Syria và ủng hộ chính quyền Assad. Còn Mỹ hỗ trợ nhiều phe phái khác đang kiểm soát trên thực tế một khu vực ở đông bắc Syria.
Dù hậu thuẫn các phe phái khác nhau, Mỹ và Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ đều xem HTS là một tổ chức khủng bố. Song lãnh đạo HTS là Abu Mohammad al-Jolani luôn bác bỏ các cáo buộc rằng nhóm chiến binh Hồi giáo của ông ta là mối đe dọa đối với lợi ích của Phương Tây tại Trung Đông.
Có thể xem đó là cách Jolani lôi kéo sự ủng hộ của Phương Tây dành cho HTS trong cuộc đối đầu của phe này chống lại chính quyền Assad. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, cựu Đặc phái viên của Mỹ về Syria là James Jeffrey nhận định HTS là “một tài sản chiến lược” của Mỹ ở Trung Đông. Và dù bị xem là khủng bố, HTS cũng hợp tác với nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế để giúp đỡ người dân Syria sau trận động đất năm 2023.
Tóm lại, HTS là khủng bố hay không là khủng bố thì còn phải chờ xem. Nếu HTS lên nắm quyền ở Syria và thi hành một chính sách ôn hòa thì xin chúc mừng người dân Syria. Còn nếu HTS lộ nguyên hình là băng nhóm khủng bố cực đoan thì xin chia buồn cùng đất nước này.
2.
Trong khi Ukraine tỏ ra có những thất vọng về Phương Tây thì nước này mới đây nhận được cú hích quan trọng, làm vực dậy tinh thần đang ít nhiều sa sút của họ.
Đó là bà Kaja Kallas, tân Cao ủy Liên minh Âu châu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, trong chuyến thăm Ukraine nhấn mạnh rằng EU muốn Ukraine chiến thắng cuộc chiến với Nga và “sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được điều đó.”
Bà Kaja Kallas tuyên bố EU không loại trừ khả năng gởi binh sĩ tới Ukraine. Trong tình hình Ukraine đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn, sự ủng hộ toàn diện của EU thể hiện quyết tâm của liên minh này đối với sự ổn định ở Âu châu.
Tổng Thống Zelensky từng nói: “Nếu người dân Ukraine không hy sinh mạng sống khi Nga phát động cuộc xâm lược, thì Ukraine đã nhanh chóng đầu hàng.” Ông nói thêm: “Không ai giúp chúng tôi vào thời điểm đó. Vũ khí quan trọng nhất của chúng tôi là người dân của chúng tôi.” Một khi Ukraine quyết không đầu hàng những kẻ xâm lược thì không lý do gì Phương Tây lại thiếu quyết tâm trong việc ủng hộ chính nghĩa của Ukraine.
Có thể nói EU ngày càng nhận ra rằng cựu Thủ Tướng Boris Johnson của Anh đã đúng khi nói nếu Nga thắng thì Âu châu sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều so với hiện nay. Và rằng Tổng Thống Biden có lý khi nói “giúp Ukraine là giúp chính mình.”
Như vậy, những ai ủng hộ chính nghĩa của Ukraine không việc gì phải quá lo lắng cho tương lai của đất nước này. Ukraine không đơn độc. Đất nước này đang có những người bạn tốt đồng hành. Điều quan trọng là Phương Tây nói phải đi đôi với làm. Bởi hứa thì bao giờ cũng dễ. Thực hiện được những lời hứa mới là vấn đề.
3.
Tổng Thống Joe Biden hôm 1 Tháng Mười Hai thông báo đã ký lệnh ân xá “toàn diện và vô điều kiện” cho Hunter Biden.
Vậy là sau khi ân xá gà tây, ông Biden ân xá tiếp cho con trai. Cha con nghĩa nặng tình thâm. Ông Biden từng mất một người con gái tên Naomi Christina trong tai nạn xe hơi năm 1972, và con trai cả Beau Biden qua đời do ung thư não năm 2015.
Tổng Thống Tân Cử Donald Trump chỉ trích việc ông Biden ân xá cho con, nói đó là lạm quyền và sai phạm công lý. Giới quan sát tin rằng để đáp lại, ông Trump sẽ ân xá cho những người bị bắt trong cuộc bạo loạn 6 Tháng Một khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc. Khoảng 1,500 người bị buộc tội liên quan tới vụ này. Ông Trump gọi những kẻ bạo loạn đó là “yêu nước.”
Việc ông Biden ân xá cho con trai diễn ra chưa đầy hai tuần trước ngày tuyên án 12 Tháng Mười Hai. Trước đó, ông Hunter bị kết tội khai man khi kiểm tra lý lịch sử dụng súng, sở hữu súng trái phép và đã nhận tội về các cáo buộc thuế liên bang.
Về việc này, nhiều người cho rằng khó mà trách ông Biden được, vì chẳng gì ông ấy cũng là một người cha. Vả chăng, cờ còn trong tay ai người đó phất. Và rằng ông Trump cũng từng ân xá cho ông sui của mình là Charles Kushner trong nhiệm kỳ trước. Không chỉ thế, mới đây còn bổ nhiệm ông ta làm đại sứ Mỹ tại Pháp. Ông Charles Kushner từng bị buộc tội đóng góp vào quỹ hoạt động chính trị trái phép và trốn thuế.
Chung qui, chỉ là chuyện lươn chê lịch!