(Hình minh họa: Hasan Almasi/Unsplash)

1.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Phương Tây rằng sự kiên nhẫn của Nga về vũ khí hạt nhân không phải là vô hạn. Và rằng Moscow đã  cố gắng kiềm chế.

Vậy do đâu mà Moscow đã “ cố gắng kiềm chế”? Hẳn là vì Moscow thừa biết rằng sẽ không có ai là người thắng nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân. Đó chính là lý do buộc Moscow phải kiềm chế khi cho rằng Phương Tây nhiều lần giẫm lên lằn ranh đỏ của mình, chứ chẳng phải Nga tử tế gì.

Khi nói rằng “sự kiên nhẫn của Nga về vũ khí hạt nhân không phải vô hạn,” hẳn ông Medvedev có ý rằng Nga sẽ không ngần ngại nhấn nút hạt nhân. Thế nhưng ngay sau đó Medvedev lại thòng thêm rằng Nga có thể đáp trả bằng một số loại vũ khí khác, không nhất thiết phải là vũ khí hạt nhân, song vẫn có sức tàn phá lớn.

Vậy là rõ. Vậy là trong khi hùng hổ hăm dọa rằng có giới hạn cho sự kiên nhẫn, rằng Nga hoàn toàn có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân, Medvedev lại cho Phương Tây thấy rằng Nga sẽ không dám sử dụng vũ khí hạt nhân.

Rốt cuộc, sủa vẫn cứ là sủa!

2.

Tổng Thống Nga Putin nói: “Nga chưa bao giờ từ bỏ đàm phán. Tôi luôn nói Nga muốn giải quyết mọi vấn đề gây tranh cãi bằng biện pháp hòa bình.”

Với những lời lẽ như thế, hẳn ông Putin muốn cho thế giới thấy ông ta là một người yêu hòa bình và rằng nước Nga ghét chiến tranh. Song lời nói của Putin lại không đi đôi với việc làm. Bởi lẽ nếu Putin thực sự yêu hòa bình thì năm 2022, ông ta có vấn đề gì bất đồng với Ukraine hay Phương Tây thì chọn giải pháp ngoại giao, cớ sao lại xua quân xâm lược Ukraine. Rõ là Putin miệng hòa bình, bụng chiến tranh. Cái gọi là đàm phán hòa bình của Putin thực chất chỉ là buộc Ukraine phải nhượng đất cho Nga.

Thuở còn tồn tại, Liên Xô gọi sự chống trả phát xít Đức thời Thế chiến 2 của mình là cuộc vệ quốc vĩ đại, và rằng chính nghĩa thuộc về Liên Xô. Điều này chắc không sai. Giờ đây, với sự kiên cường chống Nga xâm lược, người Ukraine  cũng đang làm nên một cuộc vệ quốc vĩ đại, và chính nghĩa tất nhiên đứng về phía nhân dân Ukraine.

Chính nghĩa chẳng bao giờ thuộc về kẻ xâm lược. Những kẻ có máu ăn cướp như Putin có lẽ chẳng bao giờ hiểu được điều này.

3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói TQ muốn xây dựng quan hệ với Mỹ dựa trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi.”

Tuyên bố này của ông Tập là điều đáng hoan nghênh. Mỹ và Trung Quốc hiện là hai siêu cường. Sự hòa hợp giữa họ là điều tốt cho sự ổn định của thế giới. Ngược lại, mọi sự hục hặc giữa họ hẳn sẽ gây bất ổn toàn cầu. Đối thoại thay vì đối đầu phải là điều Mỹ và Trung Quốc luôn luôn theo đuổi.

Ông Tập hoàn toàn đúng khi tuyên bố rằng trong tình hình thế giới đầy biến động, mọi quốc gia cần tăng cường hợp tác thay vì chia rẽ, và rằng Mỹ và Trung Quốc cần trở thành nguồn lực cho hòa bình thế giới.

Song nói đúng thì chưa đủ, còn phải thi hành đúng. Để đạt được mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Trung Quốc phải không được giẫm lên lằn ranh đỏ của Mỹ. Trước mắt, đó là Trung Quốc không được viện trợ quân sự cho Nga để chống Ukraine, không được khuấy động Biển Đông cũng như không động binh để chiếm Đài Loan.

Nếu Trung Quốc vi phạm các điều đó thì mọi cam kết hay ho của ông Tập chỉ là trò lừa không hơn không kém.

4.

Sau khi danh ca Taylor Swift tuyên bố ủng hộ bà Harris làm tổng thống, ông Trump viết trên mạng Truth Social: “Tôi ghét Taylor Swift.”

Taylor Swift là ca sĩ nổi tiếng có lượng fan đông đảo nên sự ủng hộ của danh ca này dành cho bà Harris tất nhiên là có sức nặng và là gáo nước lạnh tạt vào mặt ông Trump, khiến ông ấy ghét Taylor Swift cũng là điều dễ hiểu.

Song là một chính trị gia, ông Trump nên tránh bộc lộ cảm xúc thường xuyên như một ngôi sao showbiz. Nói ghét Taylor Swift thì chẳng ích gì. Điều đó chỉ càng làm cho fan của danh ca này quyết bỏ phiếu cho bà Harris mà thôi. Vả chăng, nếu là một vị tổng thống thì phải biết tạo sự đoàn kết cho đất nước, dẫu có những bất đồng. Sự nhỏ nhặt không phù hợp với một bậc chính nhân quân tử.

Sự ủng hộ của Taylor Swift có giúp mang lại chiến thắng cho bà Harris hay không thì chưa rõ. Nhưng thiết nghĩ, ông Trump sẽ đáng gọi là “cao thủ” nếu viết rằng: “Dù Taylor Swift không yêu tôi nhưng tôi vẫn yêu cô ấy biết bao!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: