Giữa Tháng Ba 2025, trong bối cảnh Washington lăm le rút khỏi NATO, EU đã công bố kế hoạch “ReArm Europe” nhằm tăng cường chi tiêu quân sự, huy động 150 tỷ Euro để các chính phủ EU đầu tư vào các dự án quốc phòng chung.
Washington được cho là đang mong muốn các đồng minh Âu Châu tiếp tục mua vũ khí do Mỹ sản xuất như bấy lâu nay, giữa lúc Âu Châu muốn dành ưu tiên cho ngành công nghiệp quốc phòng của họ, thay vì Mỹ.
Vì thế, tới Brussels dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên NATO vào các ngày 3 và 4 Tháng Tư, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã khẳng định Mỹ sẽ không rời bỏ NATO. Và để cứu nền công nghiệp quốc phòng Mỹ không rơi vào cảnh khó khăn, ông Rubio đã đề nghị các nước thành viên của liên minh quân sự này tiếp tục mua vũ khí của Mỹ. Nói thẳng ra, Washington đang lo sợ Âu Châu sẽ bỏ rơi vũ khí Mỹ.
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ vốn thống trị thế giới. Trong năm 2023, khi xung đột Nga-Ukraine đang trong giai đoạn khốc liệt nhất, chỉ riêng 10 công ty quốc phòng lớn nhất của Mỹ đã có doanh thu hơn 250 tỷ Mỹ kim, phần lớn số đó đến từ các đồng minh của Mỹ ở Âu Châu. Nghĩa là bấy lâu nay, Âu Châu đã là con bò sữa nuôi dưỡng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, bên cạnh con bò sữa nhỏ hơn nhiều là các nước ở Thái Bình Dương.
Có lẽ không sai nếu nói rằng chẳng ai muốn chiến tranh, ngoại trừ những nhà sản xuất vũ khí. Và trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, có các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ, dẫn đầu bởi “đại gia” Lockheed Martin, nhà sản xuất mẫu máy bay chiến đấu F-35 mà mỗi chiếc có giá 80-100 triệu Mỹ kim tùy phân khúc. Theo bảng xếp hạng top 100 công ty quốc phòng lớn nhất thế giới tính theo doanh thu năm 2020 của tạp chí Defense News, Mỹ đứng đầu với 6 công ty nằm trong top 10. Đó cũng là những công ty có cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang. Và Âu Châu, để viện trợ quân sự cho Ukraine, đã bỏ ra số tiền rất lớn để mua vũ khí do các công ty đó sản xuất. Hoàn toàn có thể tin rằng nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ có cổ phần trong các công ty đó.
Có thể nói Washington rất dại dột khi có suy nghĩ rằng Âu Châu chỉ là đồ ăn bám. Làm gì có chuyện Âu Châu ăn bám Mỹ mà có khi ngược lại, khi mà bao nhiêu năm qua Âu Châu, với các hợp đồng lớn mua vũ khí của Mỹ, đã làm giàu cho các công ty quốc phòng Mỹ. Như thế Âu Châu đã gián tiếp làm giàu cho nước Mỹ. Chỉ những nhà kinh doanh điên rồ mới nặng lời với khách hàng lớn của mình, vì như thế là tự làm hại chính mình.
Washington xem việc Âu Châu loại bỏ các công ty Mỹ khỏi gói thầu quốc phòng của EU là “tín hiệu tiêu cực”. Vấn đề là chính Washington lại là kẻ gây ra sự tiêu cực đó, chứ không phải Âu Châu, khi mà trong thời gian qua, chính quyền của TT Donald Trump liên tục có những lời lẽ khó nghe xúc phạm lòng tự trọng của Âu Châu, xem Âu Châu là kẻ thích dựa dẫm Mỹ mà không lo tự lực cánh sinh.
Hẳn là Washington muốn Âu Châu vẫn là khách hàng sộp của các công ty quốc phòng của Mỹ. Muốn vậy thì Washington phải luôn tỏ ra là người bạn chân thành của Âu Châu. Sống ở đời, người ta luôn cần lẫn nhau. Làm gì có chuyện anh cần tôi chứ tôi không cần anh. Chưa biết ai cần ai hơn. Âu Châu mà bảo nhau ngừng mua vũ khí Mỹ thì ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ sẽ ngắc ngứ.
Giờ đây hẳn Washington đang thấm thía những lời lẽ không hay ho mà họ dành cho Âu Châu. Washington cần tỉnh táo để nhìn lại mình, để không tiếp tục có những lời lẽ sai trái với Âu Châu. Con ếch chết vì cái miệng. Trên hết, Washington cần hiểu rằng sẽ là sai lầm lớn nhất mà chính quyền Trump phạm phải nếu để mất đi người bạn quí hóa với nước Mỹ như Âu Châu.